Ảnh bìa

Người mù Việt Nam thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác

Đêm giao thừa Tết Bính Thân (11/02/1956), Bác Hồ đến thăm và chúc Tết Trường Thương binh hỏng mắt. Với tất cả tình yêu thương, sự trân trọng và mong muốn các đồng chí thương binh tiếp tục phấn đấu, phát huy khả năng, đóng góp công sức của mình cho gia đình và xã hội, Bác đã nói: "Tại mái trường này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy, các chú tàn nhưng không phế. Các chú tùy theo sức của mình mà học tập và công tác…".

Cùng với lời căn dặn ân tình, Bác đã luôn quan tâm, động viên anh chị em bằng những việc làm cụ thể như: gửi tặng 200 đồng để nhà trường tổ chức tăng gia sản xuất; gửi bảng, bút viết chữ Braille; gửi tấm áo mà Hội Liên việt Sài Gòn – Gia định kính tặng Bác để làm phần thưởng cho học viên xuất sắc; chỉ đạo đồng chí Trần Duy Hưng, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội đến tìm hiểu để có những chính sách hỗ trợ cho người mù…

Từ lời dạy thiêng liêng cùng sự quan tâm của Bác, các đồng chí thương binh hỏng mắt đã tích cực học chữ Braille, học nghề, tăng gia sản xuất, truyền ngọn lửa của ý chí “Tàn nhưng không phế” đến những người khiếm thị và những người khuyết tật nói chung. Các đồng chí đã nỗ lực thành lập Trường chữ nổi Ba Đình do thương binh Trần Công Nhuận làm hiệu trưởng, xây dựng các cơ sở sản xuất tập trung cho người mù, tạo những tiền đề quan trọng để tiến tới thành lập Hội Người mù Việt Nam.

Ngày 17/4/1969, Hội Người mù Việt Nam, mái nhà chung của người mù cả nước ra đời trong sự quan tâm của Đảng, nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tháng 6/1969, Bộ Nội vụ thông báo với Hội là Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đang yếu mệt đã gửi lời thăm hỏi, động viên và yêu cầu Hội báo cáo với Bác về tình hình người mù.

Hội đã gửi báo cáo lên Bác và xin phép Bác lấy lời dạy: “Tàn nhưng không phế” của Người làm phương châm hoạt động. Từ đó, lời dạy thiêng liêng ấy luôn đọng mãi trong trái tim và thôi thúc mỗi cán bộ, hội viên vượt qua khó khăn, phấn đấu xây dựng tổ chức Hội và vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Là tổ chức của người khuyết tật nặng lại ra đời giữa lúc chiến tranh; ngày đầu thành lập với chỉ gần 100 hội viên, cơ sở vật chất và kinh phí hầu như không có. Trước muôn vàn trở ngại, cán bộ Hội vẫn không nản chí, thận trọng, cân nhắc từng bước đi. Hội xác định phương châm hành động là: Tự thân vận động, sự nghiệp của Hội phải do cán bộ, hội viên xây dựng nên; từ không đến có, từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, tự đứng vững trên đôi chân của mình, đồng thời, tuyên truyền để các ban ngành và cộng đồng xích lại gần hơn, chung tay cùng Hội chăm lo, giúp đỡ người mù.

Về phương thức hoạt động, Hội xác định lấy con đường văn hóa, mở các lớp học chữ, học nghề để tập hợp hội viên tiến tới thành lập các tổ chức cơ sở, lấy lao động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống người mù. Từ năm 1986, trước sự đổi mới, hội nhập mạnh mẽ của đất nước, Hội đã nhanh chóng thay đổi cả tư duy và hành động.

Hội xác định phương thức hoạt động hiện nay là: đoàn kết, đổi mới, dân chủ, hội nhập, gắn hoạt động Hội với các chương trình của nhà nước và tăng cường xã hội hóa các mặt công tác. Hội đã phát động, tổ chức các cuộc vận động và chương trình như: “Tuần lễ chăm sóc người mù", "Năm xóa mù chữ cho người mù", “Năm việc làm cho người mù", “Năm củng cố và phát triển tổ chức"; cuộc vận động “Xóa đói giảm nghèo”, cuộc vận động “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập với cộng đồng", "Chương trình Hành động "Việc làm, xóa đói giảm nghèo", cuộc vận động "Cải cách hành chính" cùng với các cuộc vận động, các chương trình của nhà nước, của địa phương. Đặc biệt, việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh được triển khai sâu rộng trong toàn Hội.

Các cuộc thi viết: Người mù thực hiện lời dạy của Bác “Tàn nhưng không phế”, Đọc và tự học suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; thi kể chuyện và hát về Bác, các buổi giao lưu, hội thảo về tư tưởng “Tàn nhưng không phế”… đã góp phần giúp cán bộ, hội viên thấm nhuần sâu sắc lời dạy thiêng liêng, nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương ngời sáng của Người trong học tập, lao động và cuộc sống. Các chủ trương, phong trào hoạt động đó đã phát huy hiệu quả, đưa tổ chức Hội phát triển nhanh chóng cả bề rộng, chiều sâu và thu được những kết quả vô cùng to lớn.

Về tổ chức, trải qua hơn 8 nhiệm kì, Hội đã có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương với 57 Tỉnh, Thành Hội, 418 Quận, Huyện Hội, 3.624 Hội xã, phường và Chi Hội với 73.318 hội viên. Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù thuộc TW Hội cùng Hàng chục trung tâm của các Tỉnh, Thành Hội cũng lần lượt ra đời, đóng góp quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khẳng định sự trưởng thành của Hội.

Hội vừa là cánh tay vươn dài, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với hội viên, vừa làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đóng góp hiệu quả trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng, là thành viên tích cực của MTTQVN, Ủy ban quốc gia về NKT Việt Nam, Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam.

Trong lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, từ chỗ ban đầu phải chọn những nghề nặng nhọc, ít người làm, thu nhập thấp, phải huy động vốn và địa điểm từ hội viên. Từ những cố gắng trong công tác lựa chọn, dạy nghề phù hợp và tổ chức lao động sản xuất, đến nay, Hội đang quản lí gần 400 cơ sở cùng nhiều tổ nhóm sản xuất, dịch vụ với gần 7000 lao động từ các ngành nghề thủ công, mĩ nghệ, xoa bóp bấm huyệt, cung ứng hàng hóa... Doanh thu của các cơ sở và thu nhập của người lao động từng bước tăng lên. Có đơn vị đã có hàng xuất khẩu. Mặc dù hiện nay đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID – 19 nhưng các cấp Hội vẫn cố gắng duy trì hoạt động các cơ sở ở những địa bàn, thời điểm cho phép; huy động nguồn lực để hỗ trợ người lao động, điều chỉnh, đổi mới quy trình sản xuất, tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm mới cho người mù…

Chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm được triển khai từ năm 1992, đến nay, Hội đang quản lí số vốn vay 51,6 tỉ đồng kênh Trung ương và 40 tỉ đồng kênh địa phương. Hàng vạn Hội viên đã cùng gia đình sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn, được Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan quản lí nhà nước đánh giá cao.

Hàng ngàn ngôi nhà tình thương, đại đoàn kết, giếng nước sạch, sổ tiết kiệm, thẻ bảo hiểm y tế, những món quà khi Tết đến, xuân về, khi chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh hay ốm đau, hoạn nạn đã giúp cho những người mù khó khăn được sống ấm áp trong vòng tay yêu thương của Hội và cả cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em mù luôn được quan tâm, chăm sóc. Nhờ được sinh hoạt dưới mái nhà chung của Hội, đông đảo người mù đã được học chữ, học nghề, có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Về đời sống văn hóa, tinh thần, những ngày đầu, 95 % người mù không biết chữ, cuộc sống đầy mặc cảm, tự ti. Hội đã mở các lớp dạy chữ Braille ngay cả khi phải sơ tán về nông thôn với điều kiện vô cùng thiếu thốn. Nhờ những nỗ lực trong việc đào tạo giáo viên, sản xuất học cụ, xây dựng giáo trình, tài liệu, tổ chức lớp học, phối hợp với ngành giáo dục quan tâm, tạo điều kiện cho người mù tham gia học tập; Đến nay, hàng chục ngàn người đã đọc thông, viết thạo, gần 700 hội viên trẻ có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, hàng nghìn em đang học phổ thông. Qua Chương trình tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin được Hội triển khai năm 2002, đến nay, hàng nghìn cán bộ, hội viên đã coi máy vi tính, điện thoại thông minh là phương tiện không thể thiếu được trong học tập, công tác và cuộc sống.

Từ Bản tin đầu tiên ra đời năm 1970, Tạp chí Đời Mới của Hội đã trở thành tạp chí chính thức trong hệ thống báo chí quốc gia. Các loại hình Tạp chí chữ Braille, phát thanh, chữ in bình thường cùng Cổng thông tin điện tử, ứng dụng Hội Người mù Việt Nam trên điện thoại thông minh, và các nội san, bản tin nội bộ, Website của nhiều đơn vị đã góp phần mang lại thông tin, kiến thức, nối vòng tay yêu thương và thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Hội. Hàng trăm tủ sách chữ Braille, sách nói cùng nhiều loại hình câu lạc bộ và hàng ngàn chiếc radio, máy nghe MP3, điện thoại thông minh, máy vi tính được Hội trao tặng đã giúp hội viên đến với nguồn tri thức phong phú, bổ ích.

Tiếp nối hiệu quả của các chương trình phục hồi chức năng, mới đây, được sự quan tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáng kiến “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” được triển khai với hàng ngàn cây gậy đã được trao tặng giúp hội viên đi lại an toàn, chủ động, thêm mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng. Hàng trăm giải thưởng, tấm huy chương tại liên hoan "Tiếng hát từ trái tim" của Hội và các hội diễn văn nghệ của các ban ngành, đoàn thể, hay tại Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc và Paragames đã nói lên sự cố gắng của Hội, sự quyết tâm vươn lên chiến thắng tật nguyền của cán bộ, hội viên.

Bên cạnh các mặt hoạt động nêu trên, Hội luôn là thành viên tích cực của Hiệp hội người mù thế giới, Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Cộng đồng người mù ASEAN; tham gia và đạt giải cao tại nhiều hội thi quốc tế. Thông qua các dự án hợp tác và phát triển, Hội đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị và các kiến thức, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hội cũng đã giúp đỡ Hội Người mù Lào về đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức và hoạt động; luôn tích cực học hỏi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với Hội Người mù và các tổ chức quốc tế. Công tác Đối ngoại đã góp phần giúp Hội giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè quốc tế, huy động các nguồn lực chăm lo đời sống hội viên và đóng góp hiệu quả vào phong trào chung của người mù, người khuyết tật trong khu vực và thế giới.

Cùng với sự trưởng thành của Hội, 65 năm qua, các đồng chí thương binh và người mù cả nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua bao khó khăn, thử thách để tự khẳng định bản thân và đóng góp hữu ích cho gia đình, quê hương, đất nước. Họa sĩ Lê Duy Ứng trong khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã bị thương rất nặng, hỏng hai mắt và ngất đi. Khi tỉnh dậy, đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết, dưới làn bom đạn ác liệt, ông đã lần mò lấy giấy, dùng ngón tay làm bút, dùng máu từ vết thương ở mắt vẽ bức chân dung Bác Hồ với nền là lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng, dưới bức chân dung, ghi đậm dòng chữ "Ánh sáng niềm tin/ Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân". Với hàng nghìn bức tranh và bức tượng giá trị, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

 Ông Phạm Trung Pồn ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, bị mù từ nhỏ, thấy bà con vất vả, hàng ngày phải thái chuối, thái sắn bằng con dao, cái thớt, ông đã mày mò nghiên cứu ra máy thái thủ công nhưng năng suất gấp nhiều lần so với làm bằng tay, ông còn sáng chế ra xe cải tiến, xe đạp khung sườn bằng gỗ. Ông là Chi hội trưởng Chi hội Người mù huyện Hòa An, tổ chức Hội đầu tiên của tỉnh Cao Bằng và là Ủy viên BCH khoá I của TW Hội Người mù Việt Nam. Ông đã được tôn vinh là Chiến sĩ thi đua toàn quốc và đã được chính Bác Hồ trao tặng huy hiệu của Người. Hình ảnh và công việc của ông đã đi vào sách giáo khoa để các em học sinh học tập.

Rất nhiều chiến sĩ Cách mạng đã anh dũng chiến đấu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và đã để lại ánh sáng đôi mắt nơi chiến trường, có người đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; khi rời trận tuyến, họ lại trở thành đội ngũ nòng cốt, nỗ lực đóng góp xây dựng tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp nối cha anh, thế hệ người mù hôm nay cũng đang từng ngày trau dồi, rèn luyện, phát huy trí tuệ, năng lực, chủ động, tự tin hòa nhập cộng đồng với nhiều tấm gương tiêu biểu. Họ là những cán bộ Hội năng động, nhiệt tình; học sinh, sinh viên xuất sắc, đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, đỗ thủ khoa đầu vào hay tốt nghiệp đại học, cao học. Họ là những hiệp sĩ công nghệ thông tin, nghệ sĩ ưu tú, Giám đốc doanh nghiệp, MC truyền hình, giáo viên không chỉ dạy những người đồng tật mà còn dạy Tiếng Anh, âm nhạc cho hàng trăm em sáng mắt...

Từ những nỗ lực không mệt mỏi, Hội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận thành tích bằng 3 tấm huân chương Độc lập hạng nhất, hạng nhì, hạng ba, cùng hàng nghìn Huân chương Lao động, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các cấp, các ngành tặng cho tập thể, cá nhân cán bộ, hội viên.

Có được những kết quả như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến một yếu tố vô cùng quan trọng: Đó chính là ánh sáng động lực, niềm tin từ lời dạy của Bác luôn tỏa sáng trong trái tim của những người khiếm thị. Bên cạnh đó, những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đối với người khuyết tật nói chung, người mù nói riêng ngày càng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, từng bước chuyển từ cách tiếp cận nhân đạo sang cách tiếp cận nhân quyền, coi người khuyết tật là một bộ phận của nguồn nhân lực, được đảm bảo thực hiện quyền và tham gia đầy đủ vào mọi mặt đời sống xã hội. Những chủ trương, chính sách đó cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành và cả cộng đồng đã giúp người khuyết tật ngày càng có điều kiện khắc phục khó khăn, phát huy khả năng, trở thành những người có ích cho gia đình, xã hội, cụ thể hóa quan điểm “Tàn nhưng không phế” của Bác Hồ kính yêu.

          65 năm đã trôi qua, lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác vẫn còn nguyên giá trị và sẽ mãi là ánh sáng soi đường cho các thế hệ cán bộ, hội viên nỗ lực phấn đấu vươn lên xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoà nhập và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng.

Đinh Việt Anh