Ảnh bìa

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ VI, nhiệm kì 2022-2027

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ VI, nhiệm kì 2022 – 2027 vừa được tổ chức vào ngày 26/2/2024 tại thành phố Hà Nội. Hội nghị nhằm đánh giá hoạt động Hội năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Tham dự hội nghị có đồng chí Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ Trưởng Vụ Đoàn thể, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương;đồng chí Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ, đồng chí Dương Thị Thủy, Phó Trưởng Ban Tổ chức, Uỷ ban MTTQ Việt Nam, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, lãnh đạo 54 Tỉnh, Thành hội và Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù.

Ảnh: Các đại biểu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội nhấn mạnh việc nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2024 rút ra bài học kinh nghiệm trong hoạt động Hội sẽ góp phần nâng cao chất lượng của tổ chức Hội trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo. Đồng chí Phạm Viết Thu cũng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, đề xuất những giải pháp phù hợp để hoạt động các cấp Hội trong tình hình mới ngày càng hiệu quả, tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực cho cán bộ, hội viên.

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu, phát biểu khai mạc hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo Hội, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội trình bày bản báo cáo hoạt động của Hội trong năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh, đại diện lãnh đạo Trung ương Hội trình bày báo cáo tại hội nghị.

Báo cáo đã nêu rõ, trong năm 2024, mặc dù có nhiều biến động song 58 tỉnh, thành Hội (trong đó có 4 đơn vị Hội thành viên liên kết) 439 Huyện hội, 697 hội xã/phường và hơn 3000 chi hội vẫn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn chăm sóc, giúp đỡ 72.697 hội viên. Hội đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng như: Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Hội thảo đánh giá nghề tẩm quất xoa bóp và Hội thi tay nghề toàn quốc lần thứ IV, ban hành Quy chế Thi đua khen thưởng, Quy chế Kiểm tra (sửa đổi, bổ sung), tập huấn Hướng dẫn thực hiện Điều lệ và Quy chế Thi đua - Khen thưởng.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Bảo Trân, Chủ tịch Tỉnh hội Đồng Nai phát biểu tham luận tại hội nghị.

Năm qua, Hội được bổ sung 118 triệu đồng từ nguồn lãi vay, nâng tổng số vốn quản lý lên 52,73 tỉ đồng, trong đó 18,99 tỉ đồng là vốn thu hồi để cho vay lại. Chương trình đã hỗ trợ 1281 dự án, tại 54 tỉnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2533 lao động. Ngoài ra, 23 Tỉnh, Thành hội đã huy động thêm 19,453 tỷ đồng từ các nguồn vốn địa phương và nguồn khác để thực hiện 399 dự án.

Ảnh: Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch Tỉnh hội Hải Dương phát biểu tham luận tại hội nghị.

Các Tỉnh, Thành hội cũng đã chủ động huy động kinh phí từ ngân sách địa phương, vận động, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân để mở 106 lớp dạy nghề ngắn hạn xoa bóp, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương cho 1362 học viên với tổng kinh phí 4,7 tỉ đồng.

Ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù phát biểu tại hội nghị.

Hiện toàn Hội đang quản lý 371 cơ sở sản xuất tập trung, bao gồm 101 cơ sở sản xuất thủ công và 270 cơ sở tẩm quất xoa bóp, cùng 137 tổ nhóm sản xuất thủ công quy mô nhỏ tạo việc làm cho 4099 lao động. Ngoài ra, có 1.087 tổ nhóm xoa bóp do hội viên tự quản lý, thu hút 3462 lao động. Mức thu nhập bình quân của lao động thủ công đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, nghề xoa bóp bấm huyệt đạt 3,6 triệu đồng/người/tháng, người có tay nghề cao thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Tổng doanh thu năm nay đạt 168 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ cơ sở tẩm quất xoa bóp tăng 8,8 tỉ đồng, đạt 105,2 tỉ đồng. Doanh thu từ các cơ sở sản xuất thủ công giảm 6 tỉ đồng so với năm trước. Một số đơn vị có doanh thu cao như Thanh Hoá (16 tỉ đồng), Hà Tĩnh (14,8 tỉ đồng), Nam Định (12,4 tỉ đồng), Hà Nội (12,2 tỉ đồng), Thái Bình (10,9 tỉ đồng), Nghệ An (9,2 tỉ đồng), Hải Phòng (8,8 tỉ đồng)…Nhân các dịp lễ Tết, thiên tai.. các cấp Hội đã vận động hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nguồn kinh phí tự có của các đơn vị, giúp 276721 lượt hội viên với tổng số tiền gần 157,2 tỉ đồng.

Trong công tác tuyên truyền, Hội tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả qua các kênh thông tin của Tạp chí Đời mới, cổng thông tin điện tử; kênh Youtube, trang Facebook, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam và 358 bản tin nội bộ. Gaafn 3500 tin, bài, phóng sự về hoạt động của Hội đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tạp chí Đời Mới đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: xây dựng đề án thực hiện tạp chí in và tạp chí điện tử; nâng cao chất lượng nội dung trong bối cảnh truyền thông số; Tham gia giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Chi hội nhà báo Tạp chí Đời mới đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2024 - 2026), góp phần thúc đẩy hoạt động báo chí trong hệ thống Hội.

Ảnh: Đồng chí Hoàng Xuân Luyện, Chủ tịch Tỉnh hội Sóc Trăng phát biểu tham luận tại hội nghị.

Trong lĩnh vực giáo dục, 28 đơn vị đã phối hợp với các cấp, các ngành và vận động tài trợ để tổ chức 55 lớp xóa mù chữ cho 493 hội viên; 69 lớp học dành cho 361 trẻ em khiếm thị. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, toàn Hội đã tổ chức 31 lớp đào tạo về tin học văn phòng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm hỗ trợ cho 308 học viên.  Bên cạnh đó, nhiều lớp kỹ năng như khiêu vũ thể thao, tiếng Anh chuyên ngành cũng được tổ chức.

Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập, Hội Người mù Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống, tôn vinh thành tựu và khẳng định vai trò của Hội. Sự kiện trọng tâm gồm lễ Kỷ niệm và cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam”.

Để nâng cao đời sống tinh thần và động viên hội viên rèn luyện thể thao, 20 đơn vị đã tổ chức hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, kéo co, nhảy bao bố, cờ vua, bơi lội, chống đẩy. Nhiều đơn vị tổ chức giải thể thao quy mô lớn, thu hút đông đảo vận động viên tham gia. Điển hình như: Hội Người mù thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, hội thi tuyên truyền pháp luật; Hội Người mù tỉnh Thái Bình tổ chức Ngày hội thể thao và âm nhạc lần thứ II với sự tham gia của 12 đơn vị bạn;  Hội Người mù tỉnh Ninh Bình tổ chức Giải bóng bàn mở rộng với sự tham gia của 6  đơn vị bạn; Tỉnh hội Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ An, Thành hội Đà Nẵng tổ chức Hội thi thể thao…thu hút sự tham gia của nhiều hội viên.

Hội phối hợp với Ủy ban Paralympic Việt Nam, Liên đoàn Thể dục Việt Nam, CLB Solar tổ chức Hội thi Khiêu vũ thể thao toàn quốc năm 2024, thu hút gần 100 vận động viên.

Chương trình hợp tác quốc tế cũng đạt được nhiều thành công với dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị Việt Nam,” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ; phối hợp với UNDP hoàn thành dự án “Nâng cao năng lực và tham vấn chính sách về tiếp cận kỹ thuật số và hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam”; tổ chức Hội thảo quốc tế “Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị”; phối hợp với Hội đồng Quốc gia người mù Malaysia tổ chức Diễn đàn trực tuyến: “Chữ Braille, CNTT và cơ hội việc làm cho người khiếm thị”…

Sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam,” tiếp tục được triển khai với gần 30000 cây gậy trắng đã trao tặng và tổ chức tập huấn sử dụng gậy an toàn, hiệu quả. Đồng thời rà soát nhu cầu gậy trắng tại các địa phương. Hội đã đề xuất cấp thêm 7.400 cây gậy cho giai đoạn 2024 - 2025 tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Công tác phụ nữ và trẻ em tiếp tục được củng cố, với 277 nữ cán bộ là lãnh đạo các cấp hội. Hội tiếp tục phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ trẻ mù - đa tật tại 12 tỉnh, thành hội. Chương trình “Mái ấm tình thương” tiếp nhận 219,536 triệu đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho phụ nữ mù khó khăn, thu hút sự hưởng ứng tích cực từ các đơn vị, nhà hảo tâm trong đó: Tiền Giang: (22,185 triệu đồng); TP. Hồ Chí Minh: (18,560 triệu đồng); Hà Nội: (15,370 triệu đồng); Hà Tĩnh (14,735 triệu đồng); Bình Dương: (13,685 triệu đồng); Thanh Hoá và Bình Phước (mỗi tỉnh 10 triệu đồng)…. Trong năm 2024, đã có 76 nhà xây mới, 93 nhà sửa chữa, tổng kinh phí đạt 7,1 tỷ đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, trong năm Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù đã đào tạo 277 lượt học viên tham gia các lớp Bồi dưỡng Nghiệp vụ Quản lý Hội, Tin học văn phòng, Công tác xã hội, Xoa bóp bấm huyệt, lớp massage Thái, Công tác Phụ nữ và Trẻ em và pha chế đồ uống. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ các Tỉnh, Thành hội đào tạo nghề xoa bóp và tập huấn kỹ năng cho người mù tại các địa phương.

Trong năm 2025, Hội tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần IV; lễ kỷ niệm 55 năm Tạp chí Đời Mới và hội thảo về nâng cao chất lượng tuyên truyền, thúc đẩy bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên, cải tiến nội dung tạp chí và các nền tảng truyền thông.

Tăng cường công tác xóa mù chữ, hỗ trợ học sinh, sinh viên khiếm thị, tháo gỡ khó khăn về sách giáo khoa; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực trang bị thiết bị hỗ trợ học tập, tổ chức Hội thi Tin học lần thứ III; Tổ chức Ngày hội Thể thao và Âm nhạc cho người mù khu vực phía Bắc tại Bắc Ninh. Tổ chức hội thảo trực tuyến “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ khiếm thị vào đời sống xã hội”, tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ nữ; Tổ chức Diễn đàn Trẻ em Khiếm thị, phát động và trao giải cuộc thi “Ươm hạt giống tâm hồn” lần II cho trẻ em khiếm thị.

Tại hội nghị, gần 20 ý kiến phát biểu của các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành về các vấn đề trong hoạt động Hội đã được trao đổi, thảo luận tại hội nghị.

Các đơn vị Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Dương chia sẻ những khó khăn, thuận lợi của đơn vị mình trong năm 2024, Tỉnh hội Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Nam  chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động, trong việc nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, nâng cao đời sống tinh thần của hội viên và kiến nghị cấp ủy, chính quyền địa phương không sáp nhập Hội với các tổ chức khác. Các Tỉnh, Thành hội Ninh Bình, Quảng Trị, Hà Nội, Thanh Hóa, Sóc Trăng … cũng chia sẻ về các hoạt động của Hội, chăm sóc hội viên và định hướng hoạt động trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Trường, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Hội, Giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù nêu lên ý nghĩa của công tác đào tạo; điểm qua những hoạt động đào tạo của Trung tâm trong năm 2024 và phương hướng năm 2025. Trong tình hình khó khăn do không được cấp kinh phí, đồng chí Phạm Xuân Trường cũng chia sẻ một số thông tin về việc thu 1 phần chi phí phụ thu sinh hoạt, chi phí cấp, chuyển phát chứng chỉ với học viên học tập tại Trung tâm trong thời gian tới và đã được hội nghị nhất trí cao.

Các đại biểu cũng đã thống nhất cao với báo cáo của Trung ương Hội và kiến nghị Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện giữ nguyên hệ thống Hội nhằm  đảm bảo tính thống nhất và thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ người mù trong cả nước; tiếp tục giao cho Hội thực hiện các chương trình mục tiêu của Nhà nước trên các lĩnh vực: giáo dục, văn hoá, công nghệ thông tin, việc làm… phù hợp với khả năng và hoạt động, phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Hội; đề nghị Ban Tuyên Giáo và Dân vận Trung ương chỉ đạo Ban Tuyên Giáo và Dân vận các cấp tạo điều kiện, hướng dẫn để cán bộ, hội viên Hội Người mù được kết nạp đảng; được tham gia các lớp học để nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lí luận chính trị, nhằm thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước và hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Ảnh: Lãnh đạo Trung ương Hội trao cờ thi đua cho 6 đơn vị.

Ảnh: Trao bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong năm 2024.

Ảnh: Trao bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong năm 2024.

Nhân dịp này, TW Hội đã trao tặng Cờ thi đua xuất sắc toàn diện cho 6 Tỉnh, Thành hội: Bắc Ninh, Ninh Bình; Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai; tặng Bằng khen cho 28 đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và biểu dương 9 đơn vị đạt tập thể lao động tiên tiến.

Đời Mới