Phong tục lạ ngày Tết của các dân tộc Việt Nam
Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc anh em với những phong tục đón Tết độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của từng tộc người. Dù các phong tục đón Tết có khác nhau nhưng đều hướng tới một ý nghĩa tốt đẹp chung nhất là cầu mong năm mới được ấm no, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn.
Người Mường với tục thờ cúng ngày Tết
Đối với người Mường, Tết Nguyên Đán là cái Tết quan trọng nhất, to nhất trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn nhất để dâng tổ tiên và thần thánh, bữa đó gọi là làm Tết.
Bữa làm Tết có thể làm cỗ dâng tổ tiên bằng thịt gà hoặc thịt lợn, xôi, rượu và các đồ lễ khác. Gia đình nào có cả một con lợn thịt trong dịp Tết thì được coi là ăn nên làm ra, tổ tiên vui mừng, con cháu hoan hỉ, cỗ bàn đầy đặn, cửa nhà sáng sủa.
Trong một mâm thờ thường có các lễ vật như bánh chưng và mật, rượu chai, cơm nếp, thịt luộc, chả rang và dồi, quếch, một ít tiền, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối. Món thịt được bày trên một mảnh lá chuối khoảng 30cm x 40cm. Gia chủ chọn đủ miếng trong một con lợn để bày vào mảnh lá chuối này.
Sau khi mâm cỗ đã soạn đủ món được bưng lên đặt vào bàn thờ. Thông thường, bàn thờ tổ tiên được đặt 3 mâm: mâm ngoài cùng thờ bố mẹ, mâm thứ hai thờ ông bà, mâm thứ ba (trong cùng) thờ cụ kỵ.
Các vị trí đặt đồ thờ có thể ở trong nhà hay ngoài sân. Khi các mâm lễ được đặt vào vị trí, thầy cúng bắt đầu thực hiện khấn lễ. Đầu tiên, ông xướng tên và nơi ngự của các vị được thờ và lạy từng vị một; tiếp đó là phần trình bày lý do mời và dắt các vị về tận nhà chủ thờ.
Tết của người Mông
Người Mông có một hệ lịch riêng, vì vậy Tết của họ vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 Âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay, đa số đồng bào Mông đã ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ người Mông ở Mộc Châu vẫn duy trì song song Tết theo hệ lịch riêng của họ. Như người Kinh, khoảng 25, 26 tháng Chạp, mọi người bắt đầu nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết. 3 món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết là thịt, rượu và bánh ngô. Tuy nhiên, họ không đón Giao thừa như người Kinh.
Tối hoặc giữa đêm 30, mỗi nhà đều phải làm lễ cúng "ma nhà" (tổ tiên) bằng một con lợn sống, một con gà còn sống (phải là gà trống tơ). Sau khi cúng xong, đem lợn và gà đi giết thịt, rồi cúng một mâm thịt chín. Sau đó mới được ăn và uống rượu đến khi nghe thấy tiếng gà gáy đầu tiên. Đối với họ, tiếng gà gáy sáng sớm của mùng Một mới đánh dấu một Năm Mới bắt đầu.
Bên cạnh đó, lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc) trong ngày Tết là lễ hội lớn nhất trong năm và thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người Mông. Lễ hội này thường diễn ra vào ngày mùng Hai của Năm Mới nhằm tạ ơn tổ tiên về mùa màng, súc vật, cầu cho con cháu đầy đàn.
Tết của người Cơ Tu
Người Cơ Tu thường ăn Tết sau vụ thu hoạch, họ mở hội vui chơi trong ngày lễ cúng thần lúa gọi là Tết Progiêrâm, đây là lễ lớn nhất trong năm.
Trước Tết một tuần, dân làng thường tổ chức đi bắt cá tập thể ở những con sông lớn. Họ ngâm các loại trái, vỏ, rễ cây làm cho cá bị say tự động nổi lên mặt nước rồi tha hồ bắt. Thực phẩm của người Cơ Tu trong ngày Tết chủ yếu là món ăn do đồng bào tự tay làm ra như nếp, lúa, sắn, ngô. Rượu cần và rượu tà vạt là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của họ.Ngoài việc ủ rượu, phụ nữ Cơ Tu còn lo giã nếp, hái lá đốt để làm bánh sừng trâu, nấu nhiều cơm lam để ăn và đãi khách.
Ngoài ra, đồng bào Cơ Tu còn làm thêm món Za zá - món ăn được xem là đặc trưng của dân tộc. Họ dùng các loại rau, măng, lá môn, chuối xanh, thịt rừng hoặc cá, ếch nhái... trộn lại với nhau rồi cho vào ống nứa tươi và đốt lửa bên ngoài. Đây là món ăn dùng nhắm với rượu tà vạt. Bên cạnh việc chuẩn bị nhiều món ăn, người Cơ Tu còn tổ chức các hoạt động văn hóa vui chơi như lễ hội đâm trâu, đánh cổng chiêng, nhảy điệu Za zá - điệu múa thiêng trong nghi lễ hiến sinh của người Cơ Tu, thể hiện sự vui mừng, lòng biết ơn đối với thần linh.
Người Thái với tục gọi hồn ngày Tết
Thông thường ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm của người Thái. Sau vài ngày dọn dẹp nhà cửa, tối 29 người Thái bắt đầu gói bánh chưng. Ngoài bánh chưng như của người Kinh, người Thái còn có thêm một loại bánh chưng màu đen.
Để làm bánh chưng, họ đốt rơm, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ được màu đen. Sau lễ cúng Giao thừa tối ngày 30, mọi người uống rượu suốt đêm và canh cho nhang khói trên bàn thờ tổ tiên cháy liên tục. Nhà nào có chiêng, cồng thì mang ra gõ tại nhà. Một phong tục không thể thiếu trong ngày Tết của người Thái là tục gọi hồn. Thường vào tối 29 hoặc 30, mỗi gia đình thịt hai con gà, một để cúng tổ tiên, một để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Đầu tiên, người cúng (thường là thày cúng) lấy một cái áo của mỗi người trong gia đình, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng gọi hồn hai ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà.
Tết của người Dao đỏ
Vốn có bản sắc văn hóa riêng biệt và độc đáo, nên Tết của người Dao đỏ cũng mang nhiều nét đặc trưng cho đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Cũng giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác, người Dao đón Tết cổ truyền theo lịch âm. Khoảng ngày 20 tháng Chạp, hầu hết các gia đình đều gác lại công việc làm ăn để chuẩn bị đón Tết.
Người Dao đỏ cũng có tục cúng ông Công, ông Táo như người Kinh, nhưng họ không cúng vào ngày 23 tháng Chạp mà làm chung với lễ cúng tất niên. Người Dao đỏ không tự làm lễ mà mời thầy cúng hoặc những người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn, để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ. Và mời “ma nhà”, gồm có ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò lợn gà khỏe mạnh.
Tết của dân tộc Nùng
Mâm lễ cúng tổ tiên đêm 30 Tết cũng như trong bữa cơm Tết của người Nùng là món thịt gà sống thiến. Sáng mồng một, người con rể phải đi lễ bố mẹ vợ một đôi gà sống thiến. Hai món nữa không thể thiếu đối với Tết của bà con dân tộc Nùng là bánh khảo, xôi ngũ sắc (vàng, trắng, hai sắc của đỏ gấc và đen). Từ ngày 28 và 29 tháng Chạp, người Nùng đã nghỉ ngơi, vệ sinh nhà cửa, cọ rửa đồ nông cụ, dán giấy đỏ cúng hồn các vật dụng lao động; trước cửa treo câu đối Tết viết bằng chữ Nôm Nùng... Các trò chơi phổ biến trong ngày Tết của người Nùng là ném còn, đá cầu, hát đối nam nữ, đánh võ cổ truyền, đánh gậy; trẻ con chơi quay, múa sư tử...
Lễ hội mừng lúa mới của người Xê Đăng
Đã thành truyền thống, cứ đến ngày đầu của năm mới, là thời điểm trời đất giao hòa, người Xê Đăng lại bắt đầu mở hội, bước vào mùa "ăn năm uống tháng", trong đó có lễ hội mừng lúa mới. Trước kia tục tế Yàng mừng lúa mới của người Xê Đăng diễn ra trong phạm vi từng gia đình, ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng, là dịp để các gia đình chuẩn bị những ché rượu cần ngon nhất, nướng cơm lam, nướng thịt góp với cộng đồng buôn để tổ chức nghi lễ trong tình đoàn kết. Sau lễ cúng tế, già làng khai rượu cần, đồng thời các ché rượu, các bàn ẩm thực cũng bắt đầu khai tiệc đoàn kết. Sau đó chiêng trống nổi lên, cộng đồng cùng bước xoang vào hội; thanh niên nam, nữ trổ tài qua các hoạt động: thi giã gạo chày tay, thi trang phục truyền thống, thi đi cà kheo, thi kéo co...
Tết của đồng bào dân tộc Hrê
Tết của đồng bào Hrê ở Quảng Ngãi kéo dài trong vài tháng. Mỗi gia đình phải lo nấu bánh tét, làm rượu cho thật nhiều. Có nhà nấu từ 20 đến 40 nồi bánh tét, ủ hàng trăm ché rượu cần, làm thịt vài con trâu để đãi khách và bà con trong buôn làng. Tất cả mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác. Họ vừa ăn uống vừa múa hát.
Đàn ông thì đeo ống chinh, còn đàn bà thì đeo ống bương lấy hai tay vỗ vào đầu ống sẽ tạo thành tiếng nhạc điệu bập bùng.