Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế - Tất cả vì hạnh phúc người mù
Với nhiệm vụ “Phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội, vì sự tiến bộ của người mù”, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế đã chung tay, đoàn kết, phấn đấu để mang lại những thành quả thiết thực trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người mù tỉnh nhà.
Chăm lo kinh tế
Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Hội Người mù tỉnh thành lập mới 2 chi hội cấp xã và 1 chi hội trực thuộc Văn phòng Tỉnh hội, nâng tổng số lên 140/152 chi hội. 273 hội viên mới được kết nạp, đưa số hội viên được quản lý lên 1.871 người. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh hội đã thành lập và ra mắt Câu Lạc Bộ Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật với sự tham gia của 15 cơ sở. Đây là tiền đề để thành lập CLB của tỉnh và cũng là bước đệm quan trọng trên con đường giúp người mù hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế bền vững.
Với các giải pháp đẩy mạnh việc hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức sản xuất, tạo việc làm, đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao. Trong đó công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã và đang thể hiện tính hiệu quả. Giúp người mù và gia đình người mù có điều kiện vươn lên giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống,
Ảnh : Các hội viên tích cực tham gia sản xuất tăm, hương, chổi đót
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã thu hồi 100% vốn và lãi của 148 dự án đến hạn trị giá 9,626 tỷ đồng với 547 lượt người vay. Tỉnh hội cùng các huyện, thị, thành hội, đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện 67 dự án, chương trình liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo, sửa chữa nơi làm việc, đầu tư trang thiết bị máy móc dụng cụ sản xuất, mở các lớp dạy chữ Braille, vi tính, dạy nghề, tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, bảo trợ - trao học bổng cho học sinh, sinh viên,… với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng, trong đó tại Tỉnh hội,Trung tâm GD-HN trẻ em mù, trung tâm DN&TVL cho người mù được hỗ trợ gần 6,3 tỷ đồng.
Song song với việc hướng nghiệp và dạy nghề, hội tập trung chỉ đạo các cơ sở sản xuất tìm mọi biện pháp duy trì và phát triển các mặt hàng truyền thống, khuyến khích khai thác các mặt hàng mới, đầu tư máy móc, dụng cụ sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hội tiếp tục thực hiện hợp đồng xuất khẩu 08 container hàng mành tre đan với công ty Ươm giống cây trồng lâm nghiệp Pháp. Hiện tại, Công ty TNHH một thành viên Niềm Tin 17.4; 5 Hợp tác xã; 3 cơ sở sản xuất; 3 cơ sở dịch vụ xoa bóp đang thu hút hơn 290 lao động. Trong đó, có 205 lao động là người mù. Tổng doanh thu 5 năm qua đạt trên 26,7 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân mỗi tháng của người lao động tiểu thủ công tăng rõ rệt. Năm 2015 trung bình từ 800 – 1 triệu đồng nhưng đến năm 2019 đã xấp xỉ đạt 1,4 triệu. Tại các cơ sở dịch vụ xoa bóp, tiền công mỗi tháng đều trên 3,5 triệu và người lao động luôn được đóng BHXH đầy đủ. Ngoài ra, hội đã tạo điều kiện cho những học viên hành nghề xoa bóp tại các cơ sở của các tỉnh, thành hội bạn, mang lại thu nhập ổn định.
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh hội đã tổ chức 22 lớp dạy nghề cho 382 học viên. Đồng thời mở 2 khóa tập huấn nâng cao kỹ năng nghề xoa bóp cho hơn 105 học viên. Để trang bị kiến thức nghề, hội đã tổ chức thành công 4 hội thi tay nghề với hơn 400 lượt thí sinh tham gia. Đây là lực lượng đang trực tiếp sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại Công ty, các HTX, cơ sở sản xuất của hội.
Trong các hoạt động nhân đạo, Hội đã đề xuất Ủy ban MTTQVN tỉnh và kết nối với các tổ chức từ thiện xây dựng 18 ngôi nhà tình thương, sửa chữa 40 nhà với tổng số tiền trên 1,9 tỷ đồng, hỗ trợ 6 con bò giống, 6 chuồng trại, 28 giếng, máy bơm nước cho hội viên.
Trong năm năm qua hơn 100.000 suất quà với trị giá 27,1 tỉ đồng đã được trao tặng đến tay hội viên. Vào ngày Thương binh Liệt sỹ hàng năm, ngoài đẩy mạnh công tác chăm sóc cho hội viên là thương binh, bệnh binh, bố mẹ, con em liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng đang tham gia sinh hoạt hội, nhiều phần quà trị giá trên 70 triệu đồng cũng đã được tri ân.
Niềm vui từ các hoạt động văn hóa
Xác định công tác tuyên truyền, văn hoá giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu thúc đẩy xã hội hóa hoạt động hội, trong nhiệm kỳ qua, Hội Người mù tỉnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, phổ biến các chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; Nghị quyết, Điều lệ của hội để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như quyền lợi cho hội viên.
Song song với công tác tuyên truyền, hội đã cấp phát 153 radio đến những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhằm giúp người mù xóa “đói” thông tin. Phát hành 1.300 cuốn tạp chí Đời mới của Hội người mù Việt Nam, xây dựng tập san nhân kỷ niệm thành lập Hội đến các tổ chức, đoàn thể và nhân dân tỉnh nhà. Thư viện tại tỉnh hội được duy trì, hiện có hơn 1.000 đầu sách chữ nổi, 2.500 băng nói là sách giáo khoa, truyện, tư liệu... phục vụ nhu cầu nghe, đọc của hội viên, học sinh tại trung tâm.
Ảnh : Các thí sinh tham gia hội thi tin học và hội thi đọc viết chữ Braille năm 2017
Tỉnh hội đã mở 5 lớp xóa mù, nâng cao cho 78 hội viên. Duy trì các lớp xoá mù chữ, phổ cập tiểu học, trung học tại trung tâm Giáo dục – Hướng nghiệp Trẻ em mù. Hàng năm, cuộc thi đọc viết nhanh chữ braille, hội thi tin học dành cho người mù đều được tổ chức. Nhiều học sinh của Trung tâm đã tốt nghiệp Đại học, đã và đang là cán bộ, giáo viên, nhân viên của hội, vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện …Đặc biệt em Nguyễn Thị Yến Anh là 1 trong 4 thí sinh đại diện Hội người mù Việt Nam tham dự và đạt giải Ba cuộc thi Kỹ năng đọc viết nhanh chữ Braille tiếng Anh quốc tế lần thứ 2 tại Thái Lan; Yến Anh được UBND tỉnh tạo điều kiện tham gia phỏng vấn ứng viên cho học bổng du học Úc và vinh dự được Chính phủ Úc chọn cấp bổ sung học bổng cao học ngành quản lý giáo dục tại Úc từ tháng 1/2020 đến cuối năm 2021.
Về văn hóa văn nghệ, 10 tổ, đội văn nghệ hoạt động thường xuyên đã góp phần giúp người mù xoá đi mặc cảm tự ti, tạo nên tinh thần lạc quan, yêu đời. Tỉnh còn tổ chức “Liên hoan Tiếng hát từ trái tim” tại các cấp hội, từ đó lan tỏa hơi ấm, thắt chặt tình đoàn kết giữa người mù với cuộc sống.
Ngoài những công tác chung, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực, kết nối để những hội viên xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vươn lên trong cuộc sống. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người mù trong toàn Hội. Tỷ lệ người mù trong diện hộ nghèo toàn tỉnh hội từ 32,1% năm 2014 đã giảm 8,2%, xuống còn 23,9% vào năm 2019. Nhiệm kỳ qua, hội đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ LĐ – TB&XH; cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội và UBND tỉnh, nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành cho các tập thể, cá nhân.
Bám sát chủ trương, chính sách, cơ chế của Đảng, nhà nước, vận dụng tối đa các nguồn tài trợ để hoạt động và chăm lo đời sống người mù, đảm bảo dân chủ, đúng chính sách và chú trọng đến hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phát động các hoạt động từ thiện nhân đạo, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên Huế đang tiếp tục vững bước trên con đường dài phía trước để tạo điều kiện giúp đỡ người mù ngày càng có hiệu quả. Tất cả xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, và tình yêu thương cao cả không chỉ của hội mà còn là của cộng đồng đến với người mù.
Thừa Thiên Huế