Người thắp sáng ước mơ cho trẻ em khiếm thị ở Hà Tĩnh
Tại Trung tâm Dạy chữ, Dạy nghề và Phục hồi chức năng của Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh, có một người phụ nữ được mệnh danh là “cô giáo đặc biệt” - đó là cô Phạm Thị Lương.
Sinh năm 1981, cô Lương đã dành hơn 20 năm cuộc đời để gieo mầm tri thức và thắp sáng ước mơ cho những học trò đặc biệt của mình. Trong lòng những đứa trẻ khiếm thị, cô Lương được hình dung như một người cô, người mẹ với sự tận tâm và lòng yêu thương dành cho trẻ em khiếm thị.
Ước mơ trở thành giáo viên, năm 2001 sau khi tốt nghiệp THPT, cô Phạm Thị Lương, quê ở xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà theo học ngành sư phạm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Ra trường, cô Lương dạy ở một trường học ở tỉnh Cà Mau. Năm 2006, sau một vụ tai nạn giao thông, cô đã vĩnh viễn mất đi ánh sáng.
Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản được ước mơ tiếp tục làm giáo viên của cô. Dù rất chán nản vì mất đi ánh sáng của đôi mắt, nhưng thay vì ngồi nhà ủ rũ và khóc lóc, cô Lương bắt đầu hành trình đầy gian nan và thử thách khi quyết định theo đuổi công việc giảng dạy chữ Braille cho trẻ em khiếm thị.
Năm 2014, cô trở về quê sinh sống. Bản thân cô đã chủ động học cách đọc và viết chữ Braille, đồng thời tìm hiểu về tâm lý và cách thức giảng dạy cho trẻ em khiếm thị. Với lòng quyết tâm và sự kiên trì, cô Lương đã dần vượt qua được những thử thách, vươn tới ước mơ.
Sau khi đã thành thạo chữ nổi, với khả năng sư phạm và kiến thức của nhà giáo, cô tham gia lớp dạy chữ Braille cho người khiếm thị tại Trung tâm Dạy chữ, Dạy nghề và Phục hồi chức năng của Hội Người mù tỉnh từ đó đến nay.
Với phương pháp giảng dạy sáng tạo và đầy tình yêu thương, cô Lương đã truyền cảm hứng cho học trò của mình, giúp các em tự tin hơn vào bản thân và có niềm đam mê với việc học tập. Hiện, đã có hàng trăm người khiếm thị được cô xóa mù và trở thành người đọc thông viết thạo chữ nổi, từ đó mở ra cánh cửa tiếp thu kiến thức và học tập những kỹ năng cần thiết khác.
Nhờ sự dìu dắt tận tâm của cô, nhiều học trò đã đạt được thành tích cao trong học tập và có được công việc ổn định sau khi tốt nghiệp. Cô Lương không chỉ là một giáo viên, mà còn là người mẹ thứ hai của các em học sinh khiếm thị. Cô luôn quan tâm, chăm sóc các em cả về mặt học tập lẫn tinh thần. Cô thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em, giúp các em giao lưu, hòa nhập với cộng đồng.
Câu chuyện về cô giáo Phạm Thị Lương là một minh chứng cho thấy, với nghị lực và lòng yêu thương, mỗi người đều có thể vượt qua được những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, đồng thời mang lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Đan Linh