Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Viêm da cơ địa trước đây gọi là chàm thể tạng, là một bệnh da rất hay gặp, gây nhiều phiền toái cho người mắc phải, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thường liên quan đến yếu tố cơ địa, tiền sử bị các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc…
Nguyên nhân chính gây ra viêm da vẫn chưa được xác định nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là:
- Di truyền: Có khoảng 60% cha hoặc mẹ mắc viêm da do yếu tố cơ địa có con cũng mắc bệnh.
- Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch: Hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn tới sự đánh giá nhầm các tác nhân tiếp xúc với cơ thể.
- Yếu tố môi trường: Môi trường bị ô nhiễm, trong không khí chứa nhiều khói, bụi bẩn, len dạ, lông động vật… là một trong những tác nhân khiến bệnh khởi phát và nặng thêm.
Ngoài ra còn có 1 số nguyên nhân ít gặp khác như: Bệnh lý hệ miễn dịch; bệnh lý liên quan đến chuyển hóa như tăng men gan và các bệnh về gan. Thiếu nước cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến cho tình trạng viêm da cơ địa dễ xảy ra hơn.
Dấu hiệu điển hình nhất ở tất cả các trường hợp là bệnh nhân thấy ngứa. Ở trẻ em dưới 2 tuổi, thương tổn cơ bản là các mụn nước tập trung thành đám. Các mụn nước tiến triển theo các giai đoạn: tấy đỏ, mụn nước, chảy nước, đóng vảy, bong vảy da. Vị trí viêm da hay gặp ở má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng và có tính chất đối xứng.
Ở trẻ em từ 2 – 12 tuổi (hay gặp nhất là lứa tuổi từ 2- 5). thương tổn cơ bản là các sần nổi cao hơn mặt da, tập trung thành mảng hoặc rải rác, da dày, liken hóa. Có thể gặp các mụn nước tập trung thành đám. Vị trí thương tổn: mặt duỗi hay nếp gấp như khuỷu tay, khoeo chân, cổ tay, mi mắt, thương tổn ở hai bên hoặc đối xứng.
Ở người lớn, bệnh tiến triển từ giai đoạn trẻ em chuyển sang, một số khởi phát ở tuổi dậy thì, một số phát ở tuổi lớn hơn. Các nốt sần nổi cao hơn mặt da, rải rác hoặc tập trung thành đám. Có thể có một số mụn nước kèm theo nhiều vết xước do gãi. Vị trí khu trú của thương tổn hay gặp ở các nếp gấp như kheo chân, khuỷu tay, cổ tay, vùng hậu môn sinh dục, núm vú…
Viêm da cơ địa không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây song có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh
Nguyên tắc điều trị bệnh
Bệnh viêm da cơ địa cần phối hợp điều trị tại chỗ và toàn thân. Chú ý điều trị các bệnh cơ địa nếu có. Cần điều trị đúng theo từng giai đoạn, kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý. Điều trị bệnh tùy theo từng giai đoạn bệnh cấp tính, bán cấp, mạn tính. Sử dụng thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin C. Nếu bệnh nhân có triệu chứng bội nhiễm, cần phải dùng kháng sinh. Ngoài ra có một số phương pháp khác: Sử dụng phương pháp UVA, UVB hoặc LASER để điều trị; Một số thuốc ức chế miễn dịch.
Cách phòng bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa gây viêm da, bong và tấy đỏ da, lột da, ngứa ngáy, lở loét,…nhất là vào ban đêm và khi thời tiết thay đổi, bệnh lại càng hành hạ thể xác và tinh thần người bệnh nhiều hơn.
Để phòng bệnh viêm da cơ địa nhất là trong mùa đông, bệnh nhân nên: Hạn chế tiếp xúc với hóa chất; Hạn chế gãi; Hạn chế mặc quần áo bằng chất liệu dễ gây kích ứng. Ngoài ra nên dùng thuốc dạng mỡ, kem để làm mềm, ẩm, giữ nước tại vùng thương tổn.. Người bệnh cần tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng bằng cách bổ sung thực phẩm, vitamin, rau xanh; ngủ đủ giấc, hạn chế sử dụng các chất kích thích và uống đủ nước ngay cả khi không khát.
Bs. Vũ Khanh