Tổng kết công tác phụ nữ và trẻ em, tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và trao giải cuộc thi “Thắm sắc hoa nghị lực”
Ngày 20/10/2023, Hội Người mù Việt Nam tổ chức hội nghị Tổng kết 25 năm triển khai công tác phụ nữ và trẻ em, tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đồng thời trao giải cuộc thi “Thắm sắc hoa nghị lực”.
Đồng chí Khuất Văn Quý, Phó vụ Trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Phạm Thị Xuân Diệp – Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các đồng chí lãnh đạo, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo Trung ương Hội cùng 120 đại biểu là những nữ cán bộ Hội phụ trách công tác phụ nữ, trẻ em và hội viên nữ tiêu biểu trong toàn Hội đã đến dự hội nghị.
Ảnh: Toàn cảnh hội nghị.
Chương trình buổi sáng diễn ra trong không khí ấm áp và sôi động với nội dung Hội nghị tổng kết công tác phụ nữ và trẻ em kết hợp trao giải cuộc thi. Được tổ chức đúng vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hội nghị là dịp để Hội nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả đạt được, chỉ ra những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác chăm sóc, giúp đỡ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em khiếm thị trong 25 năm qua.
Ngày 30/6/1998, Trung ương Hội Người mù Việt Nam ban hành quyết định thành lập tổ chức nữ công trong các cấp Hội (sau đổi tên thành Ban Công tác phụ nữ mù) để chăm sóc đời sống hội viên nữ. Cùng với đó, công tác chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em luôn được quan tâm thực hiện. Năm 2016, Ban mở rộng thành Ban Công tác phụ nữ và trẻ em.
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc hội nghị.
Tính đến tháng 6/2023, toàn Hội có hơn 37,7 nghìn hội viên nữ trên tổng số gần 73,3 nghìn hội viên, chiếm tỉ lệ 51,5%, số chị em trong độ tuổi lao động là 11469 hội viên, hội viên nữ là dân tộc thiểu số là 3342 hội viên.
Để nâng cao trình độ, kiến thức cho chị em, rất nhiều khóa tập huấn, lớp học chữ, học nghề đã được mở tại các cấp Hội, thu hút sự tham gia của hàng nghìn chị em. Ngoài ra, 307 chị được tham gia lớp tập huấn Công tác phụ nữ và trẻ em; 575 chị được tham gia các khóa đào tạo cán bộ tại Trung tâm Đào tạo cán bộ - PHCN cho người mù thuộc Trung ương Hội. Sau các khoá học này, các chị em tự tin áp dụng kiến thức đã được học, triển khai hiệu quả các hoạt động tại các tỉnh, thành hội trên cả nước.
Ảnh: Bà Lê Thị Diệu Châu, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Đà Nẵng phát biểu tham luận tại hội nghị.
Cùng với việc tham gia các phong trào của Hội Người mù Việt Nam phát động như “Cuộc vận động Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng”, chương trình hành động “Việc làm giảm nghèo bền vững”… chị em còn nhiệt tình tham gia các cuộc vận động do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động: Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, rèn luyện 4 phẩm chất của người phụ nữ trong thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, … do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.
Nhân các ngày lễ tết, hàng triệu lượt phụ nữ và trẻ em mù đã được nhận quà với số tiền hơn 900 tỉ đồng, điển hình như các Tỉnh, Thành hội: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hoá, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, … Một số đơn vị vận động kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức từ 300000 đồng – 500000 đồng/người/tháng. Năm 2021, Trung ương Hội phát động Chương trình Chung tay hỗ trợ “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở. Bên cạnh sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm, chương trình được đông đảo cán bộ, hội viên Trung ương Hội và các Tỉnh, Thành hội hưởng ứng mạnh mẽ với số tiền 470 triệu đồng, Trung ương Hội đã phối hợp với các Tỉnh, Thành hội tiến hành khảo sát và triển khai xây nhà mới cho các hội viên nữ tại các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Bình, Đăk Nông, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, và 1 ngôi nhà ở Điện Biên theo lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ảnh: Bà Nguyễn Bảo Trân, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Đồng Nai phát biểu tham luận tại hội nghị.
Năm 2006, Hội Người mù Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kí kết Chương trình phối hợp về việc giúp đỡ phụ nữ mù. Một số địa phương đã kí kết chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp theo từng năm hay từng giai đoạn. Nhiều hoạt động phối hợp đã được triển khai đem lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực: đào tạo cán bộ, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm, trợ cấp, tặng quà, hỗ trợ nhà ở, nâng cao nhận thức, kĩ năng, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên nữ.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thuỳ Quyên - Trưởng Ban Công tác Phụ nữ và trẻ em Tỉnh hội Thừa Thiên Huế phát biểu tham luận tại hội nghị.
Nhằm nâng cao kiến thức và đời sống tinh thần cho chị em, nhiều khóa tập huấn về luật Bình đẳng giới, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, gặp mặt, biểu dương, tặng quà, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức lớp tập huấn, tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn sức khỏe …, giúp chị em có thêm kiến thức, kĩ năng, phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Ảnh: Bà Đào Thị Hằng, Trưởng Ban Công tác Phụ nữ và trẻ em Tỉnh hội Hưng Yên phát biểu tham luận về công tác chăm lo giúp đỡ hội viên xây dựng hạnh phúc gia đình.
Trong công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em khiếm thị, các cấp Hội đã có nhiều chương trình, hoạt động nuôi dạy, chăm sóc trẻ em khiếm thị, trao học bổng, tặng quà và gặp mặt trẻ em khiếm thị nhân ngày lễ Tết, trung thu hay ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, khai giảng năm học mới...
Ảnh: Bà Phạm Thị Huế, Tỉnh hội Bắc Ninh một trong những cán bộ, hội viên tiêu biểu đại diện phát biểu tham luận.
Hiện nay, toàn Hội có 3589 trẻ em trong đó có 503 trẻ em mù đa tật, gần 300 cháu đang được nuôi dạy ở các Trung tâm của Hội, hàng ngàn cháu đang theo học tại các cơ sở giáo dục dành cho người khiếm thị khác hoặc tham gia học hòa nhập tại cộng đồng. Đặc biệt, năm 2022, Diễn đàn Trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Chung tay vì sự bình đẳng, hòa nhập của trẻ em khiếm thị”, Tổng kết và trao giải Cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn” với sự tham gia của hơn 60 trẻ em khiếm thị đến từ khắp mọi miền Tổ quốc đã được tổ chức thành công, tạo sự lan tỏa trong tổ chức Hội và cộng đồng.
Tại hội nghị, đại diện Ban công tác phụ nữ các đơn vị Tỉnh hội Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Thành hội Đà Nẵng và 1 cá nhân tiêu biểu đã có tham luận chia sẻ về những kết quả hoạt động cũng như kinh nghiệm trong công tác chăm lo đời sống cho phụ nữ và trẻ em.
Ảnh: Đồng chí Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá cao những kết quả trong công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em khiếm thị trong toàn Hội. Đồng chí hy vọng, những kết quả này sẽ tiếp tục được phát huy và đạt nhiều hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn mới. Đồng chí cũng khẳng định những kiến nghị của Hội với Vụ Gia đình sẽ được nghiên cứu, xem xét và hỗ trợ tối đa trong thời gian tới.
Ảnh: Đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người mù Việt Nam khẳng định, công tác phụ nữ, trẻ em luôn được Trung ương Hội và các cấp Hội quan tâm, chú trọng. Những kết quả của công tác này đã đóng góp rất nhiều vào thành tích chung của Hội. Đồng chí cũng mong rằng, các hoạt động của Hội trong lĩnh vực này sẽ ngày càng được triển khai hiệu quả, mang lại ý nghĩa to lớn để hội viên nữ và trẻ em mù có điều kiện phấn đấu vươn lên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Nhân dịp này, Trung ương Hội đã trao tặng 32 bằng khen cho các tập thể đã đạt nhiều thành tích trong công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em.
Ảnh: Lãnh đạo Trung ương Hội trao bằng khen của Hội cho các tập thể có thành tích xuất sắc.
Cuộc thi Thắm sắc hoa nghị lực được Hội Người mù Việt Nam phát động từ tháng 8/2023 với mục đích tạo không khí thi đua sôi nổi, là diễn đàn giao lưu, chia sẻ và sân chơi lành mạnh giúp cán bộ, hội viên nữ tự tin thể hiện khả năng, nguyện vọng của bản thân với tổ chức Hội và cộng đồng.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nữ tham gia, trong đó, có 93 bài được các Tỉnh, Thành hội lựa chọn gửi về TW Hội. Qua vòng sơ khảo 48 bài lọt vào vòng chung khảo với các hình thức bài viết, audio, video. Các bài dự thi chủ yếu tập trung vào các chủ đề viết về tấm gương phụ nữ khiếm thị giàu ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn thành công trong cuộc sống, kể về cá nhân, tập thể có các hoạt động thiết thực, chia sẻ, hỗ trợ, tiếp thêm động lực giúp phụ nữ khiếm thị vươn lên hòa nhập xã hội; có bài dự thi là tiểu phẩm, ca khúc khơi dậy ý chí, nghị lực, động viên chị em phụ nữ vượt qua khó khăn, thử thách.
Ban giám khảo của cuộc thi là những chuyên gia, nhà báo, nhạc sỹ có kinh nghiệm như: TS Nhà Báo Đồng Mạnh Hùng – Trưởng ban Thư ký biên tập – Đài tiếng nói Việt Nam; TS Vũ Dương Thuý Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ thư viện - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nhạc sĩ nhà báo Lê Tâm - Báo Công an nhân dân; Thạc sỹ nhà báo Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Đời mới; Thạc sỹ nhà báo Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù.
Ảnh: Thạc sỹ nhà báo Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù đại diện ban giám khảo phát biểu.
Đại diện Ban giám khảo, Thạc sỹ - nhà báo Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù cho biết: Với sự đa dạng về hình thức, thể loại và nội dung đã thể hiện sự nghiêm túc cũng như tâm huyết của các tác giả. Mỗi một bài thi, mỗi nhân vật và mỗi tác giả chính là một bông hoa tươi thắm trong vườn hoa của cuộc đời, dù gặp không ít khó khăn nhưng các chị đã mạnh mẽ vươn lên, vượt qua những rào cản thể hiện vai trò, khả năng, năng lực của bản thân đóng góp cho sự phát triển của Hội và cả cộng đồng. Hội thi là đợt sinh hoạt văn hóa, tinh thần sôi động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của chị em, giúp các đơn vị phát hiện và bồi dưỡng tài năng, năng khiếu của chị em, là sân chơi lành mạnh giúp cán bộ, hội viên nữ tự tin thể hiện khả năng, suy nghĩ, nguyện vọng của bản thân với tổ chức Hội và cộng đồng; động viên, khích lệ chị em cùng nhau phấn đấu vươn lên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội.
Ảnh: Trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho đại diện các thí sinh đạt giải khuyến khích.
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh trao giấy chứng nhận và phần thưởng cho hai thí sinh đạt giải nhất.
Ban tổ chức đã trao 31 giải thưởng cho các thí sinh, trong đó có 19 giải khuyến khích, mỗi giải 400000 đồng; 6 giải ba, mỗi giải 700000 đồng, 3 giải nhì, mỗi giải 1 triệu đồng; 2 giải nhất, mỗi giải 1,5 triệu đồng và 1 giải bài dự thi được yêu thích nhất do khán giả bình chọn với giá trị giải thưởng 1 triệu đồng.
Ảnh: Thừa uỷ quyền của Bộ trưởng, lãnh đạo Trung ương Hội trao quà của Bộ trưởng cho chị em khiếm thị tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, những phần quà ý nghĩa của Bộ trưởng và Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được trao cho các đại biểu nữ khiếm thị nhân ngày Phụ nữ Việt Nam.
Ảnh: Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Buổi chiều, Trung ương Hội tổ chức tập huấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản liên quan. Đồng chí Khuất Văn Quý, Phó vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã truyền đạt 2 chuyên đề gồm những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và các chính sách, văn bản của Đảng, nhà nước về công tác gia đình như: chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030 và các đề án thành phần của chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030.
Sáng 21/10, các đại biểu đi thực tế, tham quan các điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại thành phố Nha Trang.
Đời mới