Trải nghiệm đồ uống cùng người khiếm thị - cơ hội cho sự hòa nhập và phát triển
Chiều ngày 17/3/2025, Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù đã tổ chức buổi trải nghiệm pha chế đồ uống cùng người khiếm thị. Tham dự sự kiện có đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, đồng chí Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm, cùng các cán bộ, giáo viên, 6 học viên khiếm thị lớp pha chế đồ uống và 10 khách mời – bao gồm cả người khiếm thị, người khuyết tật khác và người không khuyết tật.
Buổi trải nghiệm là một hoạt động ý nghĩa trong dự án kéo dài từ năm 2024 đến 2026, với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Dự án đặt mục tiêu tổ chức 6 lớp đào tạo và mở 3 quán cà phê do người khiếm thị pha chế, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới cho người khiếm thị. Hiện nay, dự án đã hoàn thành khóa đào tạo thứ nhất và khai trương quán cà phê đầu tiên do người khiếm thị trực tiếp pha chế tại Việt Nam. Buổi trải nghiệm này được tiến hành cùng các học viên lớp đào tạo thứ 2.
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội phát biểu khai mạc buổi trải nghiệm.
Nâng cao nhận thức và lan tỏa thông điệp hòa nhập
Tại buổi trải nghiệm, dưới sự hướng dẫn tận tình của Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung, một giảng viên giàu kinh nghiệm, cùng với sự hỗ trợ từ các học viên khiếm thị, các khách mời đã được trực tiếp tham gia vào toàn bộ quy trình pha chế đồ uống: từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, đo lường tỉ lệ, phối hợp các thành phần và hương vị, đến tạo ra những ly cà phê, sinh tố thơm ngon, đúng vị.
Thông qua trải nghiệm này, khách mời không chỉ được học hỏi kỹ năng pha chế mà còn có cơ hội hiểu rõ hơn về những nỗ lực, kỹ năng và khả năng thích ứng của người khiếm thị trong công việc. Hoạt động này giúp xóa bỏ định kiến, tạo sự đồng cảm và lan tỏa thông điệp tích cực về hòa nhập xã hội cho người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung.
Ảnh: Các vị khách mời nghe giới thiệu về cách pha chế đồ uống tại khu học thực hành pha chế của lớp học.
Buổi trải nghiệm cũng nhằm mục đích thu hút thêm sự quan tâm của cộng đồng đối với nghề pha chế đồ uống dành cho người khiếm thị. Với các khách mời là người khiếm thị hoặc khuyết tật, đây là dịp để họ cân nhắc đăng ký tham gia các khóa đào tạo và trở thành những nhân viên pha chế chuyên nghiệp trong tương lai. Còn đối với khách mời không khuyết tật, hoạt động là một dịp ý nghĩa để thấu hiểu, ủng hộ và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị.
Ảnh: Các vị khách được thưởng thức đồ uống miễn phí ngay tại khu pha chế.
Niềm tin và khát vọng phát triển nghề nghiệp
Chị Vũ Thị Hiền , một học viên lớp pha chế, chia sẻ: “Ban đầu tôi rất lo lắng vì nghĩ rằng nghề pha chế quá khó với người khiếm thị. Nhưng sau khi học tập và có cơ hội tham gia chia sẻ tại buổi trải nghiệm hôm nay, bước đầu được các vị khách mời ghi nhận, tôi tự tin rằng mình có thể làm được. Tôi hy vọng sẽ được làm việc trong một quán cà phê và chắc chắn tôi sẽ nỗ lực để làm hài lòng khách hàng.”
Anh Trần Thanh Tùng – khách mời khiếm thị đến từ quận Hai Bà Trưng cho biết: “Trước đây, tôi không nghĩ rằng người khiếm thị có thể làm được công việc pha chế và cũng không biết có nơi nào đào tạo nghề này cho người khiếm thị. Biết được thông tin về dự án và tham gia buổi trải nghiệm hôm nay, với sự hướng dẫn của thầy giáo và các bạn, tôi đã có thể pha chế được một li cà phê mà tôi rất hài lòng. Tôi tin rằng người khiếm thị hoàn toàn có thể trở thành nhân viên pha chế khi được học tập bài bản.”
Còn chị Phan Như Ngọc Bích – một khách mời đến từ quận Đống Đa – bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với cách các bạn khiếm thị làm việc. Họ tận dụng chút thị lực ít ỏi, kết hợp với các giác quan khác cùng đôi tay khéo léo để xác định nguyên liệu, đo lường, phối hợp hương vị… và tạo ra những ly đồ uống đầy hấp dẫn. Trải nghiệm này giúp tôi có cái nhìn hoàn toàn mới về khả năng của người khiếm thị. Tôi hi vọng các bạn ấy sẽ có cơ hội làm việc bình đẳng, và tôi sẽ là khách hàng tại những quán cà phê mà các bạn ấy là nhân viên pha chế”
Kết thúc buổi trải nghiệm, tất cả khách mời đều bày tỏ sự xúc động và ấn tượng trước tinh thần nỗ lực cũng như tài năng của các học viên khiếm thị. Thành công của buổi trải nghiệm khẳng định rằng, khi được trao cơ hội và hỗ trợ đúng cách, người khiếm thị hoàn toàn có thể phát triển nghề nghiệp, hòa nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Sự kiện khép lại với nhiều cảm xúc tích cực, mở ra những triển vọng mới trong hành trình đào tạo và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam.
Hà Anh