Ảnh bìa

Công tác dạy nghề và việc làm cho người mù tại Bangladesh

Là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời nằm ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, với dân số 169,8 triệu người, Bangladesh nằm trong top 8 nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, những chính sách về việc làm đặc biệt là dạy nghề và tạo việc làm với nghề massage cho người khiếm thị tại quốc gia này vẫn còn mới mẻ và gặp nhiều khó khăn.

Với tổng diện tích 148.460 km2, đất nước Bangladesh không chỉ có ánh nắng mặt trời lấp lánh trên những dòng sông rợp bóng cây xanh và những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn có nhiều cảnh sắc cùng công trình kiến trúc cổ đại có giá trị lịch sử và khảo cổ học.

 Tại Bangladesh hiện có khoảng 7,5 triệu người khiếm thị và Bộ Phúc lợi Xã hội là cơ quan chịu trách nhiệm chính về các hoạt động phúc lợi cho họ. Bộ điều hành một số trung tâm giáo dục và phục hồi chức năng cho người khiếm thị. Bộ này cũng chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực khiếm thị. Bộ Phúc lợi Xã hội Bangladesh cam kết đảm bảo cơ hội bình đẳng và sự tham gia đầy đủ cho người khuyết tật trong đó có người khiếm thị. Chính phủ Bangladesh đã ban hành “Đạo luật bảo vệ và quyền của người khuyết tật năm 2013”, “Đạo luật bảo vệ và quyền của người khuyết tật 2015” và “Kế hoạch hành động năm 2019 về quyền và bảo vệ người khuyết tật.” Trong các văn bản này, chính phủ bảo vệ và đảm bảo quyền của những người khuyết tật, người  khiếm thị. Bangladesh cũng đã thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) vào ngày 3/5/2008.

Ở Bangladesh, "Giáo dục phổ cập" là điều bắt buộc. Quyền được giáo dục là quyền cơ bản của con người và trẻ em khiếm thị phải có cơ hội như mọi trẻ em khác. Theo đó, có 5 trường dành cho người khiếm thị ở 5 thành phố trực thuộc trung ương và 64 trường học hòa nhập dành cho người khiếm thị do nhà nước quản lý ở 64 quận.  Hơn 1500 trẻ em mù và nhìn kém đã được học tại các trường do các tổ chức phi chính phủ điều hành.

Hầu hết những người có học thức tại Bangladesh đều cho rằng massage giúp duy trì và cải thiện sức khỏe con người. Nhưng tại nước này, Trung tâm Dạy nghề cho Người khiếm thị là nơi duy nhất đào tạo nghề massage cho người khiếm thị và mới bắt đầu đào tạo massage y học cho người khiếm thị từ năm 2003 với sự hỗ trợ của JOCV – chương trình tình nguyện viên hợp tác hải ngoại Nhật Bản và một giảng viên khiếm thị người Bangladesh được đào tạo ở Nhật Bản.

Sau khi được đào tạo, các kỹ thuật viên massage sẽ làm việc riêng lẻ tại địa phương của mình mà không làm việc theo nhóm.

Để nâng cao nhận thức xã hội, Hội Người mù Bangladesh đã tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức trên các phương tiện báo chí và truyền thông điện tử cũng như trong cộng đồng. Hội cũng tìm kiếm cơ hội làm việc cho hội viên trong các công ty hoặc tổ chức nơi có thể thực hiện liệu pháp massage. Hội cũng chia sẻ thông tin từ các nước phát triển trong lĩnh vực massage, về tiến độ nghiên cứu massage chăm sóc sức khoẻ, thiết bị massage qua mạng, các trang internet, ấn phẩm của các tạp chí chuyên ngành massage.

Một bộ phận xã hội Bangladesh chưa hiểu rõ về đào tạo massage bởi nhận thức về khuyết tật còn thấp. Họ không tin rằng kỹ thuật viên massage khiếm thị có thể làm massage tốt như người không khuyết tật. Để nâng cao nhận thức, Hội Người mù Bangladesh đã tổ chức các buổi học về massage và trình diễn phương pháp massage trong các lễ hội văn hóa.

Ở Bangladesh, hầu hết người khiếm thị đều thất nghiệp. Rất ít người khiếm thị có việc làm và họ làm các công việc như: giáo viên, giảng viên tại các trường, trung tâm đào tạo người khiếm thị, trực điện thoại và lễ tân hoặc luật sư, nhà quản lý và điều hành tại các tổ chức phi chính phủ, cơ quan thuộc chính phủ hoặc ngân hàng tư nhân. Ngoài ra, cũng có người khiếm thị làm công nhân trong các ngành công nghiệp, nhân viên kinh doanh, buôn bán nhỏ

Bangladesh có quy định về tỉ lệ việc làm cho người khuyết tật trong khu vực nhà nước nhưng việc triển khai chính sách này vẫn còn rất chậm.

Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) đang hoạt động trong lĩnh vực khuyết tật đã đưa vấn đề thúc đẩy việc làm bền vững cho người khiếm thị vào chương trình vận động chính sách của mình. Họ cũng đang cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 bùng nổ vào tháng 3 năm 2020 đã tác động đáng kể đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau trên thế giới, bao gồm cả ngành massage. Chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus và ra lệnh giãn cách xã hội. Việc phong toả, các biện pháp giãn cách xã hội và lo ngại lây truyền virus đã khiến nhu cầu về dịch vụ massage bị giảm sút nghiêm trọng. Trong ngành massage, nhiều người như các nhà vật lý trị liệu, các nhà cung cấp dịch vụ châm cứu và xoa bóp cần tiếp xúc gần với bệnh nhân, do đó họ cũng không được phép thăm khám trực tiếp. Tuy nhiên, tình hình được cải thiện vào giai đoạn hậu Covid. Việc tăng cường tập trung vào sức khỏe, tinh thần và phục hồi chức năng sau COVID, cùng với các quy trình an toàn phù hợp và phát triển chuyên môn, có thể góp phần vào sự hồi sinh của ngành và cung cấp cho các cá nhân những lợi ích trị liệu của liệu pháp massage trong thời kỳ hậu đại dịch.

Để phát triển ngành massage nói riêng và tăng cường cơ hội việc làm cho người khiếm thị, Hội Người mù Bangladesh xác định thái độ chưa phù hợp của một bộ phận người dân, trong đó bao gồm cả chính người khiếm thị là một trong những rào cản quan trọng trong việc tự lực cánh sinh của họ. Hội cũng chủ trương giới thiệu Khóa đào tạo massage y học kéo dài 3 hoặc 4 năm tại các Trung tâm dạy nghề và Trường dành cho người khiếm thị khác nhau; vận động để quy định tỉ lệ việc làm trong khu vực tư nhân và thực hiện tỉ lệ việc làm cho người khiếm thị trong khu vực nhà nước sớm đi vào thực tiễn. Ngoài ra, việc vận động chính phủ và ngân hàng tư nhân và các tổ chức tài chính cung cấp hỗ trợ tài chính sẵn có cho hoạt động kinh doanh của người khiếm thị cũng là một hoạt động quan trọng.

Chính phủ Bangladesh đã khởi xướng một cuộc khảo sát toàn diện về người khuyết tật nhằm đưa ra các chính sách phù hợp. Hy vọng trong tương lai, với việc tạo điều kiện của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức tư nhân và đặc biệt là nỗ lực từ phía người khiếm thị thì ngành massage y học sẽ được cải thiện và phát triển hơn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người khiếm thị tại đất nước Bangladesh.