Ảnh bìa

Nữ tướng Bùi Thị Xuân

Bùi Thị Xuân là một nữ tướng thời Tây Sơn. Bà là một trong số những nữ anh hùng kiệt xuất, với những chiến công hiển hách được lưu truyền trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

 

fĐô đốc Bùi Thị Xuân là người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Theo nhà sử học Lê Văn Lan, Đô đốc Bùi Thị Xuân chính là một trong số những nữ anh hùng kiệt xuất nhất, với những chiến công hiển hách được lưu truyền trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: "Ngay từ thời thiếu nữ, Bùi Thị Xuân đã là người có thiên hướng về võ nghệ và bà đã thực hiện chí hướng ấy của mình bằng cách rất chăm tập luyện võ nghệ. Thầy dạy võ của nữ tướng Bùi Thị Xuân chính là vị quan đô thống nổi tiếng thời bấy giờ: Ngô Mãnh. Với tài năng võ nghệ và với sự luyện rèn thì không lấy làm lạ khi phong trào Tây Sơn khởi dấy, Bùi Thị Xuân đã nhanh chóng trở thành nữ tướng dưới cờ của Tây Sơn tam kiệt. Và ngay từ khi cùng chồng là Trần Quang Diệu tham gia phong trào nghĩa quân Tây Sơn từ năm 1771 thì với tư cách là nữ tướng, Bùi Thị Xuân còn được nhận thêm 1 danh hiệu nữ tướng nữa ngoài danh hiệu Nữ tướng áo đỏ, đó là danh hiệu Nữ tướng “Tượng binh”.

Cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, không chỉ dũng cảm, có tài sử dụng song kiếm, cưỡi ngựa bắn cung khi ra trận, nữ tướng Bùi Thị Xuân còn có biệt tài huấn luyện voi trận. Dưới quyền Đô đốc Bùi Thị Xuân có 5000 nữ binh và 200 thớt voi. Lực lượng tượng binh và nghệ thuật đánh trận bằng voi chiến là nét đặc sắc có một không hai của phong trào Tây Sơn cũng như lịch sử quân sự nước Việt thời đó: "Tài võ nghệ của Bùi Thị Xuân lúc bấy giờ có chỗ để phô diễn ở việc luyện rèn và tổ chức nên 1 đội quân đặc biệt của nghĩa quân Tây Sơn, đó là voi chiến (tượng binh). Tài liệu còn nói rõ đội tượng binh do Bùi Thị Xuân quản lý luyện rèn rất cẩn thận và tài năng chiến trận, khả năng sung sát cực kỳ lợi hại và đặc biệt đông đúc với số lượng 100 con voi".

Ảnh: Nữ tướng cưỡi voi ra trận (ảnh minh hoạ Quang Cường - Nguyệt san Nhân chứng và sự kiện)

Tài năng của nữ tướng Bùi Thị Xuân còn thể hiện vào năm 1773, khi chủ tướng Tây Sơn Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ mở rộng địa bàn đem toàn quân xuống đánh Quy Nhơn thì Bùi Thị Xuân một mình ở lại trông giữ và bảo vệ Hoàng thành. Về sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ thông tin: Có một sự kiện rất quan trọng là năm 1785, Nguyễn Ánh xin viện trợ từ Thái Lan (tức là Xiêm) 5 vạn quân đã theo chân Nguyễn Ánh về để chống lại Tây Sơn và Nguyễn Huệ đã bố trí một trận đánh trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút rất nổi tiếng tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm. Trong trận đó nhiều tư liệu xác minh là bà Bùi Thị Xuân cùng ông Trần Quang Diệu đã phụ trách mũi bộ binh để tấn công vào quân Chu Tăng, Chu Xương của Xiêm".

Không chỉ giỏi giang võ nghệ, Bùi Thị Xuân còn thể hiện lòng thương dân khi được cử làm Trấn Thủ trấn Quảng Nam. Bà mở kho phát chẩn, trừng trị bọn cường hào và giúp cho dân được an cư lạc nghiệp, nên rất được lòng dân cảm phục. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ cho biết: Bùi Thị Xuân được đánh giá là 1 trong 10 nữ tướng, 10 hiện tượng đặc biệt của phụ nữ Việt Nam thời kỳ bấy giờ. Đối với vị Đô đốc này thì có lẽ là không có sử sách nào có thể mô tả hết được tinh thần, sự đóng góp, nhiệt huyết cho phong trào Tây Sơn. Một là bà đã từng được giao giữ chức Trấn thủ Quảng Nam trong thời điểm dân cư loạn lạc, đói kém, bà đã tổ chức sản xuất, chiêu tập nhân dân mở mang cày cấy, thành lập xóm làng trở nên một vùng rất an cư, lạc nghiệp…

Năm 1801 khi Thiếu phó Trần Quang Diệu đưa đại quân từ Phú Xuân vào vây hãm và đánh hạ thành Quy Nhơn của chúa Nguyễn Ánh thì nữ tướng Bùi Thị Xuân ở lại kinh thành hộ giá vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Khi Nguyễn Ánh đưa thủy quân vòng qua Quy Nhơn bất ngờ đánh thẳng vào Phú Xuân, quân Tây Sơn ở đây chống cự không nổi, Bùi Thị Xuân đã phải đưa vua Cảnh Thịnh chạy thẳng ra Thăng Long. Mùa Xuân năm 1802, sau một năm củng cố lực lượng, Đô đốc Bùi Thị Xuân đã cùng vua Cảnh Thịnh đưa quân vào để mưu việc lấy lại Phú Xuân nhưng bất thành.

Đô đốc Bùi Thị Xuân anh dũng hy sinh khi 45 tuổi. Bà là một vị nữ anh hùng đã góp phần xây dựng nên triều đại Tây Sơn. Hiện nay, tại nhiều thành phố ở nước ta, tên bà được lấy để đặt tên cho những con đường và các trường học như một cách tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ với vị nữ tướng tài ba.

Thanh Huyền