Ảnh bìa

Hội Người mù huyện Hương Sơn - 5 năm một chặng đường

Đến thăm trụ sở Hội Người mù huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh vào những ngày tháng 4, phải rất khó khăn chúng tôi mới có thể gặp và trò chuyện với đồng chí Nguyễn Thanh Vân– Chủ tịch Huyện hội. Hiện nay, Ban Chấp hành Huyện hội đang tất bật chuẩn bị cho các hoạt động tổng kết phong trào công tác hội nhiệm kỳ VII (2017- 2022) và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII (2022-2027).

Anh Vân cho biết không chỉ trong giai đoạn chuẩn bị cho đại hội chúng tôi mới bận rộn như thế, chuyện đi sớm về trễ, thậm chí ở lại cơ quan là chuyện không hiếm của cán bộ Hội. Anh chia sẻ: “Cái gì làm được cho phong trào hoạt động Hội, đem lại lợi ích cho hội viên là anh em đều mong muốn và quyết tâm thực hiện”. Nhiều năm qua Hội luôn là nơi gửi gắm niềm tin và kết nối yêu thương của 343 anh chị em hội viên, ở 25 xã, thị trấn. Hội Người mù huyện Hương Sơn đã và đang là chỗ dựa tin cậy để mỗi hội viên nêu cao tinh thần vượt khó, tiếp tục vững chí vươn lên.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Tàn nhưng không phế”, cán bộ, hội viên Hội người mù Hương Sơn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội đề ra.

Đối với người mù huyện nhà, mỗi sự động viên về tinh thần hay vật chất đều mang ý nghĩa rất lớn, là nguồn nuôi dưỡng ý chí và nghị lực giúp người khiếm thị vượt khó vươn lên. Niềm vui của những người khiếm thị Hương Sơn hôm nay, không chỉ dừng lại ở sự quan tâm, động viên của cộng đồng mà còn là niềm vui khi được xã hội tin tưởng. Việc tổ chức các lớp dạy nghề không chỉ trao chìa khóa giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho hội viên mà còn mở ra những giá trị sống cao đẹp cho người khiếm thị.

Vì vậy trong 5 năm qua, Hội Người mù Hương Sơn đã chủ động khảo sát hội viên trong độ tuổi lao động, tổ chức các lớp dạy nghề như nuôi Ong lấy mật,làm tăm, bện chổi, xoa bóp bấm huyệt vv… Bên cạnh đó, Hội đã cử hội viên tham gia học nghề tại Trung tâm dạy nghề của Tỉnh Hội, của Trung ương Hội nâng tổng số hội viên trong độ tuổi lao động đã được đào tạo nghề là 60 người. Hội có 2 tổ làm tăm và bện chổi giải quyết việc làm cho 13 hội viên, thu nhập bình quân 1200000đồng/người/tháng.

Chứng kiến niềm vui khi những sản phẩm do người mù làm ra trọn vẹn sau những lớp học nghề, truyền nghề và được mang đi tiêu thụ mới thấy niềm hạnh phúc của anh chị em khi có thể tự nuôi sống bản thân, chăm lo cho con cái học hành. Dù nguồn thu nhập ấy chỉ đơn giản là hộp tăm, cặp chổi nhưng đối với họ mang một ý nghĩa lớn lao khi công sức của mình được ghi nhận bằng những giá trị đích thực. Tất cả đã tạo chuyển biến tích cực trong đời sống của người mù Hương Sơn.

Dịch vụ tẩm quất là nghề mũi nhọn, trang thiết bị đầy đủ, sạch đẹp cùng với việc nâng cao tay nghề kỹ thuật viên, ngày càng phát huy hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 8 hội viên với thu nhập bình quân 2500000đ/người/tháng. Thực hiện chương trình “Hành động việc làm”, các dự án vốn vay được Hội triển khai kịp thời đến với những hội viên thực sự có nhu cầu.

Trong nhiệm kỳ, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện 39 dự án kênh trung ương và địa phương với số tiền 3,7 tỉ đồng cho 205 lượt hội viên vay. Đa số hội viên vay vốn đều sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả thiết thực, từng bước xóa đói giảm nghèo như gia đình anh Phạm Văn Học ở xã Sơn Hồng, anh Đinh Văn Thuận, Nguyễn Khắc Quý ở xã Sơn Tiến, anh Cao Đức Thuận ở xã Sơn Phú vv… đã đầu tư chăn nuôi bò, hươu, dê, nuôi ong lấy mật … mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

 Văn hóa giáo dục là chìa khóa mở đường cho mọi hoạt động, vì thế trong các diễn đàn, hội họp, buổi sinh hoạt chuyên đề và qua sách báo chữ nổi, Hội đã lồng ghép tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ Hội.

Để cung cấp thêm kiến thức cho người mù, Hội đã mở tủ sách gồm sách báo chữ nổi, đĩa CD các loại; 50 người mù huyện nhà luân phiên sử dụng sách, báo của Hội với nhiều nội dung phong phú như: Tin tức hoạt động Hội, các chương trình kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, chăm sóc sức khỏe, các tư liệu về người khuyết tật, tấm gương người tốt việc tốt; cũng như thơ ca, truyện do người mù sáng tác.

Tại trụ sở Hội có đầy đủ các phương tiện để nghe đọc như tivi, loa máy, đầu đĩa, máy vi tính, nên rất thuận tiện cho người mù trong việc tra cứu thông tin. Nhờ có sách báo chữ nổi, đĩa truyền thanh nên anh chị em hội viên đã từng bước nâng cao hiểu biết, tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Hội, hàng trăm tin bài và phóng sự tuyên truyền về hình ảnh, các hoạt động của Hội, nêu gương điển hình, mô hình người mù làm kinh tế giỏi đã được đăng trên báo đài địa phương, cũng như Tạp chí Đời mới của TW Hội, bản tin sức sống mới của Hội Người mù tỉnh Hà Tĩnh. Huyện hội đã phối hợp với đài phát thanh truyền hình huyện thực hiện 3 phóng sự về gương người mù vượt khó vươn lên, những mô hình chăn nuôi có hiệu quả, các hoạt động sôi nổi của Hội, chăm sóc đời sống hội viên đã mang đến cho cộng đồng hình ảnh về những người mù tự tin, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Văn nghệ, ca hát luôn là món ăn tinh thần nhằm khích lệ, động viên người mù lạc quan, yêu đời vượt qua khó khăn hòa nhập cộng đồng xã hội, vì vậy Hội đã thành lập 1 tổ văn nghệ để phục vụ những sự kiện như hội nghị, đại hội và những ngày lễ trong năm. Nhiều hội viên của Hội tích cực tham gia các cuộc thi do Tỉnh hội và TW Hội phát động đạt giải cao.

  Với ý nghĩa là mái nhà chung che chở cho những mảnh đời kém may mắn, Hội người mù Hương Sơn luôn không ngừng nỗ lực làm tốt công tác chăm sóc đời sống hội viên, để họ tiếp tục nuôi ý chí, nghị lực, vượt khó vươn lên.

Nhiệm kỳ qua, Hội đã liên hệ, vận động các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện và nhận được sự đồng thuận, sẻ chia, giúp đỡ thông qua những đợt tặng quà cho hội viên nhân ngày lễ, tết hay khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Đã có 1096 suất quà với số tiền 500 triệu được trao tặng cho hội viên. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, có 10 hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Hội được xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với tổng trị giá 1,2 tỉ đồng. Trong đó, Hội đã tự vận động, kêu gọi các tổ chức từ thiện hỗ trợ, sửa chữa và xây mới 3 ngôi nhà với số tiền 220 triệu đồng. Huyện hội đã khảo sát và vận động khám sàng lọc, điều trị cho hàng trăm người có bệnh lý về mắt, mổ thay thủy tinh thể, trả lại ánh sáng cho 50 người.

Phụ nữ và trẻ em mù là những đối tượng yếu thế và thiệt thòi, vì thế, công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù luôn được Hội chú trọng quan tâm. Toàn Hội có 23 trẻ em mù, trong đó có 19 cháu đang học hòa nhập tại các trường địa phương. Những ngày lễ tết, như ngày 1/6, tết trung thu, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, hội đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trao tặng 250 suất quà tới phụ nữ và trẻ em mù với số tiền 500 triệu đồng.

Năm năm - chặng đường chưa dài so với thời gian hoạt động của Hội, song là một bước tiến dài của Hội Người mù huyện Hương Sơn, góp phần mang lại niềm tin của người mù với tổ chức Hội.

Với những thành tích đã đạt được, nhiệm kỳ 2017 – 2022, huyện Hội Hương Sơn đã được Trung ương Hội tặng 6 kỷ niệm chương Vì hạnh phúc người mù, 5 Bằng khen cho tập thể, cá nhân, Tỉnh hội Hà Tĩnh và UBND huyện tặng 15 giấy khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội. Những nỗ lực của Hội đã và đang góp phần làm thay đổi tích cực tư duy, cách nghĩ của mỗi hội viên và toàn xã hội, để từ đó nâng cao đời sống, giúp người mù toàn huyện được tiếp thêm ý chí, nghị lực và sống lạc quan hơn. Thựa hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế” hội người mù Hương Sơn hôm nay, đang tích cực góp phần thắp sáng niềm tin, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

                                                         Đào Thị Xuân