Nhìn lại công tác đối ngoại năm 2024 của Hội Người mù Việt Nam
Năm 2024 cũng như những năm gần đây, công tác đối ngoại và các hoạt động hợp tác quốc tế của Hội Người mù Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Hội trong lòng bạn bè, các tổ chức và cộng đồng trong, ngoài nước mà còn mang lại cơ hội nghề nghiệp, nâng cao kiến thức, kỹ năng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người mù.
Năm 2024, mặc dù còn gặp một số khó khăn, Hội Người mù Việt Nam đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, triển khai các dự án hiệu quả, mang lại các hoạt động thiết thực, ý nghĩa cho người mù.
Hội đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tổ chức Siloam International (Hàn Quốc) trong việc thực hiện dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA tài trợ. Dự án được thực hiện từ năm 2024 – 2026 với mục tiêu đào tạo 36 học viên khiếm thị và mở 3 quán café, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị Việt Nam. Riêng năm 2024, dự án đã tổ chức được 1 khoá đào tạo nghề pha chế đồ uống, và mở quán cafe đầu tiên do người khiếm thị pha chế và phục vụ. Đây là một nghề mới, phù hợp với khả năng của người khiếm thị, giúp họ có thêm lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với mong muốn, sở thích và năng lực của mình.
Ảnh: Lễ cắt băng khai trương quán cafe More Hà Nội.
Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực và tham vấn chính sách về tiếp cận kỹ thuật số và hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tài trợ, Hội đã tổ chức thành công các hoạt động gồm: phổ biến Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khuyết tật chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố; đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bản quyền phù hợp với Hiệp ước; khảo sát về việc sản xuất, phân phối sách ở định dạng dễ tiếp cận và tổ chức các diễn đàn, đưa ra các giải pháp phù hợp … Hội tiếp tục xây dựng đề xuất và được UNDP phê duyệt dự án “Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin số và cung cấp tài liệu học tập dễ tiếp cận cho người khuyết tật chữ in tại Việt Nam”.
Cũng trong năm 2024, Hội tiếp tục phối hợp với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Nhật Hồng và một số tổ chức quốc tế thực hiện chương trình hỗ trợ trẻ em mù - đa tật, trao học bổng cho sinh viên khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 500 triệu đồng. Các hoạt động hỗ trợ thanh niên khiếm thị cũng được quan tâm, thúc đẩy.
Từ ngày 3-4/12/2024, Hội đã phối hợp với Công ty TNHH Vì người mù Sao Mai tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị” với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Ban, bộ ngành, Hội đồng quốc gia về người khuyết tật, các trường đại học, doanh nghiệp, người khiếm thị các nước Indonesia, Philippines, Việt Nam; cùng một số đại diện tổ chức quốc tế trong và ngoài nước như: Hội đồng quốc tế về giáo dục cho người khiếm thị, Nippon Foundation, các cơ quan Liên Hợp quốc … Các đại biểu đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao năng lực và cơ hội việc làm, giúp người khiếm thị khẳng định bản thân trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, hòa nhập cộng đồng.
Ảnh: Hội thảo “Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị”
Nhân kỉ niệm 215 năm ngày sinh Louis Braille, cũng là dịp đánh dấu 200 năm ngày ra đời hệ thống chữ nổi Braille, Hội đã phối hợp với Hội đồng quốc gia người mù Malaysia tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Chữ Braille, công nghệ thông tin và cơ hội việc làm cho người khiếm thị” dành cho Hội Người mù và các tổ chức trong khu vực ASEAN.
Cùng với các hoạt động dự án, các hội thảo do Hội tổ chức, Hội luôn tích cực tham gia các hội thảo, tập huấn, toạ đàm trong nước và quốc tế được tổ chức trực tiếp và trực tuyến như: Tham dự và tích cực đóng góp vào thành công của Diễn đàn Cộng đồng người mù ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan; các hội thảo, hội nghị với các nội dung: Công nghệ hỗ trợ NKT tiếp cận khám chữa bệnh thuận tiện và an toàn; Biến đổi khí hậu, tiếp cận nguồn nước và hoà nhập NKT tại Việt Nam; Tham gia đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam; hội thảo về phòng chống mua bán người có tính đến yếu tố người khuyết tật, hội thảo về tác động của chuyển đổi số tại Việt Nam, Diễn đàn Phát triển con người và công nghệ, hội thảo tham vấn điều chỉnh tài liệu đào tạo về hoà nhập người khuyết tật, chuỗi sự kiện “Chung tay hành động lan toả ngôn ngữ ký hiệu” …
Cùng với các hoạt động do TW Hội tổ chức, ở các tỉnh, thành hội, các tổ chức và cá nhân hảo tâm tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ cho các đơn vị thông qua các hình thức như hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo; nhiều đơn vị được tặng quà nhân dịp lễ, tết, được hỗ trợ nhu yếu phẩm, nhiều đơn vị vận động được học bổng cho các cháu là người mù và con em người mù … với tổng giá trị nguồn vận động đạt hàng chục tỉ đồng. Điển hình là hội người mù các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Dương … Đặc biệt, một số tỉnh, thành hội nhận được các gói hỗ trợ khẩn cấp của Quỹ Abilis Phần Lan từ 130 – 260 triệu đồng để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 như Hà Nội, Hải Dương, Yên Bái, Quảng Ninh, Thái Nguyên…
Trong năm 2025, bên cạnh các hoạt động nối tiếp dự án và chương trình trong nước, với tư cách là tổ chức đại diện quốc gia, Hội sẽ tiếp tục tham gia các sự kiện như: Đại hội Hiệp hội Người mù thế giới, Hội thảo massage người mù khu vực Châu Á Thái Bình Dương và các diễn đàn cấp khu vực nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động Hội.
Với nỗ lực của toàn Hội, các dự án nói riêng và hoạt động đối ngoại nói chung đã đạt nhiều hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người mù, được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hồng Hải