Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lãnh đạo tài năng, kiệt xuất của cách mạng Việt Nam
Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, trong một gia đình trí thức yêu nước.
Sinh ra là lúc Nho học đã ở buổi xế chiều, nhưng với truyền thống gia đình, đồng chí Trường Chinh đã làm quen với Tứ thư, Ngũ kinh, thơ Đường và được đào tạo bài bản về văn hóa và lịch sử theo truyền thống Nho học. Đồng chí cũng sớm tiếp thu kiến thức của nền giáo dục phổ thông chủ yếu học bằng tiếng Pháp của chế độ thuộc địa.
Theo học tại Trường Thành Chung, Nam Định cho đến khi bị đuổi học do đấu tranh chống chính quyền đòi làm lễ truy điệu cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, đồng chí phải lên Trường Trung học Bảo hộ ở Hà Nội thi tốt nghiệp để lấy bằng vào học trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương. Gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1927, đồng chí tham gia vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (năm 1929), là uỷ viên Ban Tuyên truyền Cổ động Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930. Từ một thanh niên yêu nước, Trường Chinh đã trở thành người cộng sản. Trong 10 năm hoạt động đầu tiên, đồng chí ra sức truyền bá đường lối cách mạng của Đảng cho cán bộ và nhân dân ta. Bị thực dân Pháp bắt, kết án 12 năm tù cầm cố, đày đi Sơn La năm 1930 sau đó đồng chí được trả tự do, về hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Hà Nội (1936 - 1939).
Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, với cương vị Quyền Tổng Bí thư ở thời điểm vô cùng khó khăn, đồng chí cử cán bộ đi nối lại liên lạc, khôi phục tổ chức và cử người sang Quảng Tây đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước… Từ tháng 5/1941, trên cương vị Tổng Bí thư, với trí tuệ sắc sảo, đồng chí cùng với Trung ương Đảng có những quyết định quan trọng, đưa cách mạng tiến lên những bước nhảy vọt.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Nổi bật nhất là đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta ”. Chỉ thị đó, cùng với “Lời kêu gọi” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, có tác động lớn đến việc động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng cao trào chống Nhật, cứu nước.
Tại Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Tối 13/8/1945, Ủy ban phát lệnh Tổng khởi nghĩa; chỉ trong một thời gian ngắn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công vang dội. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến. Tác phẩm“Kháng chiến nhất định thắng lợi” của đồng chí đã xác định rõ mục tiêu và củng cố niềm tin của cán bộ và nhân dân vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến. Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, đồng chí cùng tập thể Bộ Chính trị, Trung ương Đảng có những đóng góp quan trọng vào việc đề ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Ảnh: Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, tháng 12/1986 (Ảnh tư liệu)
Cống hiến đặc biệt của Tổng Bí thư Trường Chinh là đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước và nguyện vọng của nhân dân. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Tổng Bí thư Trường Chinh là người lát viên gạch đầu tiên để xây nên ngôi nhà “đổi mới”, dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giáo điều, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Đồng chí đã cùng với Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành tư duy đổi mới và xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Tổng Bí thư Trường Chinh là người học trò xuất sắc và là một trong những đồng chí chiến đấu, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Trường Chinh có sự hòa quyện giữa nhà chính trị, tư tưởng và lý luận với nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ, thể hiện tài năng, tình cảm cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.