Trải nghiệm pha chế đồ uống với người khiếm thị
Buổi trải nghiệm pha chế đồ uống với người khiếm thị đã được Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù tổ chức vào sáng ngày 21/10/2024.
Sự kiện có sự tham gia của đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, đồng chí Phạm Xuân Trường – Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù, cùng các cán bộ, giáo viên, 6 học viên khiếm thị lớp pha chế đồ uống tại Trung tâm và 10 khách mời, trong đó có cả những người không khuyết tật và người khiếm thị.
Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam phát biểu tại buổi trải nghiệm.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án "Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” do Hội triển khai với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International từ nguồn kinh phí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Sự kiện được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về nghề pha chế đồ uống và khả năng của người khiếm thị trong lĩnh vực này.
Mục tiêu chính của buổi trải nghiệm là giúp các khách mời khiếm thị thấy rõ rằng, mặc dù có những khó khăn về thị giác, họ vẫn hoàn toàn có thể theo đuổi nghề pha chế nếu được hỗ trợ đúng cách.
Điều đặc biệt là dưới sự hướng dẫn tận tình của Thạc sĩ Nguyễn Thành Trung, một giảng viên dày dặn kinh nghiệm, cùng 6 học viên khiếm thị trong lớp, các vị khách mời đã có cơ hội tìm hiểu và thực hành quy trình pha chế chuyên nghiệp, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến cách đo lường và phối hợp các hương vị để pha được một số món cà phê và sinh tố thơm ngon, hấp dẫn.
Ảnh: Các học viên và đại biểu nghe thầy giáo giới thiệu về các trang thiết bị.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn của buổi trải nghiệm là phần tương tác giữa khách mời không khuyết tật và người khiếm thị. Các khách mời không khuyết tật được tham gia trực tiếp vào quá trình pha chế, cùng làm việc với các học viên và khách mời khiếm thị. Sự kết hợp này đã tạo ra một môi trường giao lưu cởi mở, nơi mọi người đều có thể học hỏi lẫn nhau, đồng thời giúp phá bỏ những định kiến về khả năng của người khuyết tật trong các ngành nghề mang tính đặc thù.
Sau buổi trải nghiệm, một số khách mời là người khiếm thị đã bày tỏ sự hứng thú và mong muốn tiếp tục tham gia các khóa học pha chế đồ uống chuyên sâu. Họ nhận ra rằng, nghề pha chế không chỉ nâng cao sự tinh tế trong việc phối hợp các hương vị, mà còn mang lại cơ hội việc làm trong tương lai. Đây là một bước khởi đầu quan trọng, giúp họ cân nhắc về việc theo đuổi nghề pha chế như một con đường sự nghiệp lâu dài.
Ảnh: Chị Phạm Thị Hồng trải nghiệm cách sử dụng máy pha cafe.
Chị Phạm Thị Hồng, đến từ quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, một khách mời khiếm thị tham gia sự kiện, cho biết: “Mặc dù mắt tôi nhìn rất kém và ban đầu tôi còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau buổi trải nghiệm, tôi thấy mình hoàn toàn có khả năng thực hiện công việc pha chế đồ uống. Tôi tin rằng những người khiếm thị như tôi hoàn toàn có thể trở thành những người pha chế chuyên nghiệp khi được đào tạo một cách bài bản và sự rèn luyện chuyên cần”.
Những khách mời không khuyết tật đã thật sự ngạc nhiên và khâm phục khả năng của người khiếm thị. Anh Vũ Văn Sang, đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Nhìn cách mà các anh chị khiếm thị làm việc thật nhanh nhẹn, khéo léo và tự tin. Tôi rất mong chờ sẽ có dịp đến thưởng thức đồ uống tại các quán cà phê do chính các anh chị ấy phục vụ”.
Ảnh: Học viên phụ vụ đồ uống cho khách.
Buổi trải nghiệm đã cho thấy tiềm năng lớn của người khiếm thị khi được hỗ trợ và đào tạo đúng cách. Với sự hỗ trợ từ dự án, những người khiếm thị sẽ có nhiều cơ hội hơn để bước vào thị trường lao động, khẳng định bản thân và tự chủ về tài chính. Buổi trải nghiệm đã thành công, mở ra những triển vọng mới cho người khiếm thị trong lĩnh vực pha chế đồ uống. Đây không chỉ là bước đệm cho những khóa học tiếp theo, mà còn là một minh chứng cho thấy rằng người khiếm thị có thể hòa nhập và phát triển trong nhiều ngành nghề khác nhau, khi họ được trao niềm tin và cơ hội.
Tuấn Minh