Ảnh bìa

Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị

Hội thảo Khu vực về Việc làm năm 2024 với chủ đề: “Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị" được tổ chức tại thủ đô Hà Nội trong hai ngày 3,4/12.

Tham dự hội thảo có đồng chí Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội; đồng chí Đào Trọng độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, đồng chí Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức của và vì người khuyết tật, các doanh nghiệp của 3 nước: Việt Nam, Indonesia, Philippines  cùng các chuyên gia đến từ các nước trên thế giới.

Ảnh: Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tiếp nối các hội thảo, diễn đàn về việc làm đã được tổ chức tại các nước trong khu vực, hội thảo năm nay do Hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn vì người mù Sao Mai tổ chức đúng vào ngày Quốc tế người khuyết tật mang một thông điệp mạnh mẽ khẳng định những nỗ lực và đóng góp của người khuyết tật trong việc tham gia đầy đủ vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc làm. Đồng thời, hội thảo cũng nhằm tiếp tục chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đề ra các giải pháp, hướng đi chung giúp người khiếm thị nâng cao năng lực và cơ hội việc làm.

Ảnh: Toàn cảnh hội thảo.

Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra 7 phiên làm việc gồm các diễn đàn của doanh nghiệp, thanh niên khiếm thị, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội và các bậc phụ huynh, báo cáo nghiên cứu về việc làm. Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, Hội đồng quốc tế về giáo dục cho người khiếm thị (ICEVI), Nippon Foundation, Mitra Netra Foundation, Resources for the Blind Inc cùng các tổ chức, đại diện doanh nghiệp đến từ Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ cùng thảo luận về chính sách việc làm, những thách thức khi tuyển dụng người lao động khiếm thị, giải pháp nâng cao hiệu quả khi tìm kiếm việc làm của người khiếm thị; xác định vai trò của các tổ chức xã hội cùng các bậc phụ huynh và báo cáo về tình hình việc làm của người khiếm thị tại 3 quốc gia: Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong việc tạo việc làm cho người khiếm thị tại 3 quốc gia nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, rào cản như hạn chế tiếp cận đào tạo nghề chuyên sâu, thiếu cơ hội việc làm và định kiến xã hội vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Hội thảo này là một cơ hội quý báu để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề quan trọng và đề xuất các sáng kiến nhằm thúc đẩy việc làm hòa nhập cho người khiếm thị. Tôi tin rằng với sự tham gia tích cực của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và chính những người khiếm thị, cùng với nhiệt huyết, sự tận tâm và chuyên môn vững vàng, tất cả quý vị sẽ đóng góp ý nghĩa vào các cuộc thảo luận và đề xuất các giải pháp khả thi nhằm mở rộng cơ hội việc làm, giúp người khiếm thị khẳng định bản thân trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, hòa nhịp và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội cho rằng sáng kiến tổ chức hội thảo đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị không chỉ tại Việt Nam, Indonesia, Philippines mà còn trong cả khu vực ASEAN. Đồng chí cũng khẳng định: việc nâng cao năng lực cho người khiếm thị thông qua tạo việc làm không chỉ là trách nhiệm mà còn mang ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc. Từng cơ hội được trao sẽ không chỉ thay đổi cuộc sống của một cá nhân, mà còn tác động tích cực đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Cũng ngay tại phiên khai mạc, Tiến sĩ Mani Narasimhan Guruswamy Mani Giám đốc điều hành - Hội đồng Quốc tế về giáo dục cho người khiếm thị (ICEVI) đã chia sẻ mô hình chuyển đổi từ giáo dục bậc cao sang chương trình việc làm nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường thông qua việc trang bị kỹ năng mềm và công nghệ thông tin.

Ảnh:  Tiến sĩ Mani Narasimhan Guruswamy Mani Giám đốc điều hành - Hội đồng Quốc tế về giáo dục cho người khiếm thị (ICEVI) phát biểu tại hội thảo.

Thạc sĩ Aria Indrawati, Chủ tịch Hội Người mù Indonesia (Pertuni), Chủ tịch tổ chức Mitra Netra cũng đã chia sẻ về quá trình thực hiện và những kết quả của dự án việc làm của tổ chức Mitra Netra và các đối tác tại khu vực.

Ảnh: Diễn đàn dành cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và tổ chức hỗ trợ người khiếm thị.

Sau phiên khai mạc, các phiên trao đổi, diễn đàn của doanh nghiệp do người khiếm thị điều hành, có người khiếm thị làm việc hoặc trường đại học, doanh nghiệp hỗ trợ người khiếm thị đã chia sẻ về mô hình, kinh nghiệm hoạt động cùng những khó khăn, thách thức và giải pháp về quy trình tuyển dụng, tạo điều kiện tiếp cận và môi trường hòa nhập cho người khiếm thị tại nơi làm việc…

Ảnh: Diễn đàn dành cho thanh niên khiếm thị.

Ảnh: Diễn đàn về vai trò của các bậc phụ huynh và tổ chức xã hội.

Ảnh: Các báo cáo viên tại Diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách vào sáng ngày 4/12.

Chiều cùng ngày và sáng ngày 4/12, hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận khác như: Diễn đàn của các thanh niên khiếm thị chia sẻ về bí quyết, câu chuyện thành công trong quá trình tìm kiếm việc làm; Diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách, Báo cáo nghiên cứu về việc làm của các quốc gia; Diễn đàn về vai trò của các bậc phụ huynh và tổ chức xã hội trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển dụng của người khiếm thị.

Đời Mới