Tiếp cận cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước – nâng cao cơ hội hòa nhập cho NKT tại Việt Nam
Sáng 9/4/2025, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức cuộc họp kỹ thuật “Tiếp cận cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước – nâng cao cơ hội hòa nhập cho NKT tại Việt Nam”.
Tham dự sự kiện trực tiếp tại tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc có bà Mette Møglestue - Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa và Xã hội – Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, ông Tạ Ngọc Trí - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Cù Kim Long – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Thư viện Quốc hội, các tổ chức của và vì NKT, các viện nghiên cứu, tổ chức về công nghệ. Ngoài ra, nhiều đại biểu tham dự và tham vấn trực tuyến qua Zoom.
Ảnh: Ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu chào mừng sự kiện.
Phát biểu chào mừng sự kiện, ông Patrick Haverman – Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đánh giá cao mục tiêu của dự án cũng như những giá trị thực tiễn từ kết quả của nhóm nghiên cứu. Đây cũng là sự kiện ý nghĩa chào mừng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4/2025 với chủ đề: “Công nghệ số và khả năng tiếp cận cho Người khuyết tật”.
Ảnh: Bà Đinh Việt Anh phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, đại diện Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh khẳng định: Việc người khuyết tật, trong đó có người khiếm thị, tiếp cận được các cổng thông tin điện tử/ website không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà còn là biểu hiện cụ thể của quyền công dân, của sự tham gia bình đẳng vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; giúp người khuyết tật chủ động tiếp cận các nội dung thông tin, nâng cao năng lực tự chủ và khả năng hòa nhập. Đây cũng là bước đi thiết yếu trong tiến trình xây dựng xã hội số toàn diện, bao trùm cho tất cả mọi người.
Bà Đinh Việt Anh cũng hy vọng: “Báo cáo nghiên cứu sẽ làm rõ những hạn chế phổ biến, và đưa ra các khuyến nghị thiết thực để các cơ quan có thể áp dụng cho việc xây dựng, nâng cấp, cải thiện các cổng thông tin trong giai đoạn tới. Chúng tôi cũng rất mong được phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong quá trình quan trọng này”.
Ảnh: Bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, bà Mette Møglestue, Phó Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho rằng: Trong một thế giới nhiều biến động và thách thức thì công nghệ là công cụ để thích ứng đặc biệt và càng ý nghĩa với người khuyết tật. Chúng tôi hy vọng cuộc tham vấn này sẽ đóng vai trò là bàn đạp cho các hành động cụ thể nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các cổng thông tin điện tử của chính phủ và quốc hội, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin một cách bình đẳng cho tất cả mọi người.
Ảnh: Ông Cù Kim Long - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ những đề xuất, kiến nghị.
Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của NKT tại Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai dự án “Tăng cường tiếp cận thông tin số cho NKT tại Việt Nam”, với sự tài trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ dự án, nhóm đánh giá đến từ Hội Người mù Việt Nam, Liên hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam và Microsoft đã cùng đánh giá mức độ tiếp cận của 20 cổng thông tin điện tử/ website thuộc Văn phòng Quốc hội, Chính phủ và các bộ. Nhóm nghiên cứu đã chia thành hai nhóm và tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập: Nhóm dùng trình đọc màn hình duyệt nội dung và đánh giá tính tiếp cận của các thành phần trên các cổng thông tin/website như: tiêu đề, mốc trang, danh sách, thanh điều hướng, khung nhập liệu, bảng, hộp lựa chọn, hình ảnh… Nhóm không dùng trình đọc màn hình sử dụng công cục tự động và thị giác để đánh giá những yếu tố như: màu sắc, nhấp nháy, việc đảm bảo cung cấp văn bản thay thế cho các thành phần phi văn bản.
Ảnh: Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu và nội dung bản Báo cáo.
Tại cuộc họp, nhóm nghiên cứu đã chia sẻ kết quả nghiên cứu và tham vấn ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm hoàn thiện bản Báo cáo đánh giá tính tiếp cận của 20 cổng thông tin điện tử/ website đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện khả năng tiếp cận cho người khuyết tật. Kết quả cho thấy, một số tiêu chí được nhiều cổng thể hiện khá tốt như thanh điều hướng, khung nhập liệu, bảng dữ liệu…, tuy nhiên, tùy theo từng cổng, một số tiêu chí vẫn chưa đáp ứng được như: việc thiếu mô tả thay thế cho hình ảnh, thiếu nhãn cho các nút bấm và liên kết, sắp xếp đề mục (heading) sai thứ tự… nên còn khó khăn cho người sử dụng trình đọc màn hình tiếp cận nội dung và tương tác.
Theo ông Cù Kim Long - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin – Bộ Khoa học và Công nghệ: Nếu chuyển đổi số được triển khai mà không tính đến đặc thù và nhu cầu của người khuyết tật, thì nguy cơ về khoảng cách số sẽ ngày càng gia tăng, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự công bằng và tiến bộ xã hội. Vì vậy, ông Cù Kim Long cũng đưa ra 5 đề xuất tăng cường các cơ hội cho NKT như: Hoàn thiện thể chế và tiêu chuẩn kỹ thuật về khả năng truy cập số; Hỗ trợ phát triển công nghệ trợ năng; Nâng cao năng lực số và phổ cập kiến thức công nghệ cho người khuyết tật thông qua tập huấn, đào tạo; Thúc đẩy hợp tác công – tư và sự tham gia của người khuyết tật trong thiết kế chính sách; thiết lập bộ chỉ số và cơ chế giám sát việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin.
Ảnh: Ông Nguyễn Hồng Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa và Xã hội – Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đóng góp ý kiến cho bản Báo cáo.
Ông Nguyễn Hồng Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa và Xã hội – Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng 20 cổng thông tin điện tử và website được lựa chọn của nhóm nghiên cứu rất phù hợp và có tính đại diện cao, đồng thời phương pháp nghiên cứu chia theo 2 nhóm là rất khoa học. Tuy nhiên, nên xếp hạng mức độ tiếp cận của các cổng thông tin điện tử/website và gửi tới các cơ quan những kết quả này để các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng có thể nắm được và điều chỉnh phù hợp.
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận và chia sẻ thêm thông tin để bổ sung, hoàn thiện bản báo cáo.
Đại diện nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra khuyến nghị với hai nội dung chính về hoạch định, thực thi chính sách và về mặt kỹ thuật. Theo đó, về mặt chính sách, cần ban hành Thông tư thay thế Thông tư 26/2020/TT-BTTTT, trong đó yêu cầu các cổng thông tin điện tử và website của các cơ quan Nhà nước và cơ quan báo chí cần áp dụng bắt buộc bộ WCAG 2.1 hoặc 2.2 AA; Cần có bản dịch tiếng Việt các bộ tiêu chuẩn tiếp cận được áp dụng tại Việt Nam; truyền thông rộng rãi về tiêu chuẩn tiếp cận web tới các cơ quan hữu quan và cộng đồng. Trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng và phát triển các trang web dễ tiếp cận cần có sự tham gia đầy đủ và đa dạng của các nhóm NKT.
Ảnh: Các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi để hoàn thiện bản Báo cáo.
Về mặt kỹ thuật, đảm bảo các trang trong cùng một cổng có bố cục thống nhất; khi người dùng chuyển sang các trang khác nhau trong cùng một cổng, nội dung chính của trang chỉ nên thay đổi trong vùng chính còn các vùng khác nên được duy trì bố cục tương tự như các trang còn lại. Sử dụng các đề mục (heading) phân chia các nhóm thông tin tương tự với cấu trúc logic; đảm bảo các liên kết được gắn nhãn phù hợp với nội dung mà chúng sẽ dẫn tới bằng tiếng Việt có dấu. Mỗi cổng nên duy trì một cách đặt tiêu đề trang nhất quán từ trang chủ cho đến các trang con; Giới hạn số lượng thông tin được đặt trong cùng một trang; Hạn chế sử dụng việc gắn hình ảnh thay thế cho nút, liên kết hoặc danh sách khi nội dung văn bản không làm mất đi nghĩa của chúng; Khi sử dụng bảng để hiển thị thông tin, hãy đảm bảo bảng được gắn nhãn đúng theo cách đọc mong muốn; đảm bảo các hình ảnh đều có mô tả...
Đời Mới