Ảnh bìa

Giao lưu âm nhạc Việt Nam – Hàn Quốc “Kết nối yêu thương”

Tối 12/10/2022, Trung ương Hội phối hợp với Tổ chức Siloam (Hàn Quốc) tổ chức chương trình giao lưu âm nhạc “Kết nối yêu thương” tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội do các nghệ sĩ khiếm thị Việt Nam và Hàn Quốc biểu diễn. Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 – 22/12/2022).

Tham dự sự kiện có ông Lee Kyoung-Dock, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, bà Lee Yoonha, Bí thư thứ hai - Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các đồng chí Lâm Văn Đoan - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội - Quốc hội, Lê Khánh Lương – Quyền vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTB&XH; Nguyễn Thị Kiều Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Nhân dân, Ban Đối ngoại Trung ương; Đào Duy Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, văn phòng Chính phủ; Trần Hải Vân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hoá thể Thao và Du lịch, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức quốc tế, các trường học trên địa bàn Hà Nội cùng lãnh đạo Trung ương Hội, Tổ chức Siloam, Ban Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù và lãnh đạo, hội viên Thành hội Hà Nội, Tỉnh hội Bắc Ninh.

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam nhấn mạnh: âm nhạc có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người khiếm thị. Âm nhạc góp phần tạo nên niềm vui, sự lạc quan, khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, âm nhạc đưatráitim đến với trái tim, giúp người khiếm thị xích lại gần nhau hơn, giúp cộng đồng hiểu thêm và xích lại gần hơn với người khiếm thị. Những tiết mục đặc sắc tại chương trình sẽ góp phần lan tỏa niềm lạc quan, những giá trị tích cực trong xã hội, kết nối yêu thương, vun đắp tình hữu nghị của người khiếm thị và nhân dân hai nước.

Ảnh: Đồng chí Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại buổi giao lưu.

Đồng chí Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Trong 30 năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã được Chính phủ và nhân dân hai nước quan tâm, thúc đẩy, đạt được những thành tựu to lớn. Trong lĩnh vực giao lưu văn hóa, hai nước đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. "Trong bối cảnh đó, Chương trình giao lưu âm nhạc Việt Nam - Hàn Quốc “Kết nối yêu thương” ngày hôm nay là một minh chứng sống động cho tinh thần giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân thắm tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc", Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Trần Hải Vân bày tỏ.

Ảnh: Ông Choi Dong-Ik Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam chia sẻ tại buổi giao lưu.

Đoàn các nghệ sĩ khiếm thị Hàn Quốc sang Việt Nam biểu diễn giao lưu lần này có 25 thành viên gồm các nhạc công, ca sĩ biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc. Hai đoàn nghệ thuật đã có 4 tiết mục biểu diễn chung và mỗi đoàn 3 tiết mục riêng tại buổi giao lưu.

Ảnh: Ông Lee Kyoung-Dock, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại buổi giao lưu.

Đoàn nghệ sĩ khiếm thị Hàn Quốc đã mở đầu chương trình giao lưu âm nhạc với các tiết mục: hoà tấu “Sin Cheon-nyeon-Man-se” nghĩa là “Ngàn năm trường thọ”, là một ca khúc nhạc thính phòng truyền thống gồm ba bài hát để cầu nguyện cho sự trường thọ. Tiết mục “Beom Nae Ryeo-on-da” (tạm dịch là Hổ xuống núi) thuộc loại hình âm nhạc truyền thống lâu đời, độc đáo của Hàn Quốc và nổi tiếng trên thế giới là Trường ca hát kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca). Và tiết mục biểu diễn nhạc cụ “Chun Ji In” với nhạc cụ bộ gõ thường được sử dụng để thể hiện các hiện tượng tự nhiên như gió, chớp, mưa, mây. 3 tiết mục do Ban nhạc Nắng mới của Hội Người mù Việt Nam biểu diễn gồm Bài hát Hello Việt Nam; Tiết mục hoà tấu đàn bầu “Buổi sáng trên sông Hương” và tiết mục Độc tấu sáo trúc “Rondo Alla Turka - Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” – Một sáng tác của nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart.

Ảnh: Tiết mục hoà tấu “Sin Cheon-nyeon-Man-se” nghĩa là “Ngàn năm trường thọ”

Ảnh: Liên khúc Dân ca ba miền được cả hai đoàn biểu diễn chung.

4 tác phẩm biểu diễn chung của hai đoàn nghệ sĩ gồm 2 tác phẩm âm nhạc của Việt Nam: Lưu thủy kim tiền, xuân phong long hổ và Liên khúc dân ca ba miền; 2 tác phẩm của Hàn Quốc gồm tiết mục “San-chaek” và bài hát “Arirang”.

Ảnh: Bài hát “Arirang” được cả hai đoàn nghệ sĩ biểu diễn chung trên cùng sân khấu.

Hai đoàn nghệ sĩ đã mang đến một không gian nghệ thuật đặc sắc, chứa đựng nét đặc trưng văn hóa của hai quốc gia, trong đó, có những thể loại âm nhạc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chương trình cũng đã thể hiện tài năng, sự đam mê, nhiệt huyết của các nghệ sĩ khiếm thị, để lại nhiều cung bậc cảm xúc  và những dấu ấn khó quên trong lòng các đại biểu và khán, thính giả tham dự.

Ảnh: Đại diện Trung tâm Siloam trao biển tượng trưng hợp tác dự án năm 2022 với Hội Người mù Việt Nam.

Ngoài buổi biểu diễn giao lưu với đoàn các nghệ sĩ khiếm thị Việt Nam, các nghệ sĩ khiếm thị Hàn Quốc có các buổi biểu diễn tại Trung tâm Đào tạo Phục hồi chức năng cho người mù (sáng 11/10), Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (tối 11/10) Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (chiều 14/10) và Học viện Phụ nữ Việt Nam (tối 14/10).   

         

Ảnh: Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, Trung ương Hội, Trung tâm Siloam và hai đoàn nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm.                           

Trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động trong nước, Hội Người mù Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó, Tổ chức Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người mù Việt Nam trong học tập, dạy nghề, giao lưu âm nhạc.

Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Siloam dành cho người mù (Hàn Quốc) đã ký kết với Trung ương Hội chương trình hỗ trợ máy in chữ nổi, in sách giáo khoa chữ nổi, đào tạo massage, vận hành thư viện trực tuyến cho người mù, giao lưu âm nhạc trực tuyến giữa người khiếm thị Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Các hoạt động trong khuôn khổ dự án đã giúp các em học sinh khiếm thị giảm bớt khó khăn và học tập tốt hơn, giúp những kỹ thuật viên massage có nhiều kỹ năng để áp dụng trong công việc; đồng thời, giúp người khiếm thị có cơ hội giao lưu, chia sẻ và hội nhập quốc tế.

Cũng tại buổi giao lưu âm nhạc, đại diện Trung tâm Siloam đã trao biển tượng trưng hợp tác dự án năm 2022 với Hội Người mù Việt Nam về các hoạt động in ấn sách giáo khoa chữ nổi, hỗ trợ trẻ em khiếm thị và xây dựng thư viện trực tuyến trên điện thoại thông minh cho người mù.

Một số hình ảnh các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu:

Đời mới