Ảnh bìa

Làm giàu từ đôi đũa tre

Với doanh thu hơn 400 triệu đồng và lãi 40 triệu đồng, mỗi tháng sản xuất hơn 1 tấn đũa tre tạo việc làm cho nhiều lao động là người mù, người sáng khác trong vùng với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng là những con số rất ấn tượng với một cơ sở sản xuất đũa tre của một người mù. Chúng ta đang nhắc tới cơ sở sản suất của anh Đoàn Nghiêu – hội viên Hội Người mù thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam – một trong những hội viên điển hình vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.

Theo con đường từ Thành phố Tam Kỳ đi khu du lịch sinh thái Phú Ninh, rẽ vào một đường nhựa nhỏ liên xã, khoảng 2 km về phía nam, người đi đường dễ dàng nhận ra khu nhà xưởng chứa rất nhiều sản phẩm đũa tre được đóng gọn vào các bao tải màu trắng xếp chồng lên nhau từng lớp, tiếng máy móc, tiếng công nhân nói chuyện, cười đùa làm cho không khí làm việc thêm hăng say, vui vẻ. Đó chính  là cơ sở sản xuất đũa tre của anh Đoàn Nghiêu hội viên Hội Người mù thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

          Sinh ra trong giai đoạn loạn lạc, chiến tranh ác liệt năm 1957 tại thôn Bình Hòa, xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ, anh Nghiêu có dáng vóc mảnh khảnh, da sậm màu với nụ cười luôn nở trên môi. Cuộc đời anh là con đường gập nghềnh, khúc khuỷu; một ý chí vươn lên, một mẫu người mù với cuộc sống hiện tại nhiều người mơ ước.

Ảnh: Anh Đoàn Văn Nghiêu và vợ loại bỏ những chiếc đũa không đạt tiêu chuẩn.

 6 tuổi mồ côi mẹ, sống cùng với người cha, không anh chị em ruột thịt càng làm tuổi thơ anh thêm tủi hờn. Năm 16 tuổi, đi chăn bò, một lần tắm sông cùng các bạn, tuổi đang lớn, bản tính tò mò và thích khám phá đã lấy đi đôi mắt của anh bởi một quả mìn còn sót lại sau chiến tranh. 20 tuổi, căn bệnh hiểm nghèo cướp đi người cha, người thân duy nhất ra đi mãi mãi, để lại mình anh, mù lòa côi cút trong ngôi nhà cũ nát. Cuộc sống nhiều bĩ cực, một mình lăn lộn suốt ngày, tự mưu sinh, việc gì cũng làm, ai cần là giúp, ngày qua ngày sống trong bóng tối đầy ảm đạm.

 Và rồi tình yêu đã đến, trắc trở lại càng nhiều; một người con gái ở cùng thôn, học chung thời niên thiếu để ý quan tâm hoàn cảnh mù lòa, đơn côi, thường đến chia sẻ giúp đỡ anh lúc khó khăn, hàng xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau” và tình yêu đã đến tự bao giờ.

Anh tâm sự “Là người mù nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, có được người tình nguyện thương mình, đến với mình để làm bạn, giúp mình trong cuộc sống sinh hoạt, quí lắm, sao có thể quên được; đúng là ông trời có mắt, đã sắp đặt cho mình”.

Nhưng nghiệt ngã cuộc đời, số phận đưa đẩy, như muốn nhấn chìm cuộc đời anh. Thương con gái, gia đình bên vợ nhất quyết không chịu gả vì hoàn cảnh quá đặc biệt: “mù hai mắt, sống cô đơn lại không nghề không nghiệp…” đã tìm mọi cách ngăn cản hai người. Tủi thân, tủi phận nhưng tình cảm người con gái dành cho anh, tạo nên sức mạnh vô bờ, anh không chịu từ bỏ. Họ vẫn quyết tâm đến với nhau.

Nhắc đến chuyện này, anh chậm rãi nói: “ Giai đoạn đó tôi vất vả không thể tả, để có thể sống, 2 vợ chồng lăn lộn với công việc đồng áng, làm thuê cuốc mướn, bất kể việc gì làm được là làm để sinh nhai. Làm thì nhiều nhưng vẫn không hề khấm khá, lại không được ai giúp đỡ, khổ lắm”.

Khi đã sinh con đầu lòng, biết không thể chia cách được tình cảm 2 người,  gia đình vợ đồng ý, đây là nguồn động viên quí giá cho anh. Gia tài, đất vườn cha để lại cũng không có gì; mắt mù, lực bất tòng tâm, làm việc tối ngày mà không đủ sống. Phải làm gì để có cuộc sống tốt hơn, chứ mãi làm nông thì không thể khá được là nỗi niềm trăn trở của anh bấy lâu nay.

Năm 1998 đến với Hội Người mù Thành phố Tam Kỳ, anh xin học nghề làm tăm, chổi, rồi dạo bán sản phẩm của Hội. Thường xuyên giao lưu với nhiều người, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, ấp ủ tư tưởng làm giàu, vươn lên, xóa đi cái đói, cái nghèo, cái mặc cảm mà mọi người luôn cho là mình khó có thể làm được.

Ngày qua ngày, với công việc sản xuất kinh doanh của Hội, anh tập trung vào bán hàng, tạo ra nhiều mối liên hệ, tìm hiểu kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. “ Ban đầu chỉ dám nghĩ đến việc xây dựng các đầu mối tiêu thụ, làm đại lý, hưởng hoa hồng, thu nhập cao là đáng quí lắm rồi” anh tâm sự.

Rồi đến ý tưởng “mua gốc, bán ngọn” sẽ đem lại nhiều lợi nhuận; suy nghĩ và tìm tòi tạo nên ý chí quyết tâm hơn. Tìm đến cơ sở sản xuất của Hội Người mù thành phố Đà Nẵng với cái nhìn khác hơn, được mở rộng tầm mắt, anh thầm nghĩ “người mù Đà Nẵng làm được thì mình cũng làm được”.

          Trong đầu anh nảy ra ý nghĩ phải có được máy móc phục vụ sản xuất đũa, đây là mặt hàng đang được tiêu thụ mạnh nhất những năm 2000. Từ ý nghĩ đó, anh tìm đến với người thợ cơ khí ở gần nhà để đặt làm một máy chà đũa, để tự làm gia công sản phẩm với thương hiệu "made in Nghiêu” rẻ nhưng hiệu quả được sử dụng cho đến bây giờ.

 Thấy thuận lợi, anh tiếp tục tìm đến các loại máy móc làm đũa, máy tum đầu đũa. Nhưng có dễ gì đâu, tiền đâu để mua máy, người đâu để làm… rất nhiều khó khăn trước mắt không ngừng ngăn cản ý tưởng vượt qua cái nghiệp “bần hàn” để làm giàu của anh Nghiêu.

Năm 2004 tình cờ một người khách ở Sài gòn được giới thiệu đến và tìm hiểu về ý tưởng của anh, đã giới thiệu một chiếc máy hiện đại sản xuất hơn 1 tấn đũa trong ngày, giá thành 13 triệu đồng, tương đương với 3 con bò lớn, một khối tài sản không hề nhỏ đối với gia đình anh. Quyết tâm làm giàu có cơ hội bùng lên như “lửa gặp gió”. Anh nghĩ "Cơ hội đến thì phải làm cho được", nghĩ là làm. Chiều ý chồng, gia đình phải bán đi con bò là gia tài duy nhất có giá trị và vay thêm 8 triệu đồng từ các nguồn vốn để mua máy.

   Anh tươi cười nói.“Những ngày đầu sản xuất khi mới tiếp cận máy do con trai vận hành, chứ tôi đâu nhìn thấy mà làm được việc này. Nhưng cũng không đơn giản, vận hành chưa thành thục, thường hay xảy ra sự cố, mọi người rất nản chí, nhưng dần dần làm nhiều có kinh nghiệm và học hỏi thêm. Rồi khó khăn cũng qua”.

Khi làm được sản phẩm là phải tính đến lợi nhuận, thực hiện sản xuất tận gốc, bán tận ngọn đã nằm trong kế hoạch của anh. “Ban đầu tôi phải nhập đũa thô để tum đầu, sản xuất đũa thành phẩm, đóng bao bì nhưng từ năm 2009 mở luôn xưởng trực tiếp chế biến đũa thô từ tre cây” Anh Nghiêu nói.

  Với công đoạn làm đũa từ tre cây tươi mua về cưa thành từng lóng dập thành đũa thô, sau đó đưa vào lò sấy kỹ đem ra chà, đánh bóng rồi đưa vào máy tum đầu, tiếp tục được chà một lần nữa trước khi đóng gói thành phẩm. Cứ như vậy quá trình sản xuất trở thành một qui trình ổn định.

   Mỗi công đoạn đều được anh đầu tư bằng nhiều máy móc thiết bị khác nhau, khá hiện đại từ máy cưa tre, máy dập đũa thô cho đến các máy móc ở công đoạn cao hơn như máy chà, đánh bóng, máy tum đầu đũa đều có giá từ 5 đến vài chục triệu đồng. Sau này có vốn lớn anh đầu tư thêm lò sấy trên 6 tấn đũa hơn 100 triệu đồng.

Nhưng đâu chỉ có vậy, hàng làm ra nhiều bán cho ai, vốn đầu tư vào hết trong máy và sản phẩm nằm đó, tiền đâu để tiếp tục sản xuất? Giải bài toán này là một quá trình tích lũy từ những kinh nghiệm có được khi đi bán hàng nhỏ lẻ, những mối quan hệ sẵn có và tiếp tục khai thác của anh.

Một phần chuyển đũa thô thành phẩm để Hội Người mù Tam Kỳ đóng gói, bao bì; còn lại hoàn chỉnh sản phẩm với đầy đủ thương hiệu: đũa "Tình Thương" anh trực tiếp tìm mối bán hàng đại lý, vận động các nhà hàng, quán ăn, để quảng bá tiêu thụ sản phẩm, lăn lộn với thương trường.

Niềm vui rồi cũng đến, công sức của anh được đền đáp; từ việc làm nhỏ lẻ, tạo việc làm cho bản thân và gia đình đến nay nguồn tiêu thụ không đủ đáp ứng cho thị trường. Hết thời kỳ lăn lộn khắp nơi, năn nỉ mọi người mua giúp hàng, đến nay sản phẩm của cơ sở làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. 

          Đó cũng là cơ hội thuận lợi để anh mở rộng cơ sở sản xuất của mình không chỉ gói gọn trong gia đình, trong Hội Người mù mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở trong địa phương. Hiện tại chưa kể lao động là người mù của Hội, tại cơ sở của anh thường xuyên có 20 lao động là những người dân trong xã làm việc.

Cơ sở sản xuất của anh mỗi ngày sản xuất hơn một tấn đũa, doanh thu trên 400 triệu đồng một tháng, trừ chi phí còn lãi được 40 triệu đồng, thu nhập một lao động từ 3 đến 5 triệu đồng một tháng;  số lao động được giao khoán công việc có thu nhập trên 5 triệu đồng.

          Tài sản hiện có của gia đình anh gồm 1 cơ sở sản xuất chính trên 1000 m2, 01 nhà kho, nơi đóng gói, bao bì, sản xuất hàng thành phẩm và nhà ở cho gia đình khang trang. Nguồn đầu tư không chỉ một máy, hai máy mà hơn hai mươi máy các loại, một xe tải nhỏ chuyên vận chuyển hàng... trị giá trên 1 tỷ đồng.

          Hai người con của anh cũng đã trưởng thành, người con trai đã lập gia đình; con gái đầu tốt nghiệp Đại học, hiện đang công tác tại Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh.

          Với những thành tích của mình, anh được công nhận là người lao động sản xuất giỏi, là điển hình tiên tiến của Thành phố Tam Kỳ. Không chỉ có thế, anh còn là người mù tiêu biểu, được Hội  Người mù tỉnh Quảng Nam tôn vinh tại Hội nghị điển hình của Hội tháng 4/2015 và xét chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ II của Trung ương Hội vào tháng 9 sắp tới. Anh Nghiêu thực sự xứng đáng là tấm gương để mỗi hội viên và mọi người học hỏi noi theo.

                                                                             Hồng Thống