Ảnh bìa

Trần Việt Hoàng và hành trình vượt bóng tối

Tham gia tại sự kiện Go with you lần thứ 4 với hai vai trò là thành viên Ban Chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị và là 1 trong 3 diễn giả giao lưu với các bạn học sinh, sinh viên trong chương trình talkshow, Trần Việt Hoàng, sinh viên năm cuối Trường Đại học Fulbright Việt Nam mang lại thiện cảm cho người đối diện ngay trong lần đầu gặp mặt với dáng người dong dỏng cao, gương mặt hiền lành và bừng sáng bởi nụ cười tươi luôn thường trực trên môi.

Cách đây tròn 4 năm, trên rất nhiều trang báo lớn đã đăng tải bài viết về chàng trai khiếm thị Trần Việt Hoàng, học sinh Trường THPT Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh đã xuất sắc giành học bổng hơn 2,2 tỷ đồng của Trường Đại học Fulbright Việt Nam. Và giờ đây, dù mới là sinh viên năm cuối khoa Khoa học máy tính Trường Đại học Fulbright Việt Nam, Hoàng đã đi làm và trở thành lập trình viên làm việc tại một công ty công nghệ lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia sự kiện Go with you lần thứ 4, Hoàng đứng trước chúng tôi một cách đĩnh đạc, tự tin, tràn đầy nhiệt huyết. Đặc biệt, những câu trả lời của Hoàng trong buổi talkshow đã truyền cảm hứng cho rất rất nhiều bạn học sinh, sinh viên đồng tật.

Ảnh: Đỗ Việt Hoàng phát biểu tại lễ khai giảng trường Đại học Fulbright Việt Nam.

Sinh năm 2000 tại vùng quê nghèo Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Trần Việt Hoàng cho biết: 5 tuổi, mắt em mờ dần do bị bong võng mạc, sau hàng chục lần thăm khám và 4 lần phẫu thuật tại bệnh viện mắt trung ương nhưng không thành công; 10 tuổi, Hoàng mất hoàn toàn thị lực. Bị gián đoạn 1 năm nghỉ tại nhà, Hoàng được các cô chú trong Huyện hội Can Lộc hỗ trợ, đưa em đi học chữ nổi ở Tỉnh hội Hà Tĩnh. Hoàn thành khoá học chữ nổi, Hoàng từng bước nỗ lực học hoà nhập cùng các bạn tại quê nhà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, mình mẹ phải lo làm lụng nuôi hai chị em, nên Hoàng càng nỗ lực để học tập thật tốt, không phụ lòng mong mỏi của mẹ. Hoàng từng đạt giải Ba học sinh giỏi huyện môn Lịch sử năm lớp 9 và là học sinh giỏi toàn diện trong suốt những năm học THPT.

Biết đến Đại học Fulbright thông qua buổi định hướng của Quỹ khát vọng, nhưng để đến được với giảng đường của trường đại học danh tiếng, Hoàng đã phải trải qua các vòng kiểm tra phẩm chất, năng lực, kiến thức một cách khắt khe.

Vòng đầu tiên có nhiều nội dung nhất, trong đó có 4 bài luận quan trọng bằng tiếng Việt và tiếng Anh trình bày những trải nghiệm, hoặc giải thưởng và rút ra bài học; lý do muốn trở thành sinh viên Trường ĐH Fulbright; bài học thành công của Fulbright và trình bày 1 tác phẩm hoặc sản phẩm mà mình tạo nên. Ở vòng 2, ngoài 2 bài thi kiến thức Toán logic và Văn, Hoàng còn phải trải qua việc kiểm tra kỹ năng qua hình thức phỏng vấn nhóm. Vòng thi cuối cùng là phỏng vấn cá nhân trực tiếp với các thầy cô trong ban tuyển sinh.

 

Ảnh: Đỗ Việt Hoàng chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ khi đi xin việc tại sự kiện Go with you.

Với những kết quả đã đạt được, những ý tưởng sáng tạo, khả năng làm việc nhóm và lòng khát khao học tập thể hiện qua hồ sơ và các vòng kiểm tra…, Hoàng đã được nhận học bổng trọn gói trong suốt 4 năm của Trường ĐH Fulbright.

Được ĐH Fulbright nhận nhưng Hoàng chưa được trở thành sinh viên ngay vì khả năng tiếng Anh của em chưa đủ. Nhà trường cho Hoàng một năm để học tiếng Anh dưới sự hỗ trợ của các bạn sinh viên và giáo viên của trường. Tuy có người hướng dẫn nhưng việc học như thế nào phải do tự thân Hoàng quyết định. Sau một năm, tiếng Anh không đạt, Hoàng có thể phải rời đi.

Đó là một thử thách. Với một người bình thường, học ở trung tâm, tự học trong một năm, từ con số 0 có thể vẫn chưa nghe nói lưu loát được nói chi khiếm thị như Hoàng. Đó là chưa kể dịch COVID-19 khiến việc học tập trung bị hoãn, em phải học online.

Chia sẻ về khó khăn khi theo học tại một trường đại học quốc tế, Hoàng cho biết: Khó khăn lớn nhất là vì em học ở quê nên kỹ năng tiếng Anh của em chưa tốt mà khi vào học ở môi trường quốc tế, em chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng, kiến thức thật là tốt để thích nghi nên là vất vả hơn trong việc thích nghi.

Không chùn bước trước những khó khăn ấy, Hoàng chủ động học hỏi, mày mò, cố gắng học tiếng Anh. Cậu tự tìm đến các diễn đàn dành cho người khiếm thị ở nước ngoài, kết bạn và nói chuyện với họ, tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh, chủ động bắt chuyện với người nước ngoài khi có cơ hội... Kiên trì từng chút một, từ con số 0, Hoàng đã lấp đầy những thiếu hụt trong bốn kỹ năng tiếng Anh và đủ điều kiện theo học tại Fulbright.

Chính thức được nhận vào học, Hoàng từ vùng quê nghèo Can Lộc một mình vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học ngành khoa học máy tính. Hoàng kể, năm 2019 trường trao học bổng cho 70 thí sinh thì chỉ mìn h Hoàng là người khuyết tật. Dù ở ký túc xá của trường và có sự hỗ trợ của các bạn, nhưng Hoàng phải tự mình học hỏi, vượt qua những khó khăn trong một môi trường hoàn toàn mới, hiện đại và khác biệt khá nhiều so với các trường đại học quốc lập khác. Nói về những khó khăn khi theo học ngành khoa học máy tính, Hoàng cho biết ngành học này của em cũng khá là khó, trong khi tài liệu tiếp cận với người khiếm thị lại rất thiếu thốn. Vì vậy Hoàng đã phải trải qua những tháng ngày sinh viên tại trường với sự nỗ lực gấp nhiều lần những bạn sinh viên khác khi phải tự mình mày mò phương pháp học tập không giống bất cứ ai. Bên cạnh việc áp dụng triệt để sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại mà nhà trường trang bị, Hoàng cho biết bí quyết để em vượt qua khó khăn là: Sự chủ động học hỏi và tìm kiếm nguồn lực cũng như sự trợ giúp từ xung quanh.

Ảnh: Việt Hoàng cũng nhóm Khát vọng đến thăm các em học sinh khuyết tật.

Khó khăn là vậy, nhưng Hoàng không quên cống hiến cho cộng đồng khi nhiệt tình dạy lập trình cho các bạn học sinh khiếm thị ở khu vực thành phố Hồ Chí Minh. Trở thành thành viên Ban Chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam từ năm 2022 đến nay, Hoàng cùng ban chủ nhiệm tổ chức các buổi hội thảo sâu chia sẻ kinh nghiệm học tập, định hướng lựa chọn trường và ngành nghề phù hợp, chuẩn bị hồ sơ xin việc và khi đi làm giúp các bạn học sinh, sinh viên đồng tật vượt qua những khó khăn mà mình từng vấp phải.

Từ sự nỗ lực và cống hiến ấy, năm 2021, Hoàng vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; năm 2023, Hoàng là một trong 35 thanh niên khuyết tật được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam tổ chức.

Cùng tham gia hoạt động trong ban chủ nhiệm mạng lưới sinh viên khiếm thị với Hoàng, Lê Thảo Nguyên sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh trường Đại học Hà Nội chia sẻ cảm nhận về người bạn Trần Việt Hoàng của mình: Hoàn cảnh của bạn ấy khó khăn hơn bọn em rất nhiều nhưng bạn ấy luôn trong trạng thái tích cực và không ngừng đi lên trong học tập, công việc.

Đồng hành cùng Hoàng trên con đường đã và đang bước đi, Hoàng cho biết tổ chức Hội luôn ở bên em từ khi em kém mắt đến giờ. Không chỉ mang lại cho em ánh sáng từ việc dạy chữ nổi, Hội mang lại cho em rất nhiều. Ngay lúc em không nhìn thấy em đã được chú dì ở Huyện hội đến và đưa em đi học chữ nổi ở Tỉnh hội, kết nối cho em trở lại học. Suốt quá trình em học phổ thông, Hội tạo điều kiện, động viên, cung cấp băng đĩa, bút, giấy viết chữ nổi, sách giáo khoa chữ nổi. Đặc biệt, tham gia lớp học tin học của Hội là những viên gạch đầu tiên giúp em sử dụng máy tính và đưa em tới ngành khoa học máy tính hiện nay.

Kết thúc sự kiện Go with you 2024, Hoàng lại vội vã bay về thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục công việc lập trình viên và hoàn thành những học phần cuối cùng tại trường đại học. Hy vọng rằng, với sự tự tin, nghị lực và sự  nỗ lực vượt bậc, Hoàng sẽ tiếp tục chinh phục thành công những đỉnh cao mới trong công việc và cuộc sống để em tiếp tục tỏa sáng như thông điệp mà em luôn tâm đắc “mắt tôi mù nhưng trí tuệ tôi sáng”.

Thuỳ Dương