Lan tỏa yêu thương từ công tác phụ nữ và trẻ em của Hội
Chăm sóc nâng cao đời sống cho phụ nữ mù và trẻ em khiếm thị không chỉ là trách nhiệm của các cấp Hội, của cả cộng đồng, mà còn là một nghĩa vụ nhân văn, giúp họ hòa nhập và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong năm 2024, tiếp nối những kết quả đã đạt được trong công tác phụ nữ và trẻ em những năm trước, Hội tiếp tục triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, giúp chị em và các cháu thêm ấm áp tình đồng tật và giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống.
Trong năm 2024, Hội Người mù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong công tác hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khiếm thị. Những hoạt động thiết thực và giàu ý nghĩa này không chỉ mang đến niềm tin, hy vọng, giúp giảm bớt khó khăn cho chị em và các cháu mà còn lan tỏa yêu thương cùng những giá trị nhân văn sâu sắc trong tổ chức Hội và cộng đồng.
Ban Công tác phụ nữ và Trẻ em đã được củng cố và kiện toàn tại các cấp Hội. Bên cạnh đó, số chị em tham gia Ban lãnh đạo các đơn vị ngày càng tăng; Hiện nay, có 1 chị là Phó Chủ tịch Trung ương Hội, 31 chị là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Tỉnh, Thành hội, 246 chị là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Quận, Huyện hội. Các chị không chỉ tham mưu, đề xuất mà còn trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác phụ nữ và trẻ em ngày càng hiệu quả.
Ảnh: Lễ trao Mái ấm tình thương cho chị Lý Thị Phượng ở Cao Bằng.
Chương trình “Chung tay hỗ trợ Mái ấm tình thương” đã mang lại mái ấm, niềm vui cho nhiều hội viên nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm qua, các tỉnh thành hội đã vận động xây mới 76 căn nhà, sửa chữa 93 căn nhà, với tổng kinh phí lên tới gần 7,2 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ nhà ở cho hội viên nữ đặc biệt khó khăn của Trung ương Hội đã nhận được hơn 219 triệu đồng từ sự chung tay đóng góp của chính cán bộ, hội viên các cấp Hội với tinh thần “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương trong tổ chức Hội. Trong đó, điển hình như: HNM Tiền Giang ủng hộ hơn 22 triệu đồng, HNM TP Hồ Chí Minh ủng hộ hơn 18 triệu đồng; các đơn vị Hà Tĩnh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước từ khi bắt đầu chương trình đến nay đều ủng hộ mỗi năm từ 10 triệu đồng trở lên…
Và, những căn nhà ấm áp yêu thương đã được xây dựng, sửa chữa từ tấm lòng của chính cán bộ, hội viên trong Hội. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Bính, sinh năm 1956, tại xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội, là một ví dụ cảm động. Bà Bính, một người mù cả hai mắt, sống đơn độc trong căn nhà tạm bợ, dột nát, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Từ 50 triệu đồng hỗ trợ của chương trình, Thành hội Hà Nội, Huyện hội Thạch Thất cũng đã huy động thêm 70 triệu đồng của báo Dân trí cùng những hỗ trợ khác để xây dựng cho bà một căn nhà mới. Đây không chỉ là nơi ở an toàn mà còn là nguồn động viên lớn lao cho bà trong những năm tháng tuổi già.
Ảnh: Trao tiễn hỗ trợ xây nhà cho chị Trần Thi Vân ở Hà Tĩnh.
Một câu chuyện cảm động khác là của chị Nguyễn Thị Ái Trâm, sinh năm 1989, ở Thừa Thiên Huế. Chồng mất sớm, chịu cảnh “mẹ goá, con côi”, con còn nhỏ lại thường xuyên phải nhập viện để chữa bệnh hở hàm ếch cần phẫu thuật nhiều lần. Trong thời gian qua, hai mẹ con không có nhà ở phải thuê trọ.
Năm 2023, được sự giúp đỡ của gia đình, cùng sự chắt chiu, dành dụm, chị đã mua được căn nhà cấp 4 nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Với 25 triệu đồng từ chương trình, cùng sự hỗ trợ của Liên đoàn Lao động và Công ty TNHH một thành viên Niềm tin 17/4 thuộc Tỉnh hội Thừa Thiên Huế, nơi chị đang làm việc, chị đã sửa chữa được ngôi nhà, tạo điều kiện sống tốt hơn cho hai mẹ con. Cùng với bà Bính, chị Trâm, trong năm, Trung ương Hội đã hỗ trợ làm nhà mới cho 2 hội viên nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác là chị Nguyễn Thị Thủy ở Nghệ An và chị Trần Thị Hà ở Nam định. Bên cạnh đó, thông qua Bộ Tài chính, Hội cũng đã ủng hộ 50 triệu đồng vào Quỹ cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác hỗ trợ trẻ em khiếm thị cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thông qua chương trình phối hợp với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng, Hội đã hướng dẫn phục hồi chức năng, hỗ trợ giáo dục và kinh phí chăm sóc cho trẻ em tại 12 tỉnh thành: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai và Hậu Giang. Hàng tháng, mỗi cháu nhận được từ 200 đến 400 nghìn đồng, góp phần giúp các cháu và gia đình từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Nhật Hồng trao tặng học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Tp Hồ Chí Minh… với mức 500000đồng/sinh viên/tháng.
Tiếp nhận 100 triệu đồng kinh phí hỗ trợ điều trị mắt cho trẻ em khiếm thị từ Hội K-Yodel (Hàn Quốc), sau khi đã hỗ trợ cho các cháu tại Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Vĩnh Long mỗi cháu 10 triệu đồng, Trung ương Hội tiếp tục hỗ trợ cho các cháu ở Hà Nội, Hà Nam, Nghệ An, Sóc Trăng mỗi cháu từ 5 đến 20 triệu đồng. Cháu Phan Trường An, sinh năm 2023, bị đục thủy tinh thể và rung giật nhãn cầu; mẹ cháu cũng là một người khiếm thị bẩm sinh. Biết được hoàn cảnh của cháu và gia đình, Trung ương Hội đã hỗ trợ 10 triệu đồng, góp phần giúp gia đình giảm bớt khó khăn trong quá trình điều trị để tìm lại ánh sáng cho cháu. Một trường hợp khác là cháu Yến Nhi, sinh năm 2009, bị ung thư võng mạc cả hai mắt. Bố cháu đã bỏ đi khi cháu mới ra đời. Hai mẹ con cháu đang sống trong căn nhà trọ cấp 4 gần bệnh viện để tiện thăm khám. Mẹ của cháu, người làm đủ mọi công việc từ bán hàng đến chạy xe ôm để lo cuộc sống cho hai mẹ con, chăm sóc và điều trị mắt cho cháu. Sự tiếp sức 10 triệu đồng từ Hội không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế mà còn tiếp thêm động lực, niềm tin cho hai mẹ con, dẫu còn nhiều gian nan, thử thách. Hiện nay, Trung ương Hội đang tiếp tục khảo sát để hỗ trợ thêm cho một số cháu khác.
Ảnh: Trao quà cho trẻ em khiếm thị tại Bình Đinh nhân dịp tết Trung thu.
Nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, Quốc tế Thiếu nhi, khai giảng năm học mới, Tết Trung thu, Tháng hành động vì trẻ em,… Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú: Gặp mặt, biểu dương, tặng quà, trao học bổng, tặng sổ tiết kiệm, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức lớp tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn sức khỏe,… giúp chị em và các cháu có thêm kiến thức, kĩ năng, phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống, lao động, học tập, xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc, hòa nhập cộng đồng. Một số đơn vị duy trì tốt các câu lạc bộ, nguồn quỹ chăm sóc phụ nữ và trẻ em; vận động kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho chị em và các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức từ 400 nghìn đồng – 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với các hoạt động nêu trên, Hội cũng rất tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, sự kiện do các Bộ ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức để đóng góp vào phong trào chung, vì một tương lai tươi sáng hơn cho phụ nữ và trẻ em khuyết tật.
Bước sang năm 2025, Hội Người mù Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ, mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng công tác phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh các hoạt động thường xuyên được tiếp nối, hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ khiếm thị vào đời sống xã hội”, Diễn đàn trẻ em khiếm thị Việt Nam và cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn” lần thứ II.. sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động để chị em và các cháu có thêm cơ hội vươn lên xây dựng cuộc sống bình đẳng, tiến bộ và hòa nhập.Những câu chuyện cảm động, những thành tựu đã đạt được trong năm 2024 chính là nguồn động lực để Hội tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình, mang đến niềm tin, hy vọng, hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em khiếm thị.
Công tác phụ nữ và trẻ em của Hội không chỉ là nhiệm vụ mà còn là những hành động cụ thể, khẳng định tinh thần nhân ái và sự sẻ chia dành cho những nhóm đối tượng thật sự khó khăn. Đây là hành trình mà mỗi đóng góp, dù nhỏ bé, đều có thể tạo nên những thay đổi lớn lao, giúp chị em và các cháu từng bước vượt qua trở ngại, phát huy khả năng, vươn lên vui sống tự lập, hòa nhịp và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.
Đinh Việt Anh