Ảnh bìa

Nghề pha chế đồ uống: Cơ hội mới cho người khiếm thị Việt Nam

Trong những năm qua, Hội Người mù Việt Nam luôn chú trọng việc hỗ trợ người khiếm thị tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp. Một trong những hoạt động mới là dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị” mà Hội và tổ chức Siloam International đang nỗ lực thực hiện với nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Dự án được kì vọng sẽ mang lại cơ hội việc làm và sự tự lập cho cộng đồng người khiếm thị, không chỉ giúp người khiếm thị có thể hòa nhập sâu rộng hơn vào xã hội mà còn góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về khả năng của họ.

Ảnh: Các đại biểu tham dự lễ khai giảng lớp dạy nghề pha chế đầu tiên năm 2023.

Khởi đầu với chương trình thí điểm

Vào năm 2023, Hội Người mù Việt Nam đã hợp tác với tổ chức Siloam International Hàn Quốc) triển khai một chương trình thí điểm đào tạo nghề pha chế đồ uống cho người khiếm thị. Đây là lần đầu tiên người khiếm thị tại Việt Nam được tiếp cận với một khoá đào tạo nghề bài bản trong lĩnh vực này. Trong chương trình thí điểm, sáu học viên đã được huấn luyện chuyên sâu về các kỹ năng pha chế từ cơ bản đến nâng cao, giúp họ có thể tự tin làm việc trong môi trường thực tế. 

Ảnh: Ông Choi Dong Ik, Giám đốc điều hành Tổ chức Siloam phát biểu tại lễ khai giảng lớp pha chế đồ uống đầu tiên ngày 8/5/2023.

Kết quả của chương trình đã cho thấy tiềm năng lớn. Các học viên sau khi hoàn thành khoá học đều đã nắm vững kỹ năng pha chế và có thể đáp ứng các yêu cầu của công việc. Sự thành công của khóa học đầu tiên không chỉ khẳng định khả năng của người khiếm thị trong việc học nghề mà còn mở ra những hướng phát triển mới về việc làm cho cộng đồng người khiếm thị.

Mở rộng cơ hội nghề nghiệp và nâng cao nhận thức của cộng đồng

Tiếp nối thành công từ chương trình thí điểm, Hội Người mù Việt Nam đã đề xuất một dự án lớn hơn, mang tên “Dự án đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị Việt Nam”. Dự án tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Siloam International và nguồn tài trợ từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Mục tiêu của dự án là đào tạo 36 người khiếm thị thông qua 06 khoá học trong 3 năm từ năm 2024 - 2026, mỗi khoá học kéo dài 16 tuần.

Ảnh: Các đại biểu tham quan phòng pha chế tại Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù.

Không chỉ tập trung vào việc dạy nghề, dự án còn nhằm mục đích mở ra cơ hội việc làm ngay sau khi các học viên tốt nghiệp. Theo kế hoạch, dự án sẽ mở thí điểm ba quán cafe, nơi các học viên tốt nghiệp có thể thực hành kỹ năng pha chế và phục vụ khách hàng. Đây cũng sẽ là những điểm trải nghiệm thực tế giúp các học viên ở các khóa sau thực hành, tiếp tục hoàn thiện kỹ năng, đồng thời tạo ra môi trường làm việc bền vững cho người khiếm thị.

Mặc dù đây là nghề mới mẻ đối với người khiếm thị ở Việt Nam, tuy nhiên, khi nhu cầu về thưởng thức ẩm thực, đồ uống đang ngày một cao trong xã hội, sự phù hợp về sức khỏe, khả năng của người khiếm thị đối với công việc này, sự thành công của lớp đào tạo nghề thí điểm năm 2023 cùng kinh nghiệm tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia…, lãnh đạo Hội Người mù Việt Nam tin rằng, dự án sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới, giúp người khiếm thị Việt Nam nâng cao khả năng tự lập và hòa nhập xã hội.

Ảnh: Các học viên lớp pha chế năm 2024 được hướng dẫn trang trí đồ uống.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng của dự án là nâng cao nhận thức của cộng đồng về khả năng của người khiếm thị. Các buổi hội thảo và chương trình trải nghiệm tại các lớp học và quán cafe sẽ giúp xã hội có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng của họ, từ đó thúc đẩy sự hòa nhập toàn diện và thay đổi quan niệm sai lầm về người khiếm thị. Ngoài ra, dự án cũng tổ chức các hoạt động kết nối với nhà tuyển dụng, mở rộng cơ hội việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực pha chế đồ uống.

Lợi ích đa chiều, hướng tới tương lai

Việc đào tạo nghề pha chế đồ uống cho người khiếm thị không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các học viên mà còn tác động tích cực đến xã hội nói chung. Đối với các học viên, họ không chỉ được học một nghề mới mà còn được học các kĩ năng mềm như chăm sóc khách hàng và các kĩ năng xã hội khác, có cơ hội phát triển bản thân, cải thiện cuộc sống và tự lập về tài chính. Đồng thời, các quán cafe thí điểm cũng sẽ trở thành mô hình kinh doanh sáng tạo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và góp phần nâng cao nhận thức xã hội về người khiếm thị.

Ảnh: Sản phẩm trang trí đồ uống bằng hoa tươi của các học viên.

Em Trịnh Thiên Long đến từ Thanh Hóa, học viên khóa pha chế đồ uống đầu tiên trong dự án cho biết: “Nhờ tham gia khóa học, em đã biết cách pha chế nhiều loại đồ uống như: cà phê, trà, sinh tố… Bên cạnh đó, em cũng được học nhiều kĩ năng mềm khác. Em tin rằng, sau khóa học,  em sẽ có đủ kiến thức, kĩ năng để làm công việc pha chế đồ uống – công việc mà em rất yêu thích, để có thể chăm lo cho cuộc sống của bản thân và giúp đỡ gia đình.”

Dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị” là một bước tiến quan trọng trong công tác hỗ trợ nghề nghiệp cho người khiếm thị tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc tạo việc làm, dự án còn mang đến cơ hội giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập vào cuộc sống xã hội, từ đó góp phần xây dựng một cộng đồng bình đẳng và công bằng hơn. Việc phát triển các chương trình dự án tương tự trong tương lai hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho người khiếm thị, giúp họ không chỉ có thể làm việc mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

                             Đinh Việt Anh