Giáo dục, ngọn đèn sáng nhất trên con đường theo đuổi ước mơ
Ninh Hạ là một khu tự trị của người Hồi nằm ở Tây Bắc Trung Quốc. Nơi đây có địa hình cao nguyên Hoàng Thổ với sông Hoàng Hà chảy qua. Ninh Hạ có khí hậu khắc nghiệt, với mùa hè nóng khô và mùa đông lạnh giá, có lẽ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đã khiến người dân Ninh Hạ trở nên kiên cường, chịu khó để thích ứng tốt với môi trường. Sinh ra và lớn lên tại Ninh Hạ, cô gái khiếm thị có tên Hoàng Anh vượt qua muôn vàn khó khăn và những rào cản đến từ quan điểm của cộng đồng, hoàn cảnh của bản thân để chinh phục lần lượt những nấc thang trí tuệ, từ một sinh viên đại học, đến tấm bằng thạc sĩ và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài hỗ trợ khẩn cấp cho người khiếm thị.
Hoàng Anh là một cô gái khiếm thị đến từ Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, Trung Quốc. Năm lên 2 tuổi, một cơn sốt cao đã khiến đôi mắt cô hoàn toàn mất đi ánh sáng. Dù vậy, cô vẫn luôn theo đuổi quá trình học tập như một con đường để thay đổi vận mệnh và đạt được ước mơ của mình.
Khi cô lớn lên, mọi người xung quanh luôn nói với cô rằng, những người khiếm thị chỉ có thể trở thành kĩ thuật viên massage. Nhiều bạn bè khiếm thị của cô đã chọn con đường này sau khi học xong trung học cơ sở. Tuy nhiên, cô tin rằng những người khiếm thị nên có nhiều lựa chọn hơn, giống như bất kỳ ai khác. Cô quyết định tiếp tục học ở một trường trung học phổ thông bình thường và đặt mục tiêu vào đại học, mặc dù cơ hội dành cho học sinh khiếm thị rất hạn chế.
Năm 2014, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo rằng, các thí sinh khiếm thị sẽ được cung cấp đề thi chữ nổi Braille và các điều kiện khác để tham gia kỳ thi. Sự thay đổi chính sách này đã mang đến cho cô cơ hội theo đuổi ước mơ tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Việc chuẩn bị cho kỳ thi rất khó khăn, đặc biệt là với những hạn chế của chữ nổi Braille Trung Quốc và khó khăn trong việc học về hình học không gian ba chiều. Bất chấp những trở ngại này, sự kiên trì, nỗ lực của cô đã được thúc đẩy bởi sự chăm chỉ của cha mẹ và ước mơ vào đại học của mình.
Tháng 6 năm 2015, cô trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên ở Ninh Hạ khi tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học đạt số điểm vượt qua điểm chuẩn đầu vào 85 điểm và được nhận vào học Chương trình Công tác xã hội tại Đại học Công nghệ Vũ Hán. Trải nghiệm tại trường đại học đã giúp cô thấy rõ sự phát triển của giáo dục hòa nhập. Cô đã chứng kiến ngôi trường của mình trở thành trường đại học thí điểm quốc gia về giáo dục hòa nhập và thấy được tác động tích cực của các chính sách hòa nhập đối với cuộc sống của nhiều người.
Trong những năm học đại học, cô đã dựa vào các phiên bản điện tử của sách giáo khoa và phần mềm đọc màn hình. Trường đại học đã hỗ trợ cho cô rất nhiều, bao gồm máy tính chữ nổi và giúp đỡ cô khi làm bài kiểm tra. Bất chấp những thách thức, cô đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập, tham gia các hoạt động tình nguyện, xuất bản các bài báo và nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm danh hiệu "Hoa khôi sinh viên đại học” tại Trung Quốc. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, cô theo học chương trình thạc sĩ và tiếp đó là chương trình tiến sĩ, tập trung vào nghiên cứu liên quan đến người khuyết tật. Các nghiên cứu ở bậc đại học và thạc sĩ của cô bao gồm việc đánh giá sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công tác giáo dục đại học dành cho người khiếm thị và sự tham gia chính trị của người khuyết tật. Nghiên cứu tiến sĩ của cô tập trung vào hỗ trợ khẩn cấp cho người khiếm thị.
Cô cũng đã làm việc để nâng cao nhận thức của công chúng về khả năng tiếp cận và giảm định kiến về người khiếm thị. Thông qua các sáng kiến như tài khoản chính thức WeChat "Look Blindly" và các dự án đào tạo cuộc sống độc lập, cô muốn chứng minh rằng người hỏng mắt có thể làm mọi thứ trừ việc nhìn. Hành trình của cô từ bậc đại học đến bậc tiến sĩ được thúc đẩy bởi niềm tin rằng giáo dục là ánh sáng rực rỡ nhất trong cuộc sống của bất kỳ ai có ước mơ. Cô hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp cho lĩnh vực công tác xã hội và hỗ trợ những người có nhu cầu, chứng minh rằng giáo dục có thể thay đổi cuộc sống.
Đinh Việt Anh