Hội cho tôi cuộc đời ý nghĩa!
Mỗi khi nghĩ đến Hội, nghĩ đến chặng đường đã đi qua, trong tôi tràn đầy sự trân trọng, biết ơn và xúc động bởi với tôi, Hội không chỉ mang lại cái chữ, cái nghề, cho tôi có cuộc sống tự lập hôm nay mà hơn thế, Hội đã luôn đồng hành cùng tôi, giúp đỡ tôi những lúc khó khăn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiểu biết, cho tôi trưởng thành.
Những tháng năm buồn trong vô vọng!
Tôi sinh ra vào một ngày cuối thu năm 1983 tại một làng quê nghèo thuộc tỉnh Phú Thọ. Sự ra đời của tôi khi đó đã mang đến cho gia đình tôi niềm vui, niềm hạnh phúc thật lớn. Không vui không hạnh phúc sao được khi sau 5 năm dài chờ đợi kể từ lúc kết hôn, đến giờ phút ấy, bố mẹ tôi mới được đón mụn con gái đầu lòng. Nhưng rồi niềm vui đã nhanh chóng được thay thế bằng sự lo âu, những khó khăn và cuối cùng là sự tuyệt vọng. Bởi vì thiếu sữa mẹ mà tôi bị suy dinh dưỡng nặng, phải nằm viện suốt 9 tháng dài và khi trở về, căn bệnh khô giác mạc đã khiến tôi trở thành một đứa trẻ khiếm thị.
Khi tuổi thơ hồn nhiên dần qua đi cũng là lúc tôi dần ý thức được sự thiệt thòi của bản thân. Tôi bắt đầu biết tủi, biết thương bố mẹ và sự tự ti, mặc cảm cũng bắt đầu xuất hiện, khiến tôi buồn thật nhiều. Tôi ngại tiếp xúc với mọi người, mỗi ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, giúp bố mẹ những việc vặt. Để rồi đêm về, nằm nghĩ đến sự không may của mình, nghĩ đến tương lai tôi lại khóc. Tôi ước có một cái nghề để tự lo cho bản thân, không trở thành gánh nặng của gia đình. Ước có được một người bạn cùng cảnh để chia sẻ buồn vui. Nhưng ước là ước vậy thôi chứ tôi không biết phải làm sao để ước mơ thành hiện thực, bởi ở quê tôi lúc bấy giờ đâu có ai biết đến Hội Người mù hay trường học dành cho người hỏng mắt đâu? Thế nên tương lai với tôi lúc đó mở mịt giống như màn sương bao phủ trước mắt tôi mỗi ngày vậy.
Ảnh: Chị Hải Yến tham gia vòng sơ khảo Liên hoan Tiếng hát từ trái tim tại Quận hội Long Biên.
Bình minh tìm tới!
Thời gian trôi đi, tôi đã bước vào tuổi đôi mươi! Ước mơ được bước ra khỏi làng quê để tự lập đã ngày càng trở nên xa vời. Bên cạnh nỗi buồn và tuyệt vọng, trong tôi còn hình thành một nỗi sợ, sợ phải đón nhận những điều mà tôi không hề muốn, ấy là phải ra ở riêng khi các em lập gia đình rồi sinh một đứa trẻ và làm mẹ đơn thân để mong có chỗ nương tựa lúc về già. Cái quy luật bất thành văn dành cho những người quá lứa hoặc khuyết tật ở các vùng quê. Đang trong lúc lo sợ, hoang mang thì bỗng một ngày có bác cũng mắt kém tới nhà tôi và giới thiệu là cán bộ của Hội người mù tỉnh. Bác vận động gia đình tôi cho tôi tham gia sinh hoạt trong Hội. Lúc đó bố mẹ tôi mừng lắm! Còn tôi, tôi vui sướng vô cùng! Chỉ mong thật nhanh đến ngày tổ chức đại hội để được đi dự rồi đi học như lời bác cán bộ Hội đã nói.
Rồi tôi đã được vào Hội và được đi học chữ nổi, các khóa kỹ năng, khóa nghề ở Hội Người mù Việt Nam. Không những vậy, tôi còn có dịp tiếp xúc và học hỏi được rất nhiều kỹ năng cần thiết với người khiếm thị từ những bạn cùng cảnh. Mỗi ngày trôi qua đối với tôi đều là một ngày thật ý nghĩa. Sự tự ti dần biến mất, tôi ngày càng tự tin hơn và bắt đầu nỗ lực rèn luyện để hướng tới tương lai và màn sương bao phủ trước mắt tôi như không còn tồn tại nữa.
Ảnh: Chị Hải Yến nhận giải nhất của cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam” tại lễ Kỷ niệm 55 năm thành lập Hội.
Cuộc đời thay đổi!
Năm 2006, ba năm sau ngày vào Hội, tôi đã như trở thành một người khác! Nhanh nhẹn, hoạt bát, biết nấu ăn, có thể tự di chuyển bằng xe bus trong thành phố mà không cần người đưa đón như khi mới xuống Hà Nội. Lúc này tôi đã học được nghề xoa bóp tẩm quất và có thể tự lo cho bản thân bằng chính đôi tay và sức lao động của mình.
Cũng thời điểm này, tôi tham gia sinh hoạt trong Hội Người mù quận Long Biên. Ở đây, tôi được chào đón và quan tâm không khác gì các hội viên trong quận. Biết tôi đã hoàn thành khóa đào tạo giáo viên xóa mù chữ nổi, hội tin tưởng giao cho tôi đứng lớp hướng dẫn cho hội viên trong Hội. Hội còn bồi dưỡng kỹ năng tin học, kỹ năng truyền đạt để tôi có thể hướng dẫn lại cho các cô bác hội viên.
Sau một thời gian đi làm, tay nghề đã tương đối vững vàng, cũng là lúc tôi quyết định lập gia đình với một người cùng cảnh đến từ miền trung cũng tham gia sinh hoạt trong Hội. Để cuộc sống ổn định hơn, vợ chồng tôi vay mượn bạn bè, người thân để mở một cơ sở tẩm quất nho nhỏ. Vào thời điểm đó, nghề tẩm quất của người mù chưa phát triển nên chính quyền địa phương nơi chúng tôi thuê mặt bằng chưa thật sự hiểu về công việc này, từ đó chưa tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi. Nhưng nhờ có Hội đứng ra xác nhận, cơ sở của chúng tôi đã có thể hoạt động và dần dần chiếm được niềm tin của chính quyền cũng như bà con nhân dân.
Khi cơ sở dần ổn định, tôi tiếp tục được tham gia công tác chi hội và nhờ đó, tôi đã có nhiều hơn cơ hội chia sẻ, hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, điều mà khi mới được vào Hội tôi đã thầm mong ước.
Có Hội đồng hành trên mỗi bước đi
Với mong muốn có thêm thu nhập đồng thời cũng muốn thử sức mình ở một công việc hoàn toàn mới mẻ, năm 2018, tôi bắt đầu tham gia công việc bán hàng online trên Facebook. Nhưng chính vì nghề này vào thời điểm đó còn mới nên tôi gặp rất nhiều khó khăn. Gần một năm mà chưa thật sự thấy có tiềm năng, đang loay hoay chưa biết phải làm gì thì đúng lúc ấy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Thành hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức khóa đào tạo bán hàng online và thế là tôi đăng ký tham gia học.
Sau khi hoàn thành khóa học đó, tôi học được rất nhiều kiến thức. Từ các bước tìm kiếm khách hàng tiềm năng, chọn lọc sản phẩm chất lượng, cách thức xây dựng nhãn hiệu cho đến kỹ năng marketing và nhiều kiến thức bổ ích khác nữa. Tôi cố gắng vận dụng những gì đã được học, đồng thời rèn luyện các kỹ năng để công việc phát triển hơn.
Giờ đây, sau hơn 5 năm gắn bó với công việc bán hàng online, tôi đã có được chút thành công khi đã tạo được niềm tin và có được lượng khách tương đối ổn định mang lại cho tôi nguồn thu nhập cao nhất có thể lên đến 8 triệu đồng mỗi tháng.
Mỗi khi có dịp chia sẻ với mọi người xung quanh, về những gì mà bản thân cũng như những bạn đồng cảnh khác đã làm được, tôi luôn cảm thấy rất tự hào. Tự hào không chỉ vì chúng tôi đã vượt được gian khó để vươn lên mà hơn thế, là vì chúng tôi có Hội, một gia đình lớn chứa đựng thật nhiều tình yêu thương đã nuôi dưỡng tâm hồn, cho chúng tôi niềm tin, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Lương Thị Hải Yến
(Bài đạt giải nhất Cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam”)