Ảnh bìa

Đào tạo đội ngũ Kỹ thuật viên massage không chỉ giỏi tay nghề mà còn biết ngoại ngữ

Với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong nước mà còn phục vụ cả khách hàng nước ngoài, trong những khóa học Xoa bóp gần đây, Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho người mù đã đưa nội dung Tiếng Anh giao tiếp trong lĩnh vực massage vào chương trình giảng dạy.

 

Tại Hà Nội và tp Hồ Chí Minh, một số cơ sở massage của người khiếm thị đã được xây dựng theo mô hình spa chuyên nghiệp phục vụ đối tượng khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Bên cạnh đó, số khách hàng nước ngoài có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở dịch vụ bình thường của người mù cũng ngày một tăng lên. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên không chỉ giỏi tay nghề mà còn phải biết ngoại ngữ để đáp ứng với yêu cầu của công việc và tự tin giao tiếp với khách hàng.

Học_Tiếng-_Anh_giao_tiếp_trong_lĩnh-vực-massage

Để đáp ứng nhu cầu trên, với vai trò là cơ sở sự nghiệp của Hội Người mù Việt Nam, Trung tâm Đào tạo - Phục hồi chức năng cho Người mù là một trong những đơn vị tiên phong đưa Tiếng Anh vào chương trình giảng dạy trong các khóa học Xoa bóp tại Trung tâm. Trong thời gian 3 tháng học tập, ngoài những nội dung chính về chuyên ngành xoa bóp, học viên còn được học các nội dung như: Định hướng trong không gian; đi lại và Tiếng Anh giao tiếp trong lĩnh vực massage.

Với thời lượng 50 tiết học Tiếng Anh mỗi khóa, học viên được làm quen và thực hành với các chủ đề như chào hỏi, giới thiệu thông tin về bản thân, chủ đề về thời gian, ngày tháng, thời tiết, nghề nghiệp, giá cả … Ngoài ra, học viên cũng được học từ vựng về các bộ phận cơ thể và thực hành một số tình huống giao tiếp trong lĩnh vực massage thường gặp. Cùng với các giáo viên ở Trung tâm, các học viên còn được các giáo viên, tình nguyện viên quốc tế trực tiếp giảng dạy và thực hành các tình huống thực tế nên các kiến thức, kĩ năng Tiếng Anh của nhiều học viên đã được nâng lên nhanh chóng. Những kiến thức, kĩ năng nêu trên dễ dàng được áp dụng khi các học viên tham gia làm việc tại các cơ sở dịch vụ sau khi hoàn thành khóa học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giảng dạy tiếng Anh trong các khóa Xoa bóp ở Trung tâm còn gặp những khó khăn như: trình độ đầu vào của học viên còn thấp, ý thức học tập của một số học viên chưa cao do nhận thức chưa đúng đắn, từ đó,  còn có tâm lý e ngại và sợ các học phần Tiếng Anh. Bên cạnh đó là một số hạn chế như: tài liệu học tập còn thiếu thốn, thời gian giảng dạy chưa nhiều; nội dung cũng cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh để ngày càng phù hợp với yêu cầu thực tế.

Có thể nói: Mặc dù vẫn còn những điểm cần rút kinh nghiệm và cải thiện, song thực tế cho thấy: Tuy mới đưa vào áp dụng, việc đào tạo nghề massage kết hợp với dạy Tiếng Anh giao tiếp ở Trung tâm Đào tạo – Phục hồi chức năng cho Người mù đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ nghề massage của người khiếm thị Việt Nam, thu hút ngày càng đông lượng khách hàng nước ngoài và từng bước đưa nghề massage của người khiếm thị Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. Mô hình kinh doanh dịch vụ massage này cũng góp phần tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống của người khiếm thị Việt Nam.

Phạm Mai