Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở
Trong đêm khuya yên tĩnh, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, chị Bùi Thị Lan, ngụ ở Ấp Thọ Hoà Đông B, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, xúc động sờ lên từng viên gạch lát nền, từng bức tường của ngôi nhà mới. Đối với chị, đây không chỉ là một căn nhà vững chắc mà còn là biểu tượng của sự yêu thương, sự sẻ chia của Hội Người mù, mái ấm mà chị đang sinh hoạt.
Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ Trung ương Hội Người mù Việt Nam do chính cán bộ, hội viên đóng góp trong chương trình “Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở”, cùng với 10 triệu đồng của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng và số tiền dành dụm từ công việc xoa bóp bấm huyệt, chị Lan đã xây dựng cho mình một tổ ấm khang trang, chấm dứt những tháng ngày sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát.
Ảnh: Trao tặng tiền hỗ trợ xây nhà cho chị Bùi Thị Lan (ảnh báo Sóc Trăng)
Hành trình đầy khó khăn của những người phụ nữ mù
Chị Bùi Thị Lan là một trong nhiều phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mất chồng sớm, lại bị mù cả hai mắt, chị một mình phải chăm lo cho mẹ già và con trai. Căn nhà trước đây của chị đã xuống cấp trầm trọng, với những bức tường nứt nẻ và mái tôn dột nát, phải dùng tấm bạt để che nắng, che mưa. Nhờ sự giúp đỡ từ Hội Người mù, chị và gia đình đã có được nơi ở an toàn, vững chắc. Câu chuyện của chị Lan là một minh chứng sống động cho sự sẻ chia và chung tay góp sức từ những người đồng tật và các cán bộ sáng mắt đầy tâm huyết trong Hội.
Ảnh: Lễ bàn giao nhà cho chị Trần Thị Vân.
Tương tự, trường hợp của chị Trần Thị Vân ở tổ dân phố Xuân Hải, thị trấn Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh cũng khiến nhiều người cảm động. Là người mù, chị Vân cùng mẹ già sống trong căn nhà tạm bợ suốt nhiều năm. Trong trận mưa bão năm 2019, căn nhà nhỏ của gia đình chị bị sập và đã được họ hàng, làng xóm dựng tạm lại bằng những tấm tôn cũ. Gọi là “nhà” nhưng diện tích chỉ rộng 30 m2, không vách ngăn phòng, không có nhà vệ sinh, không cửa sổ, các tấm tôn ở 3 vách bên đầy rẫy lỗ thủng, bức tường duy nhất được tận dụng từ căn nhà cũ. Mùa hè trong căn nhà tôn này, nhiệt độ như lò lửa. Mùa đông, hai mẹ con chị không dám ngủ vì bị mưa hắt và tiếng gió rít qua mái tôn thật sợ hãi.
Từ sự hỗ trợ 50 triệu đồng của Trung ương Hội Người mù, các cấp Hội địa phương tiếp tục vận động và được Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, cùng các tổ chức khác ủng hộ, chị Vân đã có một ngôi nhà mới với tổng chi phí 130 triệu đồng, ngoài ra còn có 01 sổ tiết kiệm 30 triệu đồng mang tên chị.
Chị Vân xúc động chia sẻ: "Nếu không có sự hỗ trợ từ Hội và các tổ chức, mẹ con tôi không biết bao giờ mới có thể xây được một căn nhà để ở. Không chỉ có mái nhà che nắng che mưa, giờ đây chúng tôi còn có một khoản tiền tiết kiệm mà trước giờ chưa từng dám mơ đến."
Hoàn cảnh của chị Lý Thị Phượng và anh Triệu Văn Thuận ở bản Sao, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng cũng thật sự khó khăn. Hai vợ chồng anh chị đều bị mù, bố anh Thuận đã mất, mẹ già yếu, chị Phượng lại mắc căn bệnh u não phải phẫu thuật nên cảnh nhà đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Vợ chồng anh chị có 1 con gái sinh năm 2014. Không có nhà ở, gia đình anh chị phải ở cùng với gia đình em trai, ngôi nhà chật chội, thô sơ, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Từ sự hỗ trợ của TW Hội, Tỉnh hội Cao Bằng cùng các ban ngành, nhân dân xã Lý Quốc, đến nay, anh chị đã có được ngôi nhà kiên cố, ổn định cuộc sống.
Ảnh: Lễ bàn giao nhà cho chị Lý Thị Phượng và anh Triệu Văn Thuận.
Một hoàn cảnh éo le khác là chị Nguyễn Thị Ái Trâm tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Là người khiếm thị, chị được sống, sinh hoạt và học tập tại Trung tâm Giáo dục, hướng nghiệp của Tỉnh hội từ nhỏ. Lớn lên trong lòng Hội, hạnh phúc vỡ òa khi chị kết hôn cùng một người đồng tật. Tuy cả gia đình 2 bên nội, ngoại đều có anh, chị, em là người mù, điều kiện khó khăn nhưng cuộc sống của anh chị thật êm đềm, vui vẻ.
Thế nhưng khi chị mới mang thai đứa con đầu lòng được 5 tháng thì chồng chị đã đột ngột qua đời. Sau một thời gian chơi vơi, chị vực dậy cuộc sống và chăm chút cho con trai trong căn nhà thuê trọ. được sự hỗ trợ của gia đình cùng với số tiền chắt chiu, dành dụm từ nghề xoa bóp bấm huyệt, chị đã có thể mua được căn nhà trong xóm trọ, tuy nhiên, căn nhà đã xuống cấp trầm trọng mà không có tiền sửa chữa.
Chương trình “Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở” của TW Hội lại đến với chị cùng Quỹ Mái ấm Công đoàn của tỉnh và Công ty TNHH 1 thành viên thuộc Tỉnh hội Thừa Thiên Huế, nơi chị đang làm việc. Nhờ vậy, chị đã sửa chữa được ngôi nhà khang trang với tổng kinh phí 150 triệu đồng.
Sẻ chia từ trái tim - Thắp sáng yêu thương, lan tỏa hy vọng
Theo thống kê của Hội Người mù Việt Nam năm 2020, cả nước có hơn 1.100 hội viên nữ chưa có nhà ở hoặc đang phải sống trong những ngôi nhà tồi tàn, dột nát. Nhằm góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho chị em, năm 2021, Trung ương Hội đã phát động chương trình "Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở". Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của chính quyền, MTTQ, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân hảo tâm, đến nay, chương trình đã hỗ trợ làm mới 185 căn nhà, sửa chữa 187 căn nhà với tổng số tiền 16.130.680.000 đồng.
Đặc biệt, với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, chương trình đã quyên góp được hơn 650 triệu đồng từ các cán bộ, hội viên trong Hội. Hội đã hỗ trợ xây dựng 8 ngôi nhà mới tại Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắk Nông, Sóc Trăng, và sửa chữa 2 ngôi nhà tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, TW Hội đang tiếp tục khảo sát để mang tấm lòng của cán bộ, hội viên cả nước đến với những hội viên nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hội cũng đóng góp 50 triệu đồng xây dựng nhà ở cho một phụ nữ mù tại tỉnh Điện Biên theo lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 50 triệu đồng trong chương trình "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, chia sẻ: “Thật xúc động khi những viên gạch đầu tiên của những ngôi nhà vững chắc, an toàn, ấm áp được xây nên từ chính tấm lòng của các cán bộ, hội viên trong Hội. Đây không chỉ là sự giúp đỡ thiết thực, có ý nghĩa lâu dài để những người phụ nữ mù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn “an cư, lạc nghiệp” mà còn là hình ảnh đẹp về tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương trong tổ chức Hội – ngôi nhà chung của người mù cả nước.”
Chương trình “Chung tay hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nữ mù khó khăn về nhà ở" đã và đang mang lại không chỉ những mái nhà mà còn là những hy vọng và niềm tin cho các hội viên nữ.Tình đoàn kết, yêu thương của anh chị em cán bộ, hội viên các cấp Hội Người mù cùng sự đóng góp, sẻ chia của các cơ quan, tổ chức và những tấm lòng nhân ái đang từng ngày thắp sáng cuộc sống của những người phụ nữ mù có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền đất nước.
Minh Anh