Ảnh bìa

Chung tay mang sách giáo khoa đến với học sinh khuyết tật nhìn

Sáng 6/8/2024, Trung ương Hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia (NCSE) và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) tổ chức Hội thảo “Chung tay mang sách giáo khoa đến với học sinh khuyết tật nhìn”, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị, tổ chức, Quỹ Bảo trợ trẻ em, các tập đoàn, nhà xuất bản, các nhà nghiên cứu, giáo viên, đại diện cha mẹ, học sinh khuyết tật nhìn và các đơn vị truyền thông đưa tin Hội thảo.

Ảnh: Tiết mục văn nghệ của các em học sinh khiếm thị trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam khẳng định: Cho dù công nghệ thông tin ngày càng phát triển vẫn không thể thay thế chữ Braille, chữ Braille sẽ trường tồn, song hành cùng công nghệ thông tin trong cuộc sống của người khuyết tật nhìn. Học sinh khuyết tật nhìn là đối tượng học sinh khó tiếp cận sách giáo khoa chữ in do đặc thù dạng tật. Việc trang bị đầy đủ sách giáo khoa chữ Braille sẽ giúp nâng cao chất lượng học tập cho học sinh khuyết tật nhìn ở nhiều cấp học.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh phát biểu khai mạc hội thảo.

Bà Trần Thị Thư, đại diện Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia đã có bài trình bày về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và vấn đề sách giáo khoa chữ Braille, thực trạng thiếu sách giáo khoa chữ Braille hiện nay và giải pháp vận động tài trợ, vận hành thư viện sách giáo khoa chữ Braille. Theo đó, số lượng lớn học sinh chưa được đáp ứng về đồ dùng, sách giáo khoa để đi học. Mặc dù đã có các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vấn đề này còn hết sức khó khăn, cần sự chung tay của các tổ chức, cá nhân.

Ảnh: Bà Trần Thị Thư trình bày về nguyên tắc vận hành của thư viện luân chuyển sách giáo khoa chữ nổi.

Các đại biểu đại diện cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục có học sinh khuyết tật nhìn, đại diện phụ huynh và học sinh khuyết tật nhìn cũng đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của sách giáo khoa chữ nổi trong quá trình học tập của học sinh. Đại diện các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đã có nhiều ý kiến đóng góp, gợi mở để vận động tài trợ, vận hành nhằm đưa thư viện lưu động sách giáo khoa chữ nổi cho học sinh khuyết tật nhìn đi vào hiện thực.

Ảnh: Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm.

Đời mới