Ảnh bìa

Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước

Cách đây 110 năm (5/6/1911 - 5/6/2021), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rời Sài Gòn ra nước ngoài thực hiện cuộc hành trình vĩ đại mang tầm thời đại, cứu nước, cứu dân.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước của vùng đất xứ Nghệ giàu truyền thống cách mạng, với trí thông minh và sự mẫn cảm về chính trị, ngay từ nhỏ, Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận ra cảnh đất nước lầm than đắm chìm trong nô lệ. Sau thời gian được học chữ Hán, năm 1905, Nguyễn Tất Thành được cha là ông Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc) xin cho theo học lớp dự bị trường Tiểu học Pháp - Việt ở Vinh.

          Tại ngôi trường này, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” và tìm thấy sức hấp dẫn của những mỹ từ mà người Pháp đã tuyên truyền. Ý chí quyết định đi ra nước ngoài tự mình tìm con đường cứu nước, cứu dân đã hình thành trong tư tưởng của người thiếu niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.  

          Ngày 05/6/1911, người thanh niên tròn 21 tuổi Nguyễn Tất Thành lên tàu Amiral Latouche Tréville rời Sài Gòn đi Marseille, Pháp. Người đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều nền văn hóa ở nhiều quốc gia, dân tộc khác nhau. Đi đến đâu, Người cũng hòa mình vào phong trào quần chúng nhân dân lao động, chứng kiến nhiều cảnh người nô lệ và nhận ra đâu là bạn, đâu là thù. 

          Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi qua gần 30 quốc gia của 4 châu lục.Từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước là Mỹ, Anh và Pháp. Người hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, như: phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh, làm vườn, vẽ thuê... Trên cơ sở đó, Người rút ra một kết luận có tính chất nền tảng đầu tiên: ở đâu đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Những nhận biết căn bản đó càng giục giã Người quyết tâm tìm con đường giải phóng mà Người đã từng nung nấu, ấp ủ từ ngày rời Tổ quốc.

          Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Vécxây yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tuy bản yêu sách không được chấp nhận nhưng đã được lan truyền rộng rãi, gây tiếng vang lớn trong dư luận nước Pháp, thức tỉnh tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa; đồng thời cũng đem lại cho Người một nhận thức là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức của chính mình.

          Năm 1920, tại Pari, Pháp đã diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác-Lênin qua Bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, đăng trên Báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương của Lênin đến với Nguyễn Ái Quốc như một luồng ánh sáng mới soi rọi rõ thêm con đường cứu nước mà người thanh niên yêu nước. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết với chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Sau này, Người đã viết như thế về thời điểm lịch sử đầy ý nghĩa này.

          Với lập trường yêu nước đúng đắn, Người vạch ra chân lý :“muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Kết luận này khẳng định sự chuyển biến sâu sắc trong tư duy của Nguyễn Ái Quốc, từ người yêu nước chân chính trở thành người cộng sản - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

          Ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc cùng đa số đại biểu Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp chủ trương gia nhập Quốc tế III đã nhóm họp và tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản, tức Đảng Cộng sản Pháp. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi theo con đường của Lênin vĩ đại.

          Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Trong thời gian này, Người cũng tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô... Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 03/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Sau 30 năm bôn ba, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Theo baodantoc.vn