Ảnh bìa

Những khó khăn người mù Ấn Độ đối mặt trong đại dịch Covid 19

“Khi công nghệ hoạt động tốt sẽ giúp bạn trở nên độc lập, nhưng đôi khi, nó sẽ khiến cuộc sống của bạn gặp nhiều khó khăn thậm chí là thất vọng”, đó là chia sẻ của Aabid, người đàn ông 40 tuổi hiện đang sinh sống tại thành phố Calcutta, Ấn Độ trong thời điểm dịch Covid 19 vẫn đang lan rộng và dữ dội tại đất nước đông dân thứ 2 thế giới.

Aabid là người có trình độ và đang làm việc cho một công ty dịch vụ chuyên nghiệp với mức lương đủ nuôi sống cả gia đình sung túc.

          Aabid chia sẻ những khó khăn hàng ngày mà anh phải vượt qua trong lúc dịch Covid bùng phát mạnh trở lại ở Calcutta. Cửa hàng tiện lợi gần nhất cách nhà Aabid cũng tới 2 cây số và chỉ có thể tới đó bằng phương tiện cá nhân nhưng cũng rất hạn chế do thành phố đang trong thời gian giãn cách.

Ngay cả một việc nhỏ như rút tiền từ ATM để mua thực phẩm, Aabid cũng phải nhờ hàng xóm đi cùng: “Tôi không thoải mái khi phải đưa thẻ atm và mật khẩu cho người khác”. Aabid và gia đình theo đạo Hồi và tổ chức lễ Ramadan, nên việc mua thực phẩm luôn là ưu tiên hàng đầu mà anh quan tâm để tránh bị hết sạch trên các kệ hàng, nhất là khi Covid 19 đang trở nên tồi tệ “Thực phẩm hiện là mối quan tâm hàng đầu của tôi bởi nếu không gia đình tôi sẽ không có gì để ăn”.

          Tôi cho rằng công nghệ giúp người khuyết tật có được sự độc lập tương đối nhưng hiện tại tôi cảm thấy mình bị tàn tật theo đúng nghĩa. Tôi không thể truy cập ứng dụng mua sắm thực phẩm trực tuyến do lượng người truy cập quá đông, thậm chí tôi đã gọi lên tổng đài mạng viễn thông đề nghị giúp đỡ mua thực phẩm nhưng không được. Cuối cùng Aabid phải gọi lên cửa hàng đề nghị giúp đỡ bằng cách chụp ảnh danh sách thực phẩm và gửi vào điện thoại của anh qua phần mềm WhatsApp.

          Tuy nhiên việc giao hàng cũng là một trở ngại, Aabid sống trong một khu chung cư và theo quy định để phòng tránh dịch Covid 19 thì cư dân sống tại đây phải ra tận cổng chính khu chung cư cách tòa nhà anh ở 400 mét để lấy đồ do người bán chuyển đến. Anh cảm thấy không an tâm khi phải đi một mình với cây gậy trắng ra xách đồ về nên đã đề nghị các nhà chức trách cho phép người giao hàng đưa đồ của mình lên phòng nhưng không được phản hồi. Aabid phàn nàn rằng đây là hệ quả khi các nhà chức trách ban hành các quy định phòng dịch mà không hề tham khảo ý kiến của người khuyết tật và các tổ chức người khuyết tật.

          Việc tiếp cận với các thông tin dịch bệnh chính thức từ Chính phủ đối với người khiếm thị cũng gặp khó khăn. “Chúng tôi có thể tiếp cận các thông tin chung chung về tình hình dịch bệnh qua radio hoặc tin nhắn dưới dạng văn bản. Tuy nhiên người khiếm thị không thể truy cập được nội dung các văn bản khuyến nghị những quy tắc về phòng dịch nơi công cộng và đi ngoài đường trong thời điểm thành phố giãn cách xã hội do nó được ban hành dưới dạng file ảnh mà phải hỏi những người xung quanh”. Aabid chia sẻ. Anh cũng mong rằng công nghệ có thể cải thiện để cuộc sống của những người khiếm thị như anh dễ dàng hơn.

          Tại thành phố Calcutta nơi Aabid sinh sống, cộng đồng người khiếm thị và người nhìn kém lại có nhu cầu tiếp cận thông tin khác nhau. Một số người mong muốn thông tin được thể hiện dưới dạng chữ Braille trong khi những người khác lại muốn thông tin được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử. Aabid là một ví dụ, anh không thành thạo chữ Braille và mong muốn thông tin dưới dạng dữ liệu text có thể được gửi qua email. Có rất nhiều thách thức xảy ra trong cuộc sống kể từ khi dịch Covid 19 bùng phát mạnh mẽ trở lại cho cộng đồng người khiếm thị và người nhìn kém. Chúng tôi được khuyến cáo không được chạm vào bất cứ thứ gì khi đi ra ngoài, nhưng chúng tôi phải chạm vào mọi thứ khi di chuyển. Hoặc họ không cho chúng tôi dùng tay trực tiếp ấn nút thang máy, nhưng làm sao mà tôi có thể biết được nút thang máy chính xác ở chỗ nào nếu không chạm vào chúng. Trong văn phòng làm việc, tôi không sử dụng gậy để tránh gây phiền toái cho người khác thay vào đó tôi chạm vào các bức tường khi di chuyển và nghĩa là tôi có nguy cơ tiếp xúc với vi rút nhiều hơn. Từ thực tế nơi mình sinh sống, Aabid cho biết ở đây không có những thông tin hoặc hướng dẫn cụ thể về cách giữ an toàn cho người khiếm thị và ông mong muốn người khuyết tật cần được ưu tiên tiếp cận thuận tiện nhất với các dịch vụ xã hội công cộng khi các đại dịch xảy ra như Covid 19.

(Tên của nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ thông tin cá nhân được đề cập trong câu chuyện trên)

Quốc Dũng  dịch từ chuyên mục Đại dịch Covid 19 trên trang WBU (Hiệp hội Người mù Thế giới)