Ảnh bìa

Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 9

Vừa qua, Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 9 đã được Hội Người mù Thái Lan tổ chức với hình thức hội nghị trực tuyến. Tham dự diễn đàn có ông Monthian Buntan, Ủy viên Ủy ban Quyền của người khuyết tật của Liên hiệp quốc, Ủy viên Ủy ban Lập pháp của Quốc hội Thái Lan; bà Rebecca Aaberg, chuyên gia cao cấp Tổ chức quốc tế về hệ thống bầu cử và các đại biểu đại diện Hội Người mù thuộc 7 quốc gia trong khu vực bao gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Xây dựng lại một thế giới hậu COVID-19 tốt đẹp hơn, hướng tới sự hoà nhập, tiếp cận và bền vững cho người khuyết tật”. Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Monthian Buntan nhấn mạnh: “Hiện nay, tất cả các nước ASEAN đều đã phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của người khuyết tật, trong đó, đã quy định: Người khuyết tật được tôn trọng phẩm giá, được bảo đảm quyền và tham gia đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, đây là một quá trình hết sức lâu dài và khó khăn; và điều này càng trở nên khó khăn hơn khi có thêm tác động của đại dịch COVID – 19. Chúng ta chỉ mới ở bước đầu tiên của quá trình xây dựng một thế giới hòa nhập, tiếp cận và bền vững cho người khuyết tật. Điều chúng ta cần trước hết là người khuyết tật được nhận diện, được đề cập trong các văn bản chính sách, pháp luật. Tôi hi vọng Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN là một kênh hiệu quả để bày tỏ những nhu cầu, nguyện vọng của người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung đến các Chính phủ trong khu vực”

          Diễn đàn đã dành nhiều thời gian thảo luận về những khó khăn và quá trình giúp người khiếm thị ứng phó với đại dịch COVID – 19 ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới. Các đại biểu đều cho rằng: đại dịch COVID – 19 đã tạo ra một bối cảnh mới mà bản thân những người hoạch định chính sách cũng gặp khó khăn, lúng túng trong việc hỗ trợ cho người khuyết tật.

Bởi vậy, những người khuyết tật cần phát huy vai trò chủ động tham mưu, đề đạt với Chính phủ và các cơ quan chức năng cùng các tổ chức, cá nhân hảo tâm về từng vấn đề cụ thể để họ hỗ trợ giải quyết những khó khăn của mình và tổ chức mình một cách hiệu quả nhất.

Năm 2021 cũng là năm bản lề thực hiện Kế hoạch tổng thể của ASEAN đến năm 2025 về lồng ghép quyền của người khuyết tật; chuẩn bị tổng kết thập kỉ về người khuyết tật khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2013 – 2022 nên tiếng nói của người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật càng trở nên quan trọng. Các đại biểu cũng nhất trí cao về việc kiến nghị thành lập Ủy ban về quyền của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN để các hoạt động bảo đảm quyền của người khuyết tật trong khu vực được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

          Tại diễn đàn, Hội Người mù các nước cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và các hoạt động nổi bật của tổ chức mình trong 01 năm qua. Trong đó, Hội Người mù Thái Lan đã thành lập Trung tâm Cứu hộ, ứng phó với COVID – 19; xây dựng thêm kênh phát thanh bằng tiếng Anh trên radio; tổ chức đào tạo lập trình cho người khiếm thị trẻ…

Hội Người mù Malaysia tham mưu xây dựng quy trình kĩ thuật và tiêu chuẩn an toàn cho dịch vụ massage; từ đó, đã được Chính phủ đồng ý cho mở cửa các phòng dịch vụ trở lại từ ngày 02/7/2020; tổ chức đào tạo về tiêu chuẩn tiếp cận Websites cho các doanh nghiệp, đề xuất Chính phủ bố trí thời lượng dạy học cho người khuyết tật trên kênh TV… Hội Người mù Mianmar tuy gặp rất nhiều khó khăn từ cả đại dịch COVID – 19 và những khủng hoảng chính trị trong nước nhưng vẫn nỗ lực tổ chức đào tạo công nghệ thông tin và hỗ trợ đời sống cho hội viên…

          Đại diện Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội cũng đã báo cáo các hoạt động nổi bật của Hội như: tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước và Lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Tạp chí đời Mới. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam”; phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc cho người khiếm thị. Hội cũng đã tổ chức thành công Hội thi Tin học dành cho người mù toàn quốc lần thứ II; phối hợp xây dựng phần mềm và tổ chức đào tạo nghề Dán nhãn dự liệu cho người khiếm thị.

Về việc thúc đẩy nhà nước Việt Nam gia nhập Hiệp ước Marrakesh, Hội đã gửi công văn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện một số nội dung nhằm thúc đẩy Việt Nam gia nhập Hiệp ước. Việc xây dựng hồ sơ gia nhập Hiệp ước cũng đã được đưa vào Phụ lục văn bản trong Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”.

Đặc biệt, Hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện “Hướng tới sự bình đẳng, tiến bộ, hòa nhập cho người mù khu vực ASEAN” nhân ngày “An toàn của cây gậy trắng” năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Chủ trương này đã được Ban Bí thư TW Đảng đồng ý nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19 nên hoạt động này phải chuyển sang năm 2021.

Hội mong muốn nhận được sự ủng hộ của Cộng đồng người mù ASEAN để hoạt động này được triển khai phù hợp, an toàn và hiểu quả. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá cao tinh thần đoàn kết và kết quả phòng chống dịch bệnh COVID – 19 của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, cũng như những bước tiến mới trong hoạt động của Hội; đồng thời, mong muốn Hội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, tích cực đóng góp vào phong trào chung của người mù, người khuyết tật khu vực và thế giới.

Đây là lần thứ hai Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN được tổ chức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19. Dù vậy, các đại biểu đã tham gia thảo luận hết sức sôi nổi, tiếp tục mang lại một diễn đàn thành công và ý nghĩa. Các đại biểu cũng đã thống nhất tổ chức thêm các hoạt động kết nối, các cuộc họp, các câu lạc bộ online nhằm mở ra những cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực, hướng tới xây dựng một Cộng đồng người mù ASEAN đoàn kết, hữu nghị và ngày càng phát triển vững mạnh.

                                      Tuấn Minh