Ảnh bìa

Những điều cần biết về Bệnh Bạch Hầu

Gần đây, bệnh bạch hầu hiện đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành khiến nhiều người lo lắng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ. Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.

Thời kỳ lây truyền: Thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần.

Tác nhân gây bệnh bạch hầu

‎‎Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày.

Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

Ảnh: Những điều cần biết về bệnh bạch hầu.

Theo BS. Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh.

Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật, đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn. Kể cả trong trường hợp khi người bệnh không có biểu hiện triệu chứng thì họ vẫn có khả năng lây truyền cho người khác sau khoảng 6 tuần kể từ khi bắt đầu nhiễm bệnh.

BS. Phan Văn Mạnh cho biết, thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt… Bệnh bạch hầu qua da có thể lây truyền qua đường tình dục.

Các triệu chứng điển hình của nhiễm trùng bao gồm đau họng, sốt, sưng cổ và suy nhược. Trong vòng 2–3 ngày kể từ khi bị nhiễm trùng, mô chết tạo thành một lớp phủ dày, màu xám có thể bao phủ các mô ở mũi, amidan và cổ họng, khiến người bệnh khó thở, khó nuốt. Hiếm gặp hơn, chất độc xâm nhập vào máu và gây tổn thương cho tim, thận và dây thần kinh. Chính vì thế bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng: viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận…

Ở nước ta, đa số trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể lây lan ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine bạch hầu thấp: trong đó trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn là những người không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; di chuyển đến một nơi không tiêm chủng vaccine bạch hầu; Bị các rối loạn miễn dịch (AIDS); Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp…

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Đưa trẻ đi tiêm chủng, tiêm vaccine phối hợp có thành phần phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch bao gồm các mũi tiêm khi trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi.

Bên cạnh tiêm vắc xin, bố mẹ nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh bạch hầu ở trẻ em:

Nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời nhằm bổ sung kháng thể và dinh dưỡng cho trẻ, để trẻ phát triển toàn diện.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.

- Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ

- Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.