Ngọn lửa nghị lực giữa đời thường
Trong căn phòng nhỏ, đôi bàn tay chai sạn của anh Phạm Văn Dương nhẹ nhàng xoa bóp từng huyệt đạo trên cơ thể khách hàng. Ít ai biết rằng, 26 năm trước, chính anh từng chìm đắm trong tuyệt vọng, bế tắc khi căn bệnh quái ác cướp đi gần như tất cả những gì anh có. Nhưng bằng nghị lực phi thường, anh đã vươn lên từ những khó khăn, trở thành một người thầy thuốc đông y tài năng và là chủ của một cơ sở tẩm quất uy tín.
Anh Phạm Văn Dương sinh ra trên mảnh đất nghèo Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên vào mùa thu năm 1984. Lớn lên trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, tuổi thơ anh cũng mơ ước, ấp ủ bao dự định, là con ngoan trò giỏi, là người công dân có ích cho xã hội và đất nước.
Nhưng, bóng tối đã cướp đi tất cả, cướp đi luôn cả tuổi thơ của anh. Anh đã phải bỏ học giữa chừng khi sắp hết lớp hai bởi một căn bệnh về mắt. Bố mẹ đưa anh vào Nam ra Bắc để chữa trị, song tất cả đều vô vọng. Sống trong bóng tối với tự ti và mặc cảm suốt gần chục năm trời, đến năm 2000, giữa lúc anh vẫn đau khổ, tuyệt vọng, cứ ngỡ rằng cuộc đời sẽ đi vào ngõ cụt không lối thoát thì Hội Người mù Cẩm Xuyên đã đến bên anh. Hội vận động anh đi học lớp chữ nổi. Sau một thời gian miệt mài cố gắng, anh đã đọc thông viết thạo chữ Braille. Được sự động viên của bố mẹ, người thân, gia đình và tổ chức Hội, anh đã vào học hòa nhập lớp bốn. Dẫu còn khó khăn trở ngại, nhưng với sự động viên, giúp đỡ của người thân và nỗ lực, quyết tâm của bản thân, anh đã học hết cấp hai. Năm 2007, anh tiếp tục theo học lớp xoa bóp bấm huyệt dành cho người mù, sau 6 tháng học tập, cố gắng không ngừng, anh đã đạt được tấm bằng loại giỏi.
Vui hơn, hạnh phúc hơn nữa là trong quá trình học tập, anh đã tìm hiểu và đem lòng yêu một người con gái học cùng lớp. Được sự nhất trí của hai bên gia đình, Hội Người mù Cẩm Xuyên đã đứng ra tổ chức lễ thành hôn cho vợ chồng anh vào đầu năm 2008. Thế là một túp lều tranh, hai trái tim cùng chung cảnh ngộ, một gia đình nho nhỏ ra đời. Hạnh phúc được xây dựng trên sự đồng cảm, đồng cảnh, tổ ấm nhỏ của anh chị đã có thêm ba thành viên là hai cô con gái và một cậu con trai. Cả ba con đều chăm ngoan, học giỏi, biết sẻ chia, giúp đỡ bố mẹ trong những sinh hoạt hàng ngày.
Sau khi kết thúc khóa học xoa bóp bấm huyệt, anh về làm ở cơ sở tẩm quất Hội Người mù Cẩm Xuyên. Nhận thấy đây là nghề rất phù hợp với điều kiện và sức khoẻ của người mù, vì vậy, anh không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề. Dù không được may mắn sở hữu một đôi mắt sáng, nhưng anh Dương không bao giờ cho phép số phận cản trở ước mơ của mình. Sau nhiều năm làm việc tại cơ sở của Hội cũng như tại các cơ sở tẩm quất, massage, anh Dương cũng đã gom góp được một ít vốn cộng thêm vay mượn người thân, tự mua đất, xây nhà và mở một cơ sở tẩm quất vào đầu năm 2016.
Đến nay, sau 8 năm hoạt động, cơ sở tẩm quất của anh Phạm Văn Dương đã trở thành địa chỉ quen thuộc không chỉ của nhiều khách hàng khu vực thành phố Hà Tĩnh mà còn cả khách du lịch đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan... Trong đó, nhiều du khách đến từ nước ngoài sau khi sử dụng dịch vụ của cơ sở đã giới thiệu cho bạn bè, người thân khi sang Hà Tĩnh và Nghệ An du lịch.
Nhờ có dịch vụ uy tín, chất lượng, cơ sở của anh Dương luôn duy trì đều đặn lượng khách ổn định từ 15-20 khách/ngày, những dịp cao điểm có khi lên đến 40 khách/ngày. Cùng với phục vụ tại cơ sở, anh Dương còn nhận phục vụ tại gia đình và du khách nghỉ dưỡng ở các khách sạn trên địa bàn thành phố và vùng lân cận. Hiện, cơ sở tẩm quất của anh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 4 lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn tích cực tham gia sinh hoạt tại Hội và tham dự các cuộc thi do Hội tổ chức như: tham gia cuộc thi ONKYO, bài thi của anh từng được Hội Người mù Hà Tĩnh chọn gửi ra Trung ương hội; anh cũng đạt giải nhì cuộc thi đọc viết nhanh chữ Braille do Hội người mù Cẩm Xuyên tổ chức và giải nhì của cuộc thi cấp Tỉnh hội. Với đôi tay lành nghề, anh cũng được đại diện Tỉnh hội tham gia cuộc thi tay nghề lần thứ nhất do Trung ương Hội tổ chức tại Thanh Hoá.
Để nâng cao kiến thức và kỹ năng sống, anh Dương còn tham dự nhiều khoá tập huấn phục hồi chức năng, nâng cao tay nghề do trung tâm dạy chữ dạy nghề của Tỉnh hội Hà Tĩnh tổ chức.
Với những nỗ lực của bản thân, anh Phạm Văn Dương đã được Trung ương Hội, Tỉnh hội và UBND các cấp tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có nhiều thành tích trong công tác Hội và lao động sản xuất, xứng đáng với lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”.
Anh Dương là một minh chứng sống động cho câu nói "Không có ước mơ nào là quá lớn và không có khó khăn nào là không thể vượt qua". Câu chuyện của anh sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ đang đối mặt với khó khăn trong cuộc sống.
Đan Linh