Người Thương binh "Tàn nhưng không phế" trên quê hương Bác Hồ
Thực hiện lời dạy của Bác: “Tàn nhưng không phế”, dẫu tuổi đã cao, đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng người thương binh Nguyễn Đăng Khoa ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vẫn hằng ngày quan tâm, tham gia các hoạt động của Hội, đọc sách, báo chữ nổi, nghe đài, cập nhật tin tức và đặc biệt là nhiệt tình tham gia các cuộc thi do Trung ương Hội và các đoàn thể phát động đạt nhiều giải thưởng cao.
Hàng năm, cứ đến dịp tháng bảy, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày thương binh- liệt sỹ, nhằm tri ân những người anh hùng đã hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy xúc động và tự hào hơn khi trong Hội Người mù Nghệ An đã có hàng trăm cán bộ, hội viên là thương binh, bệnh binh, tuy thương tật nặng nhưng các bác vẫn đi đầu trong mọi hoạt động Hội. Trong đó, có một tấm gương thương binh đặc biệt hơn cả, ông là Nguyễn Đăng Khoa sinh năm 1942 quê ở xóm 3 xã Nam Lĩnh, Huyện Nam Đàn, thương binh hỏng mắt 1/4.
Năm vừa tròn 20 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã lên đường nhập ngũ và được phân về binh trạm 44, Đoàn 559. Khi ở chiến trường ông đã từng đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Trong một trận chiến ác liệt vào tháng 11 năm 1968, trên đường tiến vào Quảng Nam, ông bị thương nặng và vĩnh viễn mất đi đôi mắt - một tổn thất vô cùng lớn đối với một người lính. Sau đó ông được chuyển ra Bắc điều trị.
Năm 1969, Sau khi trở về quê hương, ông Khoa đã kết hôn với bà Trần Thị Sâm, cô gái cùng làng năm xưa vẫn chung thủy chờ đợi ông trở về. Năm 1971, cô con gái đầu lòng của ông bà đã chào đời và sau đó 2 cậu con trai cũng lần lượt ra đời. Cuộc sống tuy có nhiều khó khăn vất vả nhưng đến nay các con của ông đều được học hành thành tài, có việc làm ổn định và đã lập gia đình. Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, ông chia sẻ với vợ nhiều việc nhà như: chăm con, nội trợ, chăn nuôi, chăm sóc vườn cây ăn quả và cả những việc ngoài đồng như be bờ giữ nước, làm cỏ lúa... nhờ chăm chỉ, siêng năng nên kính tế gia đình ông dần ổn định và có của ăn, của để. Bên cạnh việc tổ chức tốt cuộc sống gia đình, làm kinh tế giỏi, ông Khoa còn tham gia công tác trong lĩnh vực tuyên truyền, thông tin, văn hóa quần chúng của xã nhà.
Năm 1993, khi Hội người mù Huyện Nam Đàn thành lập, ông được tín nhiệm bầu vào BCH Hội dữ chức chủ tịch Huyện hội. Năm 1997, tại đại hội đại biểu lần thứ IV Hội người mù tỉnh Nghệ An, ông được tín nhiệm bầu làm ủy viên thường trực Tỉnh hội phụ trách công tác tuyên truyền, văn hóa, giáo dục. Trên cương vị là một người lãnh đạo Huyện hội, rồi đến Tỉnh Hội, ông quyết tâm học tập, rèn luyện để có thể tự mình làm việc giúp đỡ mọi người và xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển. Ông đã học chữ nổi Braille và tham gia khóa học cán bộ hội tại Trung tâm Đào tạo Cán bộ phục hồi chức năng Hội Người mù Việt Nam. Ngoài ra với năng khiếu về âm nhạc, ông còn học cách chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: đàn Mandolin, Harmonica, Organ, Violin...và ông đã sử dụng cùng một lúc 3 nhạc cụ tay đánh Mandolin, miệng thổi Harmonica và chân điều khiển bộ gõ một cách điêu luyện để biểu diễn trên sân khấu, tham gia các cuộc thi nghệ thuật quần chúng do Tỉnh nhà và Trung ương tổ chức như: Tiếng hát Làng Sen, Tiếng hát từ trái tim đã đạt nhiều giải cao.
Với vai trò là một cán bộ Hội, ông không chỉ là một người lãnh đạo gương mẫu mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy của hội viên. Ông luôn lắng nghe, chia sẻ và tìm mọi cách để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Ông Khoa đã cùng với các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: mở các lớp dạy chữ Braille, phục hồi chức năng, cho vay vốn, dạy nghề... Đặc biệt, triển khai thực hiện thành công dự án "Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng" trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian 5 năm, do Cơ quan Phát triển quốc tế Thụy Điển và Hội Người khuyết tật thị giác Thụy Điển tài trợ. Tạo điều kiện cho các hội viên được học chữ, học nghề, định hướng di chuyển, có thể tự làm kinh tế và sống tự lập.
Ông cũng thường xuyên tham gia các buổi thảo luận, hội thảo để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền lợi và nguyện vọng, khả năng của người mù. Sự kiên trì, nỗ lực của ông và các cấp Hội đã đem lại những kết quả đáng khích lệ. Nhiều người khiếm thị trong tỉnh đã có việc làm ổn định, tự tin hơn trong cuộc sống và góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng.
Năm 2002, do tuổi cao, ông không còn tham gia vào BCH Tỉnh Hội nữa, mà trở về với gia đình và làng xóm thân thương. Trong xóm ông có những cháu học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học thêm, khi gặp bài toán khó đã đến hỏi ông. Từ những kiến thức phổ thông đã được học trước khi nhập ngũ, ông đã hướng dẫn các cháu làm bài, sau đó có nhiều cháu cũng đã tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Với sự nhiệt tình cùng tấm lòng nhân ái muốn giúp đỡ các cháu nên ông đã dùng chữ Braille để biên soạn giáo án và mở được 11 lớp tình thương phụ đạo củng cố kiến thức về môn toán học cho các cháu từ lớp 7 đến lớp 9. Việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của ông đã được các đài, báo từ Trung ương đến địa phương đưa tin. Trong đó nổi bật nhất là 3 tập phim: Thầy nhà, Trở về sau cuộc chiến và Tôi còn sống. Do Trung tâm phát thanh truyền hình quân đội xây dựng phóng sự về ông, để tham gia các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc và đã đạt huy chương bạc tại các kỳ liên hoan đó. Khâm phục về phương pháp truyền đạt của ông, Bộ giáo dục và Đào tạo tặng thẻ nhà giáo đặc cách và nhiều phần thưởng cho ông.
Bên cạnh việc dạy học miễn phí cho học sinh nghèo, ông Khoa còn tích cực viết bài tham gia các cuộc thi và đạt nhiều giải cao như: Giải đặc biệt cuộc thi "Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ chí Minh" do ban tuyên giáo Trung ương tổ chức năm 2005, giải nhì cuộc thi "Kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của ngành Văn hóa- thể thao và du lịnh Nghệ An tổ chức năm 2009... Trong 6 tháng đầu năm 2024, khi đã bước sang tuổi 83 với những vết thương thời chiến tranh, lúc trái gió trở trời lại đau nhức, nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động hội, viết bài và đạt 2 giải khuyến khích trong các cuộc thi: "Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội người mù Việt Nam" do Trung ương Hội tổ chức, cuộc thi "Ngày phát thanh thế Giới" do Đài tiếng nói Việt Nam phát động...
Từ những nỗ lực và sự đóng góp to lớn của ông đối với cộng động, được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương biểu dương, ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý đó là 15 bằng khen. Trong đó: 1 bằng khen của Thủ tướng chính phủ, 1 bằng khen của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, 3 bằng khen của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 1 bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương, 1 bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 2 bằng khen của Trung ương Hội người mù Việt Nam, 5 bằng khen của UBND tỉnh Nghệ An và 5 kỷ niệm chương: Cựu chiến binh Việt Nam, Cựu thanh niên xung phong, Vì hạnh phúc người mù, Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Bộ đội Trường Sơn.
56 năm mất đi ánh sáng của đôi mắt, nhưng bằng ánh sáng của trí tuệ, nghị lực, niềm tin của mình, ông đã dẫn đường, giúp đỡ cho những người khiếm thị trong Hội và các cháu học sinh nghèo.Ông thực sự là một tấm gương sáng, một người lính Cụ Hồ kiên cường, mẫu mực, là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người học tập, là minh chứng cho ý chí, lòng kiên trì của con người, có thể vượt qua mọi khó khăn, biến những điều không thể thành có thể. Câu chuyện về ông Nguyễn Đăng Khoa không chỉ là một tấm gương về sự kiên cường, nghị lực mà còn là lời kêu gọi mỗi người chúng ta hãy sống có trách nhiệm, yêu thương và chia sẻ với những người kém may mắn hơn; động viên nhau khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống; thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Tàn nhưng không phế”.
Phan Thị Hoa