Cafe More Hanoi – khởi nguồn nghề pha chế đồ uống cho người khiếm thị Việt Nam
Quán Cafe More Hanoi – quán cafe đầu tiên tại Việt Nam do chính những người khiếm thị đứng quầy pha chế được Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù – Hội Người mù Việt Nam khai trương vào chiều ngày 22/11/2024.
Dự buổi khai trương có các đồng chí: Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Văn phòng Quốc hội; Lê Thị Tường Thu – Chủ tịch Công đoàn cùng đại diện các đơn vị, đoàn thể thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu đến từ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Đại diện Văn phòng KOICA Việt Nam, Phó giám đốc quốc gia Yang Seo Hyeon, ông Kim Sun-Tae, Chủ tịch Siloam Foundation, ông Choi Dong Ic, Phó chủ tịch Siloam International và hơn 30 đại biểu đến từ Hàn Quốc cũng đã tham dự chương trình để chia vui cùng Hội Người mù Việt Nam.
Ảnh: Lễ khai trương nhận được sự quan tâm, tham dự và cổ vũ của đông đảo khách mời.
Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam hy vọng: Quán cà phê này không chỉ là một địa điểm để thưởng thức những ly đồ uống thơm ngon, mà còn thể hiện sự sáng tạo, ý chí vượt khó, khát vọng hòa nhập xã hội của người khiếm thị, đồng thời, là nơi gắn kết người khiếm thị với cộng đồng. Tôi mong rằng mỗi vị khách đến đây sẽ cảm nhận được sự chân thành, nhiệt huyết và sự nỗ lực của các nhân viên, từ đó, sẽ cùng lan tỏa những giá trị tích cực và niềm tin vào khả năng của người khiếm thị”.
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc chương trình.
Phát biểu tại lễ khai trương, bà Yang Seo Hyeon, Phó giám đốc quốc gia, đại diện Văn phòng KOICA Việt Nam, bày tỏ vui mừng trước sự nỗ lực, phối hợp của Hội Người mù Việt Nam và Siloam International cũng như sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, đoàn thể đã mang đến những thành công bước đầu của dự án như ngày hôm nay. Quán cafe More Hanoi không đơn thuần là một quán cafe, đó là sự khởi đầu, là nền tảng để những hoạt động hỗ trợ người khiếm thị vừa được đào tạo lại được tạo việc làm và đóng góp cho xã hội sẽ được tiếp tục thực hiện trong tương lai.
Ảnh: Bà Yang Seo Hyeon, Phó giám đốc quốc gia, đại diện Văn phòng KOICA Việt Nam phát biểu tại lễ khai trương.
Quán Cafe More Hanoi được mở tại số 1 Nguyễn Thị Duệ, quận Cầu Giấy, thuộc khuôn viên của Trung tâm đào tạo cán bộ và PHCN cho người mù. Không gian thân thiện, ấm áp và tràn đầy sắc xanh của quán khiến cho bất cứ thực khách nào cũng tìm thấy sự thư thái và gần gũi. Đặc biệt, các bạn trẻ khiếm thị đã cẩn thận đong, đo, đếm từng loại nguyên liệu để chế biến thành những món đồ uống đúng vị. Mỗi li cà phê, mỗi món đồ uống đều chứa đựng sự nỗ lực, tình cảm của các nhân viên, đồng thời cũng là thông điệp về tình yêu thương và niềm tin vào khả năng của người khiếm thị.
Ảnh: Đội ngũ nhân viên pha chế và phục vụ của quán ra mắt tại lễ khai trương.
Lê Anh Phương, nhân viên quầy pha chế quán CafeMore Hanoi chia sẻ: “Trải qua khoá học và suốt thời gian thực hành vừa qua, em thực sự thích nghề này và khi quán CafeMore Hanoi đăng tuyển nhân viên em đã ứng tuyển và tham gia phỏng vấn ngay từ đầu. Em rất vui mừng vì mình đã được nhận vào đây để làm việc mặc dù công việc không hề dễ dàng với người khiếm thị nhưng em tin với kỹ năng mình đã được học và rèn luyện bấy lâu nay, em hoàn toàn có thể pha chế được những món đồ uống làm hài lòng khách hàng.”
Việc khai trương quán Cafe More không chỉ góp phần tạo việc làm cho các học viên, mà còn nâng cao nhận thức của cộng đồng, khẳng định người khiếm thị hoàn toàn có thể làm việc với các ngành nghề khác nhau nếu được đào tạo và trao cơ hội.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” do Hội Người mù Việt Nam triển khai với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International từ nguồn kinh phí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Mục tiêu của dự án là đào tạo 36 người khiếm thị thông qua 6 khoá học trong 3 năm từ năm 2024 – 2026 và mở 3 quán cafe, mang đến môi trường làm việc nhân văn và chuyên nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm bền vững cho người khiếm thị.
Trong 2 năm 2023 và 2024, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù đã tổ chức đào tạo nghề pha chế cho 12 học viên. Đây là lần đầu tiên người khiếm thị tại Việt Nam được tiếp cận với các khoá đào tạo nghề bài bản trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại lễ khai trương, đồng chí Phạm Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ và PHCN cho người mù cho biết: Trải qua khoá đào tạo trong 16 tuần với đầy đủ kiến thức về lý thuyết và thực hành, các học viên đã được huấn luyện chuyên sâu về các kỹ năng pha chế từ cơ bản đến nâng cao cùng với các kỹ năng chăm sóc khách hàng và các kĩ năng xã hội khác, giúp họ có thể tự tin làm việc trong môi trường thực tế. Đồng chí cũng tin tưởng rằng cafe More Hanoi sẽ lan tỏa niềm yêu thích nghề pha chế đến những người khiếm thị khác, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị Việt Nam.
Ảnh: Những thực khách đầu tiên oder đồ uống tại quầy tiếp đón của quán.
Việc đào tạo nghề và tạo việc làm trong lĩnh vực pha chế đồ uống cho người khiếm thị không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các học viên mà còn tác động tích cực đến xã hội nói chung. Đối với các học viên, họ không chỉ được học một nghề mới mà còn được học các kĩ năng mềm, có cơ hội phát triển bản thân, cải thiện cuộc sống và tự lập về tài chính. Đồng thời, quán CafeMore cũng sẽ trở thành mô hình kinh doanh sáng tạo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và góp phần nâng cao nhận thức xã hội về người khiếm thị.
Ảnh: Đại diện các Bộ, ngành, tổ chức cắt băng khánh thành quán Cafe More Hanoi.
Mặc dù nghề pha chế đồ uống là một nghề mới mẻ đối với người khiếm thị Việt Nam, nhưng với nhu cầu thưởng thức đồ uống ngày càng tăng trong xã hội, sự phù hợp về sức khỏe và khả năng của người khiếm thị đối với công việc này; sự thành công của các khóa đào tạo mà Hội và Trung tâm đã tổ chức cùng kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia như Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia… đã tiếp thêm động lực để Hội thực hiện và phát triển dự án, mở ra cánh cửa nghề nghiệp mới, giúp người khiếm thị nâng cao khả năng tự lập và hòa nhập xã hội.
Đời mới