Ảnh bìa

Cháy mãi ngọn lửa tình nguyện

Dù đã hơn 40 tuổi và bộn bề với công việc cơ quan cũng như lo cho gia đình nhưng anh Hoàng Văn Lý – Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm vẫn miệt mài với các hoạt động xã hội, những hoạt động tình nguyện - điều tưởng rằng chỉ có ở các bạn thanh niên.

Ghé thăm ngôi nhà nhỏ trong ngõ 47 Khương Trung (Hà Nội) là tổ ấm của anh Hoàng Văn Lý và chị Phạm Ngọc Dung cùng hai nàng công chúa, khi vừa tới cửa tôi đã nghe thấy tiếng cười nói, trò chuyện hỏi han tíu tít của cả 4 thành viên sau một ngày làm việc, học tập bận rộn. Để xây dựng được một mái ấm cho riêng mình nơi thủ đô là một điều không dễ với  bất kì cặp vợ chồng nào đặc biệt lại càng khó khăn khi cả hai anh chị là người khiếm thị. Với sự hỗ trợ của gia đình và hơn hết là nỗ lực, chắt chiu của cả hai anh chị, giờ đây anh chị đã có cho riêng mình 1 ngôi nhà nhỏ ấm áp.

Kết duyên với nhau đến nay đã tròn 17 năm, điều khiến chị Dung vẫn thương anh Lý như ngày đầu hóa ra lại rất đặc biệt: “Mình gặp anh Lý lần đầu tiên trong một chương trình gameshow tại Hội Người mù quận Thanh Xuân, khi đó anh Lý là tình nguyện viên hỗ trợ. Mình ấn tượng ngay với anh vì dù chỉ nhìn được một chút nhưng anh không ngại liên tục chạy đôn đáo hỗ trợ đưa dắt mọi người. Sau này anh vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện. Nhiều người bảo anh là ăn cơm nhà vác tù và thiên hạ nhưng mà chính cái tù và đó lại là điều mình thương anh”, chị Dung tủm tỉm chia sẻ.

Ảnh: Gia đình anh Hoàng Lý tham dự và đạt giải cuộc thi "Gia đình giỏi - gia đình khéo" do Thành hội Hà Nội tổ chức.

Hiện nay, chị Dung nhận trông trẻ tại nhà đồng thời quán xuyến công việc gia đình. Anh Hoàng Lý là Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, là một CTV báo chí, một người không còn trẻ nữa nhưng vẫn hết tâm vì hoạt động xã hội.

“Có những ngày làm dự án đến 12 giờ khuya mình mới về tới nhà. Thấy cơm canh được ủ trong nồi cẩn thận tự dưng thương vợ vì biết vợ hiểu mình, yêu những gì mình làm  dù nó chẳng có lương, chẳng có thưởng”, anh Lý vừa chia sẻ vừa khẽ nắm bàn tay chị Dung.

Ảnh: Anh Hoàng Lý bên chiếc máy tính quen thuộc.

Sinh ra tại một ngôi làng  nghèo thuộc huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội), Hoàng Văn Lý không may mất đi thị  lực từ khi mới sinh ra bởi căn bệnh đục thủy tinh thể di truyền quái ác. Hồi đó, nhà anh Lý nghèo lắm. Bố anh dù là người khiếm thị nhưng vẫn tăng gia nuôi con lợn, đàn gà. Mẹ anh làm đủ thứ  nghề từ phu hồ đến làm  nông nghiệp,… việc gì bà cũng làm miễn là kiếm tiền chân chính để nuôi con. Vậy mà gia đình năm miệng ăn cũng chẳng mấy khi đủ no. Chạy ăn từng bữa nên anh Lý không được điều trị, chỉ đến khi anh 7 tuổi trong một chuyến khám bệnh tình nguyện của đoàn bác sĩ, anh có cơ hội phẫu thuật hồi phục chút thị lực ít ỏi.

Năm 1989, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu gửi công văn triệu tập học sinh khiếm thị, anh Lý cũng là một trong số những học sinh có tên trong danh sách. Đi học với một đứa trẻ chưa từng xa nhà như anh Lý hồi đó là chuyện vừa mừng vừa lo.  Mừng vì sau bao lâu anh có cơ hội đi học – điều tưởng chừng không thể với một cậu bé khiếm thị nông thôn, lo vì chưa bao giờ xa nhà rồi cuộc sống trong ký túc xá, chuyện học tập mình có hòa nhập và bắt kịp theo được.

Anh Lý nhớ lại: “Mới vào trường  là tụi mình được học lớp dự bị dạy về các kỹ năng tự phục vụ và chữ nổi. Hồi đó học mãi học mãi mà mình không thể sờ được chữ nổi lại thêm phần nhớ gia đình, mình đâm khép kín không kết bạn với ai. Mình tiều tụy đến mức mẹ mình khi lên thăm còn không nhận ra  mình. Hồi đó mình cũng hay mơ. Mơ gặp bà nội quá cố. Bà khóc, bà bảo rằng nếu gia đình có điều kiện chạy chữa mình sẽ không khổ như vậy. Phải làm như thế nào để bà nơi chín suối được vui, đó là suy nghĩ cứ quanh quẩn trong đầu khi mình tỉnh dậy. Mình bắt đầu chăm chú học hơn, ngoài giờ ăn và sinh hoạt cả ngày, mình chỉ quanh quẩn trong thư viện để sờ đọc chữ nổi và sau đó mình đã có thể đọc viết được”.

Sau một trận bóng đá của các bạn học sinh khiếm thị, với suy nghĩ đơn thuần muốn ghi lại kỷ niệm, anh Lý viết một bài tường  thuật. Tác phẩm đầu tiên được truyền tay từ khu ký túc nam sang ký túc nữ, ai nấy đều tấm tắc bởi tác phẩm mới lạ của anh. Buổi tối anh chị sinh viên tình nguyện đến dạy thêm, một  anh tình nguyện viên gợi ý thành lập một tòa soạn sản xuất các thông tin cho các bạn khiếm thị trong trường. Cứ thế tạp chí Hoa Nắng được thành lập bởi anh Lý và 5 bạn học sinh khiếm thị khác vào ngày 25/ 03/ 2001. Số tạp chí đầu tiên ra đời với ba phiên bản: Bản quyển chữ nổi, Bản báo tường chữ nổi và bản in thông thường. Dưới sự đồng hành của các thầy cô, các anh chị tình nguyện và các cô chú báo chí, người hỗ trợ tiền, người vẽ bìa tạp chí Hoa Nắng hoạt động sôi nổi, thu hút được nhiều bài cộng tác trong và ngoài trường gửi đến.

Chủ nhiệm tòa soạn Hoa Nắng chia sẻ: “Ngày đấy Internet không phát triển như bây giờ nên tạp chí nhận được rất nhiều thư tay. Có bạn từ tận Bắc Giang, Thái Nguyên cũng gửi thư về cho  tòa soạn. Có những bức thư rất xúc động và mình vẫn còn giữ đến bây giờ sau mấy chục năm đã qua”.

Từ tòa soạn nhỏ Hoa Nắng, anh Lý nuôi ước mơ lớn cống hiến vì cộng đồng người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung. Năm 2003, anh Hoàng Văn Lý trở thành sinh viên Khoa Báo chí học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bước một bước dài trong hành trình hiện thực mục tiêu bản thân.

Anh Hoàng Văn Lý là CTV của nhiều báo, tạp chí như Hòa nhập, Tiền Phong, tạp chí Đời mới,… Năm 2007, được giao phụ trách chương trình Niềm tin ánh sáng phát trên sóng VOV Giao thông, anh càng hăng say với nghề viết báo. Ngày ấy, với chiếc máy ghi âm nhỏ xinh, anh Lý đã thực hiện bao cuộc phỏng vấn, nhiều phóng sự có chất lượng cho chương trình. Hình ảnh “anh phóng viên khiếm thị” nhiệt tình, tâm huyết đã khắc sâu vào tâm trí của nhiều nhân vật khi tiếp xúc với anh Hoàng Lý. Chương trình Niềm tin ánh sáng dù chỉ phát sóng trên kênh VOV giao thông nhưng cũng truyền cảm hứng cho hàng nghìn người khiếm thị khu vực phía Bắc. Sau khi sắp xếp lại, chương trình đã ngừng phát sóng, khiến anh Lý chông chênh một thời gian. Nhưng không để mình chìm trong nuối tiếc, anh Hoàng Lý lại dồn tâm sức cho những hoạt động tình nguyện, những dự án hỗ trợ, giúp đỡ những người đồng tật.

Trải qua hơn 1 năm hoạt động, dự án The EYEs Project đã kết thúc bằng một lễ tổng kết ấm cúng cùng các bạn trẻ khiếm thị và không khiếm thị. Dự án The EYES Project nhằm kết nối các bạn khiếm thị và không khiếm thị thông qua các hoạt động trải nghiệm từ đó giúp các bạn phá tan định kiến về người khiếm thị, lan tỏa tinh thần hòa nhập cộng đồng. Đã điều phối dự án được hai mùa, điều anh Lý hạnh phúc nhất sau mỗi mùa dự án là có thêm những tình bạn giữa người không khiếm thị và khiếm thị.

Ảnh: Anh Hoàng Lý và nhóm điều phối dự án Hành chính công trực tuyến với Người khuyết tật.

The EYEs Project chỉ là một trong rất nhiều các hoạt động tình nguyện anh Lý tham gia. Anh cũng tham gia ban tổ chức của các dự án như SISICALL, trải nghiệm bóng tối, tập huấn kỹ năng  marketing cho người khiếm thị, các chương trình trao quà mùa dịch cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn…

“Dường như tình nguyện đã ăn vào máu mình. Dù bận rộn đến đâu, mình vẫn luôn dành thời gian để tham gia các hoạt động ý nghĩa này. Chỉ cần nhìn thấy những thay đổi dù là nhỏ bé sau mỗi hoạt động là mình thấy có động lực. Mình luôn tâm niệm mình được như ngày hôm nay là nhờ đoàn bác sĩ tình nguyện, các anh chị sinh viên tình nguyện dạy mình và ngay cả tổ ấm cơ duyên cũng xuất phát từ tình nguyện. Qua mỗi hoạt động, mình thấy trân quý những gì mình có và thấy mình có ích cho cuộc đời. Sau này, khi mình 50, 60 tuổi hay nhiều hơn nữa chỉ, cần mình có sức mình vẫn sẽ làm tình nguyện”, anh Hoàng Lý nói.

Căn nhà nhỏ rộ lên niềm vui khi nhận được kết quả trúng tuyển vào trường cấp 3 của gái lớn. Cả gia đình lại ríu rít bên mâm cơm. Có những niềm vui giản đơn đến thế, có những con người sống đẹp  ngay trong dung dị đời thường. Họ đẹp vì họ vượt qua bản thân, họ đẹp vì họ cống hiến cho cuộc đời theo cách của mình.

Đức Nghị