Diễn đàn cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 12
Với chủ đề “Thành phố thông minh bền vững cho người mù, với người mù và bởi người mù”, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 12 vừa được tổ chức song song với Hội nghị thường niên lần thứ 27 của Hội Người mù Thái Lan từ ngày 24 đến ngày 28/4/2024 tại thành phố Rayong, tỉnh Rayong, Thái Lan.
Tham dự diễn đàn có bà Phannisa Nirattiwongsakorn – đại diện Chương trình Định cư con người của Liên hiệp quốc - UNHABITAT, Ban Thư kí ASEAN, các tổ chức, tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế, kĩ thuật công nghệ. Cùng với đại diện Hội Người mù các nước trong khu vực gồm: Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Đông Timorr, đoàn đại biểu Hội Người mù Việt Nam có 12 thành viên đến từ TW Hội và các Tỉnh hội: Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Sóc Trăng, do bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn. Sự kiện cũng được phát trực tuyến trên nền tảng Facebook.
Ảnh: Đoàn đại biểu Hội Người mù Việt Nam tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Ekkamol Phaetthayanan –Chủ tịch Hội Người mù Thái Lan nhấn mạnh: “Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN được tổ chức hàng năm nhằm tạo cơ hội cho các Hội, các tổ chức của và vì người mù ở các nước ASEAN chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động; đồng thời, cùng trao đổi về thực trạng và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sự bình đẳng, hòa nhập của người mù trong khu vực.” các đại biểu tham dự cũng đã dành phút mặc niệm Thượng nghị sĩ Quốc hội Thái Lan Monthian Buntan, Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN, nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào người khuyết tật trong khu vực và thế giới vừa mới qua đời vào tháng 3/2024.
Ảnh: Đại diện ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam.
Các đại biểu đã cùng lắng nghe Bài phát biểu quan trọng về “Thành phố thông minh toàn diện ASEAN, từ Chính sách đến Thực tiễn” của đại diện Ban Thư ký ASEAN. Bên cạnh đó, phần chia sẻ của 3 diễn giả: bà Phannisa Nirattiwongsakorn – đại diện Chương trình Định cư con người của Liên hiệp quốc - UN HABITAT (cơ quan thúc đẩy xây dựng thành phố bền vững về xã hội và môi trường), ông Non Arkaraprasertkul – đại diện Tổ chức thúc đẩy Kinh tế số, bà Ajcharinthorn Rujiarriyasasikul – đại diện Tập đoàn Sharp đã nêu lên tầm quan trọng của việc phát triển thành phố thông minh, những yếu tố cần hướng tới như: quản trị thông minh, môi trường thông minh, kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh … và giải pháp đối với từng yếu tố nhằm đạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.Các đại biểu cũng đã thảo luận rất sôi nổi về những mong muốn của người khiếm thị đối với việc phát triển thành phố thông minh, đặc biệt là cần xây dựng những công dân khiếm thị thông minh, có kiến thức, kĩ năng và điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin cùng các dịch vụ hiện đại để sống tự lập và tham gia đầy đủ vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội. Muốn vậy, cần kiến nghị với Nhà nước để có những chính sách và sự hỗ trợ phù hợp đối với người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng.
Bên cạnh chủ đề chính, tại diễn đàn, đại diện Hội Người mù các nước đã báo cáo các hoạt động trong năm qua. Nhìn chung, Hội Người mù các nước đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động phong phú và thiết thực như: Hội Người mù Thái Lan đăng cai tổ chức thành công Đại hội giữa nhiệm kì Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với sự tham gia của gần 400 đại biểu; tiếp tục hoàn thiện phần mềm chuyển đổi chữ Braille Tiếng Thái Lan; Hội cũng đã tổ chức cuộc thi Đọc, viết chữ Braille lần thứ 27, bao gồm phần thi đọc, viết chữ Braille văn bản và kí hiệu toán bằng tiếng Anh, Tiếng Thái Lan dành cho đối tượng từ học sinh tiểu học đến người lớn; phần thi đọc tiếng Trung Quốc cũng được tổ chức nhằm thúc đẩy việc học ngôn ngữ này trong toàn quốc; cùng với các thí sinh là người khiếm thị còn có cả các thí sinh là người sáng mắt tham gia cuộc thi…
Hội Người mù Malaysia và Hội đồng quốc gia dành cho người mù Malaysia đã nỗ lực vận động, từ đó, Ngân hàng Trung ương đã ban hành chính sách mới về tiếp cận tài chính đối với người khuyết tật và người dễ bị tổn thương, trong đó có người mù; tham gia xây dựng Bộ kí hiệu chữ Braille mới dành cho tiếng Malaysia, phối hợp nghiên cứu máy hiển thị chữ Braille phục vụ các lớp học từ xa, tổ chức đào tạo cho nhân viên các hãng hàng không nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ người mù … Hội Người mù Philippines phối hợp phát triển hệ thống Bookshare; hỗ trợ điện thoại thông minh cho hội viên, xây dựng các audio mô tả các hình ảnh trên video để người mù có thể tiếp cận…
Mặc dù tình hình chính trị, xã hội Myanmar còn phức tạp, một số vùng vẫn diễn ra nội chiến nhưng Hội Người mù Myanmar cũng đã cố gắng tổ chức thành công đại hội nhiệm kì 2024 – 2028; mở các lớp tập huấn kĩ năng tư vấn tâm lí, tập huấn và xây dựng tài liệu phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ tài chính cho hội viên khó khăn…
Thay mặt Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội đã báo cáo tình hình hoạt động năm 2023. Theo đó, bên cạnh các hoạt động thường xuyên về củng cố, phát triển tổ chức, lao động sản xuất, tuyên truyền, văn hóa, giáo dục, Hội đã tổ chức một số hoạt động nổi bật như: Tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư thực hiện sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” với hơn 28.600 cây gậy trắng đã được trao tặng cho người mù cả nước và một số người đồng tật trong khu vực; nhiều dự án hợp tác quốc tế được triển khai. Sau rất nhiều nỗ lực của Hội cùng chung tay với các cơ quan quản lí nhà nước, các tổ chức trong nước, tổ chức quốc tế và các chuyên gia, tháng 3/2023, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước Marrakesh. Hội cũng đã tổ chức thành công Hội thảo Massage người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ ngày 7 – 9/9/2023 tại Hà Nội với sự tham dự của gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 11, Hội cũng đã phối hợp với Hội đồng quốc gia dành cho người mù Malaysia tổ chức thành công diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Chữ Braille và công nghệ thông tin nâng cao cơ hội việc làm cho người mù”…
Năm 2024 là năm đánh dấu 200 năm ra đời của Hệ thống chữ Braille. Trong khuôn khổ của diễn đàn, đại diện Hội Người mù các nước đã giới thiệu hệ thống kí hiệu chữ Braille của ngôn ngữ đất nước mình để các đại biểu tham dự cùng học hỏi và trao đổi. Các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận kế hoạch hợp tác giữa Hội Người mù các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy việc tiếp cận cho người mù trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, các đại biểu đã thống nhất tổ chức diễn đàn online về tiếp cận các dịch vụ tài chính vào khoảng tháng 01/2025.
Song song với Diễn đàn Cộng đồng Người mù ASEAN, các đại biểu có điều kiện tham dự Hội nghị thường niên của Hội Người mù Thái Lan với sự hiện diện của đại diện Bộ Phát triển xã hội và An ninh con người, chính quyền tỉnh Rayong, lãnh đạo các cấp Hội, khoảng 800 người mù tham dự trực tiếp và rất nhiều người theo dõi trực tuyến. Cùng với nội dung tổng kết hoạt động Hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, có rất nhiều phiên họp song song với các chủ đề phong phú như: thúc đẩy du lịch tiếp cận; an ninh mạng, đặc biệt là an ninh tài chính; diễn đàn thanh niên, phụ nữ, công nghệ thông tin, cuộc thi âm nhạc …
Thay mặt các đoàn đại biểu quốc tế phát biểu tại hội nghị, bà Đinh Việt Anh đã chúc mừng những thành tựu của Hội Người mù Thái Lan trong năm 2023. Bà cũng bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực, tâm huyết của Ban Tổ chức và toàn thể đại biểu, Hội sẽ tổ chức thành công Hội nghị thường niên cũng như tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên và có những đóng góp quan trọng cho các phong trào chung vì sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của người mù trong khu vực.
Ảnh: Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN và Hội nghị thường niên của Hội Người mù Thái Lan, các đại biểu Hội Người mù Việt Nam đã tích cực trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, góp phần xây dựng cộng đồng người mù trong khu vực đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội để các đại biểu nắm bắt thêm nhiều thông tin, kiến thức, áp dụng vào các mặt hoạt động Hội, từ đó, góp phần cùng toàn Hội giúp người mù Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn, phát huy khả năng vươn lên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và hội nhập quốc tế, hòa nhịp với phong trào chung của người mù, người khuyết tật trong khu vực và thế giới.
Tuấn Minh