Nhớ về một chính trị gia – Nhà hoạt động xã hội khiếm thị xuất sắc
Ai đã từng tham gia các phong trào hoạt động của người khuyết tật trong khu vực và thế giới hẳn đều biết đến cái tên Monthian Buntan. Không chỉ là một trong những người khuyết tật thành công nhất trên thế giới, một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội xuất sắc, điều khiến ông luôn để lại những ấn tượng sâu sắc và sự yêu mến, cảm phục trong lòng mọi người xung quanh còn bởi sự thân thiện, gần gũi, cùng sự sẻ chia tâm huyết, nhiệt thành. Bài viết là tấm lòng thành kính tưởng nhớ đến ông Monthian Buntan - một người bạn lớn của Hội Người mù Việt Nam.
Nỗ lực nuôi dưỡng ước mơ
Sinh năm 1965 tại một làng quê hẻo lánh thuộc tỉnh Phrae, cách thủ đô Bangkok, Thái Lan khoảng 500 km về phía Bắc, cậu bé Monthian bị hỏng hoàn toàn cả hai mắt ngay từ khi vừa mới lọt lòng. Là những người nông dân thuần túy, cuộc sống vất vả, công việc bận rộn quanh năm nhưng bố mẹ Monthian đã dồn hết thời gian, kinh tế để chạy chữa cho cậu con trai bé bỏng của mình. Khi mọi hi vọng tìm lại ánh sáng cho đôi mắt của Monthian đều bị dập tắt thì một tia sáng khác lóe lên. Bố mẹ cậu đã biết được thông tin về Trường dành cho người mù tại thành phố Chiềng Mai và quyết định sẽ đưa Monthian đến nhập học. Xa bố mẹ, xa những người thân khi mới lên 7 tuổi nhưng với niềm vui được đến trường, Monthian nhanh chóng làm quen với cuộc sống tự lập và say sưa với những kiến thức, kĩ năng mới mẻ trong sách giáo khoa và những bài học trên lớp.
Ảnh:Ông Monthian Buntan - trao giấy chứng nhận tham gia cho 3 đại diện Việt Nam dự cuộc thi đọc viết nhanh chữ Braille tiếng Anh quốc tế lần thứ 7 năm 2020.
Hoàn thành chương trình tiểu học với kết quả xuất sắc, Monthian tiếp tục chuyển ra học hòa nhập tại trường Công giáo có tên Montfort. Tự hào được tham gia học tập tại một ngôi trường danh tiếng của miền Bắc Thái Lan nhưng bên cạnh đó Monthian phải đối diện với vô vàn những khó khăn, thử thách: không có một cuốn sách giáo khoa nào bằng chữ nổi, giáo viên chưa được đào tạo phương pháp giảng dạy học sinh khiếm thị... Song những khó khăn đó không ngăn cản được bước chân của cậu học trò ham học. Đặc biệt, cùng với tình yêu thương của gia đình, thầy cô, bè bạn, trong tâm trí của cậu học trò luôn hiện lên hình ảnh của hai cô giáo dạy Tiếng Anh đầy nghị lực: Một cô giáo hỏng mắt với điều kiện gia đình hết sức thiếu thốn, người đã dạy dỗ Monthian trong suốt thời gian học ở trường Tiểu học và một cô giáo tuy sáng mắt nhưng lại phải gánh chịu những biến cố trong cuộc đời và là người dân di cư từ Mianma đến - cô là giáo viên dạy Tiếng Anh trong thời gian cậu theo học tại trường THCS. Tấm gương về ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn của các cô đã giúp Monthian có thêm động lực và nuôi dưỡng ước mơ trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Monthian đã cố gắng tham gia đầy đủ tất cả các buổi học, chăm chú lắng nghe lời giảng của thầy cô, cẩn thận ghi chép bằng chữ nổi và nhờ thêm thầy cô, bạn bè đọc sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.
Nỗ lực của cậu đã được đền đáp xứng đáng khi Monthian tiếp tục hoàn thành chương trình THCS, THPT với kết quả xuất sắc rồi trúng tuyển vào Khoa Tiếng Anh và Triết học, Trường Đại học Chiềng Mai. Sau đó, nhận được học bổng tham gia khóa đào tạo cử nhân Âm nhạc tại Trường Đại học St. Olaf, Northfield, MN, Mĩ và tiếp tục tham gia Khóa đào tạo Thạc sĩ Nhạc lí và sáng tác âm nhạc tại Trường Đại học Minnesota, Minneapolis, MN, Mĩ. Trở về Thái Lan, Monthian trở thành giảng viên, rồi được bổ nhiệm là Phó Trưởng Khoa tại Trường Đại học Ratchasuda thuộc Đại học Mahidol ở thủ đô Bangkok. Hạnh phúc tiếp tục mỉm cười khi Monthian xây dựng gia đình với một cô gái người Nhật Bản, làm việc cho Đại Sứ quán Nhật Bản tại Thái Lan và có một cô con gái khỏe mạnh, ngoan ngoãn, đáng yêu.
Ảnh: Ông Monthian Buntan phát biểu khai mạc Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 11.
Cống hiến hết mình vì sự tiến bộ của người khuyết tật
Có một gia đình hạnh phúc, một vị trí xứng đáng tại trường đại học, nhưng không dừng lại ở đó, bằng kinh nghiệm thực tiễn từ sự phấn đấu của bản thân, ông cho rằng: Nếu được tạo những điều kiện phù hợp, người khuyết tật hoàn toàn có khả năng để vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Bởi vậy, với tất cả tài năng và tâm huyết, ông không chỉ say sưa truyền đạt những kiến thức, kĩ năng cho thế hệ trẻ mà còn hết sức tích cực tham gia các phong trào, các chương trình trong nước và quốc tế liên quan đến người khuyết tật. Năm 1996, ông trở thành thành viên của Ủy ban Thanh niên Hiệp hội Người mù thế giới và được chính thức bầu là Ủy viên Ban Chấp hành của Hiệp hội từ năm 2000. Năm 2001, ông tham gia Ủy ban nghiên cứu về truyền thông quốc gia; Ủy ban Công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục, Ủy ban Tư vấn cho Thủ tướng về vấn đề người khuyết tật...Ông còn là Ủy viên Ban Điều hành Trung tâm Phát triển vì người khuyết tật khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APCD).
Để có thời gian cho các hoạt động vì người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng, ông quyết định rời khỏi vị trí Phó Trưởng khoa của trường đại học, một công việc ổn định mà không chỉ nhiều người khuyết tật mà cả những người sáng mắt cũng hằng mơ ước, để trở thành một nhà hoạt động xã hội. Với nhiều vị trí, chương trình khác nhau, trong đó, ông là Chủ tịch Hội Người mù Thái Lan 2 nhiệm kì, từ năm 2004 - 2012, Thượng Nghị sĩ Quốc hội từ năm 2008 – 2014, thành viên Ủy ban lập pháp Thái Lan từ năm 2014 – 2019, trở lại là Thượng Nghị sĩ từ năm 2019 - 2024 …
Ông còn tự hào với các đóng góp lớn: là thành viên Hội nghị thượng đỉnh thế giới về xã hội thông tin (WSIS) mà từ đó các văn bản chính sách cấp quốc tế đầu tiên có sự hòa nhập của người khuyết tật trong xã hội được ban hành; đồng thời, là thành viên của Chính phủ Thái Lan tham gia vào Ủy ban soạn thảo Công ước về quyền của người khuyết tật của Liên hiệp quốc, (CRPD) - Công ước đầu tiên về người khuyết tật và cũng là Công ước đầu tiên về nhân quyền ở thế kỉ XXI... Ông còn là thành viên của Ủy ban về quyền của người khuyết tật của Liên hiệp quốc trong nhiều năm liền.
Ông chia sẻ: "So với trước đây, tình hình của người khuyết tật đã tiến một bước khá xa. Nhiều người mù, người khuyết tật đã có cơ hội vươn lên, tự khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn mà chúng ta cần phải vượt qua. Trong đó, một điều quan trọng không chỉ là sự thay đổi về chính sách, về cách nhìn của cộng đồng... mà còn chính là nhận thức của bản thân người khuyết tật. Chúng ta cần phải có niềm tin mãnh liệt rằng người khuyết tật hoàn toàn có thể học tập, lao động như những người không khuyết tật. Và một điều quan trọng nữa là chúng ta không thể hành động đơn độc mà cần phải xây dựng tổ chức và phong trào vững mạnh để từ đó tạo ra sự thay đổi toàn diện nhằm hướng tới một xã hội vì quyền, trách nhiệm và nhân phẩm cho tất cả mọi người, trong đó, có người khuyết tật".
Trong quá trình hoạt động thúc đẩy sự tiến bộ, hòa nhập của người khuyết tật, ông đã nhiều lần sang Việt Nam làm việc với Chính phủ, các tổ chức của và vì người khuyết tật như: Tham gia Cuộc vận động Thập kỉ vì người khuyết tật năm 2001; là chuyên gia truyền đạt kinh nghiệm viết báo cáo quốc gia và báo cáo độc lập về việc thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật.
Ảnh: Ông Monthian Buntan phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Người mù Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2012-2017.
Đặc biệt, ông còn là cán bộ chủ chốt trong đoàn công tác của Trung tâm APCD phối hợp, hỗ trợ cho Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu và tổ chức lớp tập huấn sản xuất sách kĩ thuật số DAISY; là cán bộ tổ chức hoặc giảng viên các khóa đào tạo về Công nghệ thông tin, sản xuất sách kĩ thuật số, kĩ năng lãnh đạo, cuộc thi đọc, viết chữ Braille Tiếng Anh quốc tế... tại Thái Lan có thành viên của Hội Người mù Việt Nam tham gia; tham dự và phát biểu ý kiến tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Người mù Việt Nam… Ông nói: "Hội Người mù Thái Lan và Hội Người mù Việt Nam thực sự như những người anh em, chúng ta có rất nhiều điểm chung, nhiều điều cần học hỏi, chia sẻ và cùng hành động để cải thiện đời sống người mù, người khuyết tật ở mỗi nước, đồng thời, đóng góp cho phong trào của người khuyết tật ở khu vực và trên toàn thế giới. Chúng ta đã có những tình cảm, mối quan hệ khăng khít và hãy truyền những tình cảm ấy cho thế hệ trẻ để tình hữu nghị giữa hai Hội, hai quốc gia ngày một thân thiết và bền vững"
Với những nỗ lực của bản thân, ông đã được Trường Đại học Chiềng Mai trao bằng Tiến sĩ danh dự về Khoa học xã hội, được nhận nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho những đóng góp nhằm cải thiện cuộc sống của người khuyết tật, trẻ em và cả cộng đồng.
"Tự tin, nghị lực, quyết tâm tiến về phía trước, không cho phép mình từ bỏ, luôn sẵn sàng phục vụ người mù, người khuyết tật và những người nghèo nhất" , đó là triết lí sống của ông và cũng là những yếu tố khiến ông gặt hái được những thành công trong công việc và cuộc sống. Không chỉ có nhiều đóng góp to lớn bằng những hành động cụ thể, cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng chính là những minh chứng sinh động truyền cảm hứng, động lực để người mù, người khuyết tật khắp nơi trên thế giới thêm vững tin biến những điều không thể thành có thể, tự khẳng định bản thân và hòa nhịp với sự phát triển chung của cộng đồng.
Ông qua đời vào ngày 02/3/2024 ở độ tuổi 58 do một cơn đau tim. Tuy ông đã đi xa nhưng những cống hiến và triết lí sống của ông vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta sẽ mãi nhớ về ông và sẽ luôn noi gương ông, tiếp nối hành trình vì sự tiến bộ, bình đẳng và hòa nhập của người mù nói riêng, người khuyết tật nói chung trong khu vực và thế giới, đồng thời, không ngừng vun đắp tình hữu nghị giữa Hội Người mù Việt Nam và Thái Lan cũng như tình hữu nghị của nhân dân 2 nước.
Đinh Việt Anh