Ảnh bìa

Khoảng cách - Giãn cách xã hội

Đây là biện pháp nới rộng khoảng cách, không cho người mang mầm bệnh tiếp xúc với người khỏe mạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.

Khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa thì giãn cách xã hội được xem là biện pháp tối ưu nhất.

Khoảng cách (giãn cách xã hội), 1 trong những biện pháp 5K

          Giãn cách xã hội ở cấp độ toàn cầu khi có đại dịch xảy ra, đó là sự hạn chế đi lại giữa các quốc gia, lãnh thổ với nhau, nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh từ nước này sang nước khác. Thông thường các quốc gia đóng đường biên, cửa khẩu, tạm dừng các chuyến bay chở khách... để hạn chế người qua lại giữa các quốc gia, mà thực chất là ngăn chặn không cho virus xâm nhập.

          Giãn cách xã hội ở cấp độ quốc gia, cấp tỉnh, thành phố nhằm giúp cắt đường lây truyền từ vùng dịch đến vùng không có dịch, có thể có nhiều mức độ khác nhau như hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, cơ quan làm việc, các khu mua sắm, vui chơi giải trí, lễ hội...

          Giãn cách xã hội ở cấp độ cộng đồng nhằm cắt đứt/hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp các cá nhân với nhau. Với bệnh COVID-19, mắt thường chúng ta không phân biệt được ai là người mang mầm bệnh, ai là người khoẻ mạnh, do vậy giãn cách xã hội nhằm chặn đứng đường lây truyền. Do vậy, tại cộng đồng khi dịch bùng phát, việc cần làm là tạm dừng các hoạt động tụ tập đông người như hội họp, cưới xin, lễ hội...

          Giãn cách xã hội ở cấp độ cá nhân, đó là việc khi dịch bệnh xảy ra ở địa phương mình, tốt nhất là ở nhà, hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc thực sự cần thiết. Cấp độ cá nhân đóng vai trò quyết định, do vậy để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, mọi người phải có ý thức và trách nhiệm để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình, bảo vệ cộng đồng và bảo vệ xã hội. Chính vì thế, mỗi người cần thực hiện đúng và làm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.         

BS. Nguyễn Đình Anh (Sức khỏe và đời sống)