Ảnh bìa

Tọa đàm nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ

Chiều 26/7/2022, Trung ương Hội tổ chức tọa đàm nhân kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2022 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom.

Dự buổi tọa đàm có đồng chí Lê Thị Tường Thu – Chủ tịch Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội; các đồng chí thương binh, gia đình các đồng chí thương binh  nguyên là lãnh đạo Hội; cán bộ văn phòng Trung ương Hội, Trung tâm Đào tạo cán bộ PHCN cho người mù và cán bộ, hội viên dự trực tuyến tại điểm cầu các Tỉnh, Thành hội trong cả nước.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, đồng chí Đinh Thanh Tùng – Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội đã khẳng định ý nghĩa to lớn của Ngày Thương binh - Liệt sỹ và lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ảnh: Đồng chí Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội ôn lại truyền thống Ngày Thương binh - liệt sỹ và những đóng góp của các đồng chí thương binh hỏng mắt trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội.

Đồng chí Đinh Việt Anh – Phó Chủ tịch Hội ôn lại truyền thống Ngày Thương binh - Liệt sỹ và những đóng góp của các đồng chí thương binh hỏng mắt trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Theo đó:

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương hay vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sĩ, đồng bào, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ. 

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác cũng gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.

Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1975, ngày 27/7 hàng năm chính thức trở thành ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng tuổi thanh xuân, sẵn sàng xả thân cho Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời. Máu đào và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang để đất nước ta “nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

 Trong tổ chức Hội của chúng ta, các đồng chí thương binh hỏng mắt cũng chính là những người đã đặt nền móng, tham gia dạy chữ, dạy nghề, vận động thành lập và dựng xây tổ chức Hội như ông Huỳnh Đình Thảo, Đinh Thuyên, Trần Công Nhuận, Lê Hồng Thủy…

Phát huy truyền thống ấy, nhiều cán bộ, hội viên là những thương binh, bệnh binh đã tiếp tục nhiệt tình tham gia xây dựng Hội. Họ là người cán bộ hội tâm huyết, là gương điển hình trong các phong trào do Hội và địa phương phát động, là những ông chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho người đồng tật và nhiều người khác.

Đồng chí Đinh Việt Anh cũng nhấn mạnh: “Trân trọng, tự hào và biết ơn sâu sắc đối với những hi sinh gian khổ, mất mát và những cống hiến của các đồng chí cho quê hương, đất nước và tổ chức Hội, thế hệ cán bộ, hội viên hôm nay nguyện tiếp bước cha anh, phát huy ý chí “Tàn nhưng không phế”, đoàn kết, đồng lòng để xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh vì sự bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc của người mù cả nước.”

 

Ảnh: Đồng chí Phạm Viết Thu - thương binh đặc biệt ¼ - Chủ tịch Trung ương Hội chia sẻ cảm xúc tại buổi toạ đàm.

Ảnh: Đồng chí Cao Văn Thành –nguyên Chủ tịch Hội chia sẻ những kỷ niệm khi trực tiếp tham gia chiến đấu và sau này trở về tham gia công tác Hội.

Ảnh: Từ điểm cầu Bến Tre, đồng chí Lê Văn Năm - Chủ tịch Tỉnh hội bày tỏ tình cảm, cảm xúc tại buổi toạ đàm.

Ảnh: Đồng chí Võ Văn NgọChủ tịch HNM thành phố Đà Nẵng phát biểu tại buổi toạ đàm từ điểm cầu trực tuyến.

Tham dự tọa đàm, đồng chí Phạm Viết Thu – thương binh đặc biệt ¼ - Chủ tịch Trung ương Hội và các đồng chí cán bộ Hội là những thương binh hỏng mắt như đồng chí Cao Văn Thành –nguyên Chủ tịch Hội, đồng chí Lê Văn Năm – Chủ tịch Tỉnh hội Bến Tre, đồng chí Võ Văn Ngọ - Chủ tịch HNM thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ những kỷ niệm, những cảm xúc, tình cảm khi trực tiếp tham gia chiến đấu và sau này trở về tham gia công tác Hội.

Đại diện cho thế hệ cán bộ, hội viên trẻ trong Hội, đồng chí Phạm Thị Thuỳ - Phó Chủ tịch Tỉnh hội Hà Tĩnh bày tỏ niềm tự hào cũng như lời tri ân sâu sắc đến những anh hùng liệt sỹ, những thương binh, bệnh binh đã hy sinh xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay sẽ luôn ghi nhớ công lao to lớn và sự sy sinh ấy, đồng thời nỗ lực học tập, lao động cống hiến hết mình để giữ gìn, phát huy những thành quả mà những thế hệ cha anh đã dựng xây, đưa tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Ảnh: Đồng chí Phạm Thị Thuỳ - Phó Chủ tịch Tỉnh hội Hà Tĩnh bày tỏ niềm tự hào cũng như lời tri ân sâu sắc đến những anh hùng liệt sỹ, những thương binh, bệnh binh.

Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi tặng 46 suất quà cho các đồng chí thương, bệnh binh công tác tại Trung ương Hội và các Tỉnh, Thành hội; các đồng chí thương binh nguyên lãnh đạo Hội qua các thời kì, gia đình thương binh, liệt sĩ tại TW Hội. Mỗi phần quà là 500000 đồng. Nhóm Nhân ái Hồng La Hà Tĩnh và các nhà hảo tâm gửi tặng 3 triệu đồng cho các đồng chí thương binh hỏng mắt đã tham gia học tập tại Trường Thương binh hỏng mắt, nơi Bác Hồ đã đến thăm vào đêm giao thừa Tết Bính Thân năm 1956 và để lại lời dạy thiêng liêng “Tàn nhưng không phế”.

Ảnh: Đồng chí Lê Thị Tường Thu - Chủ tịch công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao quà của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Ảnh: Các đồng chí thường trực Trung ương Hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Đời mới