Ảnh bìa

Người Bí thư khiếm thị gương mẫu và tận tâm với công việc

Người Bí thư khiếm thị gương mẫu và tận tâm với công việc

   Đó là ông Lê Trung Quyết – Bí thư chi bộ, chủ tịch Hội Người mù Thành phố Hà Nội. Những năm qua, với cương vị là Bí thư chi bộ, chủ tịch Hội, ông đã tích cực vận động cán bộ, đảng viên và hội viên Hội người mù Thành phố thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương; hỗ trợ giúp người khiếm thị có cơ hội và môi trường phấn đấu vươn lên tự tin hòa nhập xã hội.

Người đặt nền móng cho việc thành lập chi bộ đảng

   Cuối những năm 90, khi đang là cán bộ Công an Thành phố Hà Nội, ông Quyết bị bệnh nặng dẫn đến bị hỏng hoàn toàn cả hai mắt nhưng ông đã không đầu hàng số phận mà tiếp tục cống hiến tại Hội người mù Thành phố Hà Nội. Với bản lĩnh của người cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành, kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn có trách nhiệm cao, tâm huyết, hết lòng vì mọi người nên khi nhận thấy không có chi bộ nào kết nạp những người khiếm thị là cán bộ, hội viên Thành Hội vào Đảng trong khi đó rất nhiều những người khiếm thị luôn khát khao và mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông đã trăn trở về việc thành lập một tổ chức Đảng trong tổ chức Hội. Nghĩ là làm, ông đã tập hợp những hội viên là đảng viên và làm đề án thành lập Chi bộ đảng.

   Ngày 02/01/2008, Chi bộ cơ quan Thành hội người mù Hà Nội được thành lập, đánh dấu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng đối với tổ chức hội, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của những quần chúng ưu tú trong tổ chức Hội. Từ khi thành lập, Chi bộ đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đặc biệt là công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho người mù Thủ đô với các hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với đặc thù của dạng tật thông qua tuyên truyền miệng, chữ nổi Braille, mạng thông tin nội bộ HBA, các thiết bị ghi âm…giúp họ nâng cao ý chí, nỗ lực rèn luyện, củng cố niềm tin và bản lĩnh để chủ động phòng và tránh được những tác động tiêu cực từ âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, vượt qua thách thức trong công tác cũng như trong cuộc sống. Chi bộ đã trở thành hạt nhân lãnh đạo và cầu nối quan trọng chuyển tải đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với những người khiếm thị thủ đô.

   Với cương vị là Bí thư chi bộ, ông Lê Trung Quyết luôn tích cực tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của tổ chức. Trong chỉ đạo, điều hành, ông luôn tôn trọng phát huy dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật; thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm tư của đảng viên, quần chúng để đưa ra các biện pháp giải quyết thỏa đáng, kịp thời. Tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể phát huy hiệu quả, đóng góp vào nhiệm vụ chính trị của tổ chức Hội. Năm 2016, ông đã khuyến khích và tạo điều kiện thành lập Chi đoàn Thanh niên cơ quan Hội, ngay sau khi thành lập Chi đoàn đã có những hoạt động ý nghĩa giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên thanh niên, tuyên truyền để cộng đồng hiểu rõ hơn về người khiếm thị, đặc biệt là người khiếm thị trẻ trong hành trình vượt lên số phận.

Tận tâm với công tác hội

Là người khiếm thị nên ông hiểu rõ khó khăn mà những người đồng tật đang gặp phải trong đó có học tập, việc làm, hôn nhân, sự kỳ thị... Trước tình hình đó, với tất cả tâm huyết, sự tận tâm, tư duy sáng tạo, đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm và trách nhiệm trong công việc, ông đã trăn trở, suy nghĩ, phối hợp chặt chẽ cùng Chi bộ, Ban lãnh đạo Hội tìm mọi giải pháp để hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên.

Ảnh: ông Quyết trong lễ trao học bổng cho học sinh khiếm thị

 

   Ông  đã cùng với Ban lãnh đạo Hội Người mù TP Hà Nội tăng cường tổ chức các hoạt động phù hợp với người mù: kiện toàn tổ chức hội cấp xã phường thị trấn với mục tiêu người mù được chăm sóc ngay tại địa phương thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên cũng như người khiếm thị trên địa bàn thủ đô. Bên cạnh đó, để khuyến khích hội viên tham gia học chữ, nâng cao dân trí, Hội người mù Thành phố Hà Nội đã đề nghị TW Hội hỗ trợ bảng bút cho 100% hội viên mới có nhu cầu học tập. Đề xuất với các Sở ngành và phối hợp với các tổ chức tìm kiếm các nguồn kinh phí để dạy nghề như: tin học, ngoại ngữ, xoa bóp, tẩm quất và gần đây là các lớp telesale, kỹ năng mềm, điện thoại thông minh...đồng thời tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn về pháp luật, về nghị quyết của Đảng và chính quyền các cấp, đặc biệt là những chính sách có liên quan tới người khuyết tật để cán bộ, hội viên học tập, nghiên cứu, thảo luận và tham góp chính kiến của mình vào các nội dung trên. Hỗ trợ người khiếm thị, con của hội viên nghèo phấn đấu đạt thành tích trong các cấp học. Xã hội hóa việc chăm sóc người khiếm thị như: xây và sửa chữa nhà dột nát, xây giếng nước sạch, cấp sổ tiết kiệm, đài, máy vi tính, hằng năm đều tặng quà tết cho 100% hội viên; phối hợp với cơ quan chức năng cấp thẻ bảo hiểm y tế, thẻ xe buýt miễn phí cho hội viên nghèo, hội viên có nhu cầu; tổ chức các loại hình câu lạc bộ đáp ứng nhu cầu sở thích cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng; xây dựng thư viện sách chữ nổi, sách nói với đa dạng các chủng loại phù hợp với đặc thù của các thành viên; triển khai hoạt động văn hóa, văn nghệ theo các chủ đề… Do đó, đời sống vật chất của hội viên ngày càng ổn định và nâng cao, tỉ lệ gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn của thành phố giảm dần. Đời sống văn hóa, tinh thần của người khiếm thị cũng được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh cách tiếp nhận thông tin truyền thống như: Đọc sách chữ nổi, nghe đài… tỉ lệ hội viên sử dụng thành thạo máy tính, các thiết bị điện thoại thông minh tăng rõ rệt.

          Đặc biệt, ông là người có ý tưởng tổ chức Festival đầu tiên mang tên “Niềm tin và Ánh sáng” dành riêng cho người khiếm thị Thủ đô. Festival được tổ chức 3 năm một lần, bắt đầu từ năm 2011 do Thành Đoàn phối hợp với Hội người mù Thành phố Hà Nội tổ chức. Mỗi kỳ Festival đều thu hút được hàng nghìn sinh viên, nhân dân và hội viên hội người mù Hà Nội nhằm tôn vinh những người khiếm thị thủ đô tiêu biểu; giới thiệu, quảng bá sản phẩm và hình ảnh về người khiếm thị thủ đô năng động, sáng tạo, nghị lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho thủ đô và đất nước, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xã hội với người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng; là động lực quan trọng giúp người chịu thiệt thòi tiếp tục có thêm nghị lực, niềm tin để vươn lên trong cuộc sống.

Với nỗ lực không mệt mỏi, ông Lê Trung Quyết và tập thể Hội Người mù Thành phố Hà Nội đã nhiều lần được nhận Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành do có thành tích xuất sắc trong công tác Hội.

Lê Chinh