Ảnh bìa

Tạp chí Đời mới thắp sáng trong tôi

Sau 3 tháng leo đèo lội suối, ngày 26/4/1969, tôi cũng ra được đơn vị 970 an dưỡng của đoàn 559. Ở đây, ngoài việc làm thuốc và nghỉ ngơi, thời gian còn lại dành cho đọc sách báo và học chính trị. Một hôm, trong báo Đại đoàn kết có một bài viết về sự ra đời của Hội Người mù Việt Nam như sau: Trong báo cáo tháng tư của Bộ Nội vụ gửi lên Bác có đoạn: Ngày 17/4/1969, tại Câu lạc bộ Thống Nhất bên hồ Hoàn Kiếm, Hội Người mù Việt Nam đã mở đại hội lần thứ nhất bầu ra ban chấp hành và chính thức đi vào hoạt động. Nghe đồng chí Vũ Kì đọc tin đó, Bác rất mừng. Bác chỉ thị cho Bộ Nội vụ chỉ đạo Hội Người mù Việt Nam gửi báo cáo chi tiết lên cho Bác. Đồng chí Huỳnh Đình Thảo Phó Chủ tịch Trung ương Hội được phân công soạn thảo chi tiết này. Trong đó, Ban Thường vụ Trung ương Hội đề đạt ý kiến xin Bác được lấy lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Người là kim chỉ nam cho mọi hoạt động Hội và phương châm phấn đấu rèn luyện cho mọi thành viên của hội. Khi nghe đồng chí Vũ Kì đọc đoạn này, Bác cười và bảo đồng chí Vũ Kì ghi ba chữ “Bác đồng ý” sang bên cạnh.Thông tin đầu tiên về Hội rất ngắn ngủi nhưng tình cảm của Bác đối với Hội thì quá rộng lớn và bao la.

          Đêm đó về, tôi không sao ngủ được, tôi nằm suy nghĩ lại từng câu, từng chữ ở trong bài báo và ngược dòng thời gian tôi nhớ lại từ ngày đầu bị thương. Đó là ngày 19/11/1968, lúc ấy tôi 26 tuổi, nói không bi quan, không chán nản thì không đúng, nhiều đêm trằn trọc đến sáng để suy nghĩ và tìm hướng đi cho quãng đời còn lại nhưng đều bế tắc. Tôi nghĩ đến lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác. Nhưng Bác nói ở đâu, trong hoàn cảnh nào tôi hoàn toàn không có một tí thông tin gì. Cuối cùng, tôi  tự an ủi và động viên mình, mình đừng nghĩ điều gì sai, đừng làm điều gì trái là được rồi. Sau buổi đọc báo ấy, tôi đã tự đặt ra một chương trình rèn luyện để tự làm chủ trong mọi sinh hoạt của cuộc sống...

     Năm 1973, đơn vị giải quyết chính sách, tôi ra quân và về thẳng gia đình mà không qua khu điều dưỡng thương binh nặng tập trung. Tôi chỉ nghĩ đơn giản về nhà giữ con để vợ tôi hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức phân công, như vậy là tốt rồi. Nhưng quê hương sau bao ngày bom cày đạn xới không còn gì vẹn nguyên. Đảng bộ và nhân dân ngày đêm nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục lại sản xuất tiếp tục chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Tôi bị cuốn hút ngay vào phong trào đó, hoạt động ở lĩnh vực văn hóa thông tin cơ sở, góp một phần công sức đưa xã Nam Lĩnh quê tôi vươn lên dẫn đầu trong toàn huyện. 20 năm kể từ năm1973 đến năm 1993, nhìn lại quãng thời gian không phải là ngắn ấy tôi đã kiên trì, bền bỉ và dẻo dai phấn đấu đi lên không mệt mỏi đóng góp nhiều công sức cho phong trào của xã và của huyện.

      Năm 1993 được Trung ương Hội chọn là năm củng cố và phát triển tổ chức Hội, Huyện hội Nam Đàn được thành lập, tôi được bầu giữ chức Chủ tịch. Những ngày đầu, cơ sở vật chất là con số không, những hiểu biết về công việc là hai bàn tay trắng. Nhưng nền tảng lớn nhất đó là sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, sự giúp đỡ tận tình của các ban ngành và sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp Hội. Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo là cố Chủ tịch Đinh Thuyên và cố Phó Chủ tịch Lê Hồng Thủy từ Hà Nội trực tiếp vào làm việc với Huyện ủy và UBND huyện Nam Đàn.

          Sau đó Huyện hội Nam Đàn đón nhận và thực hiện trọn vẹn dự án xóa mù chữ và dạy nghề cho 30 người mù, mua máy xát tăm tạo việc làm, thu nhập cho anh chị em hội viên. Cá nhân tôi vừa làm lãnh đạo vừa tự học nhưng rồi tôi cũng đuổi kịp anh em. Kết thúc lượt học cuốn sách chữ braille đầu tiên tôi nhận là cuốn Tạp chí Đời mới. Sắp xếp công việc xong, mọi người đã đi ngủ, tôi mới lấy ra đọc vì đọc sách cần phải yên tĩnh, nhất là chữ nổi. Tôi lần giở từng trang, trước hết là trang tin. Đọc hết trang tin, một bức tranh toàn cảnh về hoạt động hội của cả nước hiện về trong những dòng chấm nhỏ xinh xinh tròn trĩnh. Đến các bài viết mang tính chính luận của các vị lãnh đạo Trung ương Hội. Mở trang thơ, những dòng thơ mộc mạc chân thành như hiện ra từ đáy lòng của hội viên. Những dòng lịch sử hào hùng của đất nước, những anh hùng của dân tộc trong trang đất nước con người càng củng cố thêm lòng yêu nước của hội viên. Những kiến thức cơ bản, giản dị nhưng rất cần trong cuộc sống được Tạp chí đề cập một cách đầy đủ trong mục phổ biến kiến thức. Trang quốc tế chuyển đến những bài dịch từ nguyên bản tiếng Anh, tiếng Pháp của Tạp chí Hội Người mù thế giới, Hội Người mù châu Á Thái Bình Dương đã mở ra tầm nhìn ra thế giới cho người mù Việt Nam.

          Đọc xong cuốn tạp chí đã 3 giờ sáng, gấp cuốn sách lại tôi không sao ngủ được. Điều mừng nhất là Hội đã có một tạp chí hàng tháng bề thế có đủ các chuyên mục tạo điều kiện cho người mù cập nhật thông tin, tri thức tạo động lực cho anh chị em vươn lên trong học tập và lao động. Riêng với cá nhân tôi, đây là một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm vô giá để tôi vận dụng vào cuộc sống và công tác hội. Nằm trằn trọc không ngủ được, sợ mọi người thức giấc, tôi nhẹ nhàng lấy bảng, bút ra đầu hè viết lên mấy dòng cảm nghĩ :

                             “Cuốn tạp chí trên tay

                               Sao mà thân thiết quá

                               Lần từng dòng chấm nổi

Cả đất nước hiện về

Từ thành thị đến miền quê

Từ vùng xa đến hải đảo

 Suốt chiều dài đất nước

Hội vững bước đi lên

28 ngàn hội viên

42 tỉnh thành hội

Về thủ đô yêu dấu

Trung ương hội kính yêu

Lo mỗi sớm mỗi chiều

Cho tổ chức phát triển.

Lo sản xuất toàn diện

Nâng dân trí hội viên

Để người mù vươn lên

Bình đẳng trong xã hội

Cuốn tạp chí đời mới

Sao thân thiết vô cùng

Tất cả là tâm hồn

Của người mù cả nước.

(Năm 1993 quy mô hội chỉ mới có 42 tỉnh thành phố và 28 ngàn hội viên).

    Cơ sở vật chất của Huyện hội dần được tạo dựng. Từ các dự án hỗ trợ của Chính phủ giúp cho hội viên có vốn để tăng gia sản xuất. Năm 1995, Huyện hội Nam Đàn đón nhận 71 triệu đồng của nguồn dự án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Từ nguồn kinh phí này, Hội đã mua được 1058 m2 đất và 15 gian nhà ngói làm cơ sở sản xuất tập trung, đồng thời vươn lên là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh Nghệ An. Tuy làm được nhiều việc như vậy nhưng tôi luôn đau đáu một câu hỏi chưa tìm được lời giải cho lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác.

    Năm 2003, theo độ tuổi, tôi được nghỉ công tác Hội trở về làm một hội viên nhưng hàng tháng tôi vẫn nhận được Tạp chí Đời Mới để đọc và luôn giữ liên lạc thường xuyên với Tạp chí.

    Năm 2005, Bộ Chính trị triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thầm nghĩ đây có lẽ là dịp tìm được xuất xứ lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Bác. Suốt một năm, tôi đi sưu tầm tài liệu để làm bài thi mặc dù đã đạt giải những cuộc thi này ở hội đồng chung khảo Trung ương, Giải đặc biệt về cuộc đời tư tưởng sự nghiệp Hồ Chí Minh. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu sách vở và tài liệu nhưng xuất xứ của lời dạy “Tàn nhưng không phế” vẫn bặt vô âm tín. Điều này vẫn tiếp tục đau đáu và đeo đẳng mài trong tâm hồn tôi.

   Năm 2006, kỉ niệm 50 năm thực hiện lời Bác dạy “Tàn nhưng không phế” chuyên mục đất nước con người của Tạp chí Đời Mới đăng nguyên văn bài viết của đồng chí Vũ Kì: Bác Hồ thăm trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Tôi rất mừng và cũng như lần trước, để mọi người đi ngủ tôi mới lấy sách ra đọc. Trong không gian yên tĩnh những dòng chấm nhỏ hiện dần dưới ngón tay của tôi: Giao thừa năm Bính Thân 1956, Bác Hồ đến thăm trường thương binh hỏng mắt Hà Nội…. Xúc động quá nước mắt tôi trào ra, tôi không sao đọc tiếp được, tôi đứng dậy và nói thầm một mình: Bác ơi trái tim Bác mênh mông quá, Bác đã cho chúng cháu tất cả rồi. Không cầm lòng được, tôi bước đến trước bàn thờ Bác, rút 3 nén hương châm lửa cắm lên bát hương và nói trong nước mắt: Bác ơi cháu sẽ thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác.

       Giờ đây, khi đã bước sang tuổi 80 nhưng hàng ngày tôi vẫn cập nhật thông tin, sưu tầm và bổ sung tài liệu, qua đó củng cố và hoàn thiện một cách có hệ thống nhận thức của mình về cuộc đời, quá trình hoạt động cách mạng và nhân cách cao đẹp của Bác Hồ. Tôi biên tập thành đề cương cho các bài nói chuyện về cuộc đời của Bác để nói chuyện ở các trường phổ thông, các đoàn thể, hội người cao tuổi, hội cựu giáo chức... Và càng ngày, tôi càng thấm thía hơn, cảm nhận tình yêu thương bao la của Người dành cho tất thảy những người dân Việt Nam trong đó có người mù chúng ta.

Nguyễn Đăng Khoa (Bài dự thi Thắp sáng niềm tin dựng xây cuộc đời mới)