Ảnh bìa

Hội thảo đánh giá hiệu quả nghề tẩm quất , xoa bóp và hội thi tay nghề toàn quốc lần thứ II

Trong 2 ngày 10-11/9, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trung ương Hội Người mù Việt Nam chủ trì phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo Đánh giá hiệu quả nghề tẩm quất, xoa bóp và Hội thi tay nghề xoa bóp toàn quốc lần thứ II.

Tham dự có GS. TS. Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam; bà Đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, ông Pornchai Klubwihok – Giám đốc Trung tâm Quốc gia dành cho người mù – Hội Người mù Thái Lan; đại diện các Sở, ban ngành , UBMTTQ tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo, cán bộ chuyên môn TW Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù, các Tỉnh Thành hội và thí sinh dự thi đến từ 37 đơn vị.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Hội thi, đồng chí Phạm Viết Thu – Chủ tịch HNM Việt Nam nhấn mạnh: Trong quá trình hoạt động của HNM Việt Nam, công tác vay vốn, tạo việc làm là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nghề xoa bóp là nghề mũi nhọn, đem lại nguồn tài chính, đóng góp cho hoạt động Hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người mù. Hội thảo, hội thi lần này là dịp đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những khó khăn, hạn chế, đề ra phương hướng, kế hoạch, giải pháp thúc đẩy nghề xoa bóp của người mù Việt Nam, tôn vinh những kĩ thuật viên có tay nghề cao và nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với người mù. Đặc biệt, đây là dịp giao lưu, chia sẻ giữa các đơn vị cũng như tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và trao đổi kinh nghiệm với Hội Người mù Thái Lan.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe phần chia sẻ của Hội Người mù Thái Lan về quá trình xây dựng, phát triển của nghề massage của người mù Thái Lan. Hiện nay có khoảng 12.7000 người mù đang hành nghề. Trung tâm Quốc gia dành cho người mù trực thuộc Hội Người mù Thái Lan được Cục Hỗ trợ dịch vụ y tế và Hội đồng Massage cổ truyền Thái Lan – thuộc Bộ Y tế công cộng Thái Lan cho phép tổ chức các khóa massage dành cho người mù. Sau khi học xong khóa đào tạo ngắn hạn, người mù Thái Lan cần tham gia đào tạo và thực hành 2 năm để có thể dự thi lấy chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp. Có chứng chỉ này, người mù có thể làm việc tại các bệnh viện công và bệnh viện tư nhân. Đây cũng là yêu cầu quan trọng để họ có thể mở phòng khám massage y học của người mù.

Hiện tại, có hơn 200 cơ sở dịch vụ massage do người mù quản lí. Hội Người mù Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng cơ sở dịch vụ mẫu với các tiêu chuẩn chuyên môn, cơ sở vật chất, phong cách phục vụ và cả quần áo đồng phục. Sau thí điểm, các tiêu chuẩn sẽ được áp dụng rộng rãi nhằm thay đổi cách nhìn của xã hội đối với các dịch vụ massage của người mù, xây dựng thương hiệu massage của người mù Thái Lan một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Bộ Y tế công cộng Thái Lan cũng đã làm thủ tục đề xuất UNESCO công nhận nghề massage truyền thống của Thái Lan là di sản thế giới.

Ở Việt Nam, báo cáo đề dẫn và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng: Trong các nghề của người mù, tẩm quất xoa bóp là nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ và có mặt bằng thu nhập cao nhất so với các nghề khác. Được xác định là nghề mũi nhọn, gần 20 năm qua với định hướng của TW Hội, các Tỉnh, Thành hội đã chủ động triển khai xây dựng cơ sở vật chất, phương thức quản lý, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên. Đến nay có 45/56 Tỉnh, Thành hội mở được các dịch vụ tẩm quất xoa bóp do Hội tổ chức quản lý, với 246 cơ sở tẩm quất xoa bóp, 1.548 nhân viên, doanh thu từ 70 đến 80 tỷ đồng/năm, ngoài ra có 754 tổ nhóm xoa bóp, với 2.853 nhân viên, ở 44/56 Tỉnh, Thành hội do cá nhân người mù tự đứng ra tổ chức.

Một số Tỉnh, Thành hội có số cơ sở do Hội quản lý rộng khắp các huyện, thị như: Thanh Hóa 26 cơ sở, Hà Tĩnh 19 cơ sở, Hải Dương 16 cơ sở, Đồng Nai 14 cơ sở… Thu nhập bình quân của nhân viên tẩm quất, xoa bóp đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, nhiều đơn vị có doanh thu cao, thu nhập của kỹ thuật viên khá ổn định với mức 3,0 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Các kỹ thuật viên tay nghề cao thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng; có việc làm, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sng của người lao động được nâng cao, nhiều người đã mua được nhà, phương tiện, trang thiết bị, cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, con cái có điều kiện học hành.

Các đơn vị còn phân nguồn thu từ dịch vụ xoa bóp theo Quỹ phát triển, quỹ phúc lợi, quỹ Hội... để có nguồn kinh phí sửa chữa và mua sắm thay thế trang thiết bị, hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn nhân dịp lễ tết, nghỉ mát... Cùng với các cơ sở của các cấp Hội, một số cá nhân hội viên cũng đã tự mở các cơ sở dịch vụ hoạt động rất hiệu quả. Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe ông Nguyễn Tuấn – hội viên Tỉnh hội Khánh Hòa chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình. Ông cho biết: Nhờ được sinh hoạt Hội, được học nghề xoa bóp mà cuộc đời ông đã đổi thay từ một cậu bé mồ côi nghèo nay đã trở thành một ông chủ của 2 cơ sở massage lớn ở TP. Nha Trang, đã mua được ngôi nhà trị giá khoảng 10 tỉ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số ít đơn vị chưa thực sự quyết tâm để mở cơ sở xoa bóp, với những lý do như không có địa điểm, không có tiền đu tư, không có kỹ thuật viên, không có khách hàng... có cơ sở mới mở ra trong thời gian ngắn thấy ít khách không kiên trì đã giải tán. Một số cơ sở tẩm quất xoa bóp chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, vệ sinh ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ và tâm lý của khách; một số nhân viên do sức khỏe yếu, không chịu học hỏi nâng cao kiến thức, khả năng giao tiếp còn hạn chế nhất là xử lý các tình huống nhạy cảm trong quá trình phục vụ khách. Việc xây dựng câu lạc bộ tẩm quất xoa bóp ở các địa phương đến nay chưa được triển khai rộng rãi như định hướng đã đề ra …

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đến từ các đơn vị: Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Quảng Bình đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn cùng một số kiến nghị nhằm thúc đẩy nghề xoa bóp tại các địa phương. Nói về định hướng đào tạo nghề trong thời gian tới, ông Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù nêu lên một số giải pháp, trong đó  nhấn mạnh: “Tiếp tục  mở các lớp đào tạo ngắn hạn,  đồng thời xây dựng kế hoạch tập huấn nhằm bổ sung, nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ nhân viên đã qua đào tạo.  Xây dựng kế hoạch đào tạo massage cho người mù dài hạn hơn.

Ảnh: Ông Phạm Viết Thu - Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối, thúc đẩy và đảm bảo quyền được làm việc của người mù sau đào tạo. Phối hợp với các tỉnh thành hội, tăng cường tổ chức đào tạo trực tiếp ở nhiều khu vực khác nhau, từng bước xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, nghề nghiệp giữa các vùng miền, đồng thời góp phần giảm bớt khó khăn về kinh phí đi lại cho các đơn vị.”Trước mắt , phối hợp với Học viện y dược học cổ truyền Việt Nam và một số trường liên quan tổ chức tốt lớp Y sĩ Y học cổ truyền cho người mù vào cuối năm 2019. Bên cạnh những kiến thức, kĩ năng chuyên môn, tăng cường đào tạo những kĩ năng làm việc chuyên nghiệp.

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, GS. TS. Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và bà đinh Thị Thụy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam đều đánh giá cao hiệu quả của nghề xoa bóp đối với người mù và mong muốn đồng hành với tổ chức Hội để ngày càng nhiều người mù có cơ hội học nghề, có việc làm, thu nhập, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hội thảo đã thống nhất một số phương hướng phát triển nghề tẩm quất, xoa bóp sau: Các đơn vị tiếp tục phát triển và mở rộng mạng lưới các cơ sở tẩm quất, xoa bóp của người mù, từng bước nâng cấp phòng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và hướng tới dịch vụ xoa bóp chữa bệnh. Phấn đấu doanh thu của các cơ sở và thu nhập của nhân viên tăng khoảng 10%/năm, nâng dần tỷ lệ số người đóng bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng đào tạo nghề ngắn hạn và chuyên sâu; đảm bảo hầu hết số học viên có việc làm sau đào tạo.

Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng trong và ngoài Hội; xây dựng các câu lạc bộ nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ điều chuyển nhân lực. Tham gia các hội nghị, hội thảo, tập huấn trong nước và khu vực để có những định hướng phát triển phù hợp với xu thế chung; giáo dục về tác phong, đạo đức nghề nghiệp cho các kỹ thuật viên. Phấn đấu nghề tẩm quất xoa bóp của người mù trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường.

 

Ảnh: Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội trao giải nhất cho hai thí sinh :Trần Đức Nam – Thành hội Hà Nội và Trần Xuân Thành – Tỉnh hội Quảng Bình

Cùng với hội thảo, Hội thi tay nghề tẩm quất, xoa bóp toàn quốc lần thứ II đã được tổ chức với sự tham gia của 56 thí sinh đến từ 37 Tỉnh, Thành hội trong cả nước. Mỗi thí sinh được thực hiện một bài thi trong 25 phút với phần lí thuyết về giải phẫu và huyệt vị  cùng phần thực hành xoa bóp 5 vùng trên cơ thể do 5 giám khảo kiểm tra, chấm điểm trực tiếp và độc lập. Ban Giám khảo hội thi là các giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù, là những người không chỉ có kiến thức, kĩ năng chuyên môn vững vàng mà còn có bề dày kinh nghiệm, gắn bó với công tác đào tạo nghề xoa bóp cho người mù trong nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Ban Giám khảo, hầu hết các thí sinh đều nắm chắc kiến thức, thực hành thuần thục các động  tác, áp dụng linh hoạt và phù hợp  từng nhóm thủ thuật trên mỗi vùng, xác định đúng vị trí các huyệt trên cơ thể. Các thí sinh đều nghiêm túc, nhiệt tình, tham gia hội thi với một tinh thần học hỏi cao và cố gắng hoàn thành tốt bài thi của mình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy các nhân viên, kĩ thuật viên tẩm quất, xoa bóp đã được đào tạo với các nội dung, quy trình khác nhau dẫn đến kiến thức, kĩ năng không đồng đều, một số ít anh chị em còn chưa nắm chắc kiến thức lí thuyết, thao tác kĩ thuật còn thiếu chuẩn xac, nên chưa thật sự tự tin khi thực hiện các bài thi.

Qua 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, khách quan và đầy trách nhiệm, Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn và quyết định trao 2 giải nhất, 3 giải nhì, 4 giải ba và 47 giải khuyến khích cho các thí sinh. Trong đó, 2 giải nhất thuộc về thí sinh Trần Đức Nam – Thành hội Hà Nội và Trần Xuân Thành – Tỉnh hội Quảng Bình.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, phần giao lưu về kinh nghiệm và kĩ thuật với Hội Người mù Thái Lan cũng tạo ấn tượng sâu sắc và thực sự bổ ích đối với các cán bộ, nhân viên xoa bóp của Hội Người mù Việt Nam. Hội thảo, hội thi kết thúc trong niềm vui và những triển vọng mới về sự phát triển của nghề tẩm quất, xoa bóp để ngày càng nhiều người mù có việc làm, thu nhập, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân mà còn đóng góp vào việc chăm sóc sức khỏe và sự phát triển chung của cộng đồng.

Hà Anh