Tổng kết 20 năm triển khai công tác phụ nữ và trẻ em mù tại Hưng Yên
Trong 2 ngày 27 và 28/6/2023, Hội Người mù tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai công tác phụ nữ và trẻ em mù giai đoạn 2003-2023.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban đối ngoại, phụ nữ và trẻ em Hội Người mù Việt Nam, bà Lê Thị Hiền – Phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên, các ông, bà là đại diện UB MTTQ VN tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, một số phòng chức năng của Sở Lao động Thương binh và Xã hội và 54 đại biểu phụ nữ và trẻ em mù tiêu biểu.
Ảnh: Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị.
Trong khuôn khổ hội nghị, 54 đại biểu là phụ nữ và trẻ em mù tiêu biểu của Hội đã đi thăm quan một số di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên như: nhà lưu niệm Bác Hồ, di tích lịch sử quốc gia cây đa và đền La Tiến, Văn miếu Xích Đằng giúp phụ nữ, trẻ em khiếm thị tỉnh nhà hiểu hơn về lịch sử, truyền thống anh hùng, yêu nước và hiếu học của quê hương.
Ảnh: Trao quà cho trẻ em khiếm thị tham dự hội nghị.
20 năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp, sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, hội viên các cấp hội, công tác chăm lo, giúp đỡ trẻ em khiếm thị của tỉnh Hưng Yên đã được tích cực triển khai và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ luôn được các cấp Hội quan tâm, có 4 chị là ủy viên BCH Tỉnh hội, 7 chị là Chủ tịch, Phó chủ tịch và 20 chị là ủy viên BCH các Huyện, Thành, Thị hội, 7 chị có trình độ cao đẳng, đại học, 83 chị tốt nghiệp phổ thông các cấp. 93 chị đã được đào tạo nghề tại Trung ương Hội và Tỉnh hội, hàng trăm chị được tham gia các hóa dạy chữ, dạy nghề tại địa phương với các nghề như: tẩm quất, tin học, làm tăm, bện chổi, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hội cũng đã tạo điều kiện để chị em được thường xuyên tham gia các lớp khuyến nông, mô hình chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn thủ tục hồ sơ để 443 chị em được vay 2,6 tỉ đồng vốn phát triển kinh tế gia đình. Sau khi học nghề, chị em được Hội hỗ trợ tìm kiếm việc làm với mức thu nhập trung bình từ 1,3 triệu đồng/tháng. Riêng nghề xoa bóp đạt thu nhập từ 2,5 -3 triệu đồng/tháng, người có tay nghề cao đạt 5- 6 đồng/tháng.
Hàng năm, nhân ngày 8/3, 20/10, các cấp Hội thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, gặp mặt, tặng quà để ôn lại truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt nam và nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới, giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, những tấm gương phụ nữ khiếm thị vượt khó vươn lên …
Có vốn, có nghề, có thu nhập và kiến thức là tiền đề quan trọng để nhiều chị mạnh dạn tiến tới xây dựng gia đình, thực hiện quyền làm mẹ. Hiện nay toàn hội có 594 hội viên nữ (chiếm 55%), 427 chị đã xây dựng gia đình, 23 chị thực hiện quyền làm mẹ. Hiện nay, toàn Hội có 44 trẻ em khiếm thị, trong đó 8 cháu là trẻ mù đa tật, 13 em đang theo học tại các cơ sở giáo dục dành riêng cho người khiếm thị và hòa nhập tại cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Việt Anh đánh giá cao những kết quả mà các cấp hội và phụ nữ, trẻ em khiếm thị Hưng Yên đã nỗ lực, phấn đấu đạt được trong 20 năm qua. Đồng chí cũng nhấn mạnh BCH và Ban công tác phụ nữ trẻ em các cấp Hội cần phát huy tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động các cấp Hội theo hướng chăm lo quyền lợi thiết thực cho chị em và các cháu, phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ khiếm thị trong mọi mặt công tác hội, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ và trẻ em khiếm thị có cơ hội được lao động, học tập, vươn lên bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng.
Tại hội nghị, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Quỹ từ thiện “Lão nhà quê và các bạn” Công ty TNHH Vi Diệu Nam, doanh nghiệp Thúy An đã trao tặng những phần quà hết sức ý nghĩa cho trẻ em là đại biểu tham dự hội nghị.
Nguyễn Văn Hùng