Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam”
THỂ LỆ CUỘC THI
“TÌM HIỂU TRUYỀN THỐNG 55 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
HỘI NGƯỜI MÙ VIỆT NAM”
(Kèm theo công văn số 33 /HNM-TVG ngày 26 tháng 01 năm 2024)
I. MỤC ĐÍCH CUỘC THI
Cuộc thi nhằm tuyên truyền về lịch sử 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam. Qua đó, giáo dục truyền thống tốt đẹp của Hội, tinh thần vượt khó vươn lên, tạo động lực để cán bộ, hội viên nỗ lực cống hiến xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của người mù được nâng cao, đóng góp vào công tác an sinh xã hội của đất nước.
Tuyên truyền về những giá trị, truyền thống tốt đẹp và những kết quả đã đạt được qua chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển tổ chức Hội của các thế hệ cán bộ, hội viên nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về khả năng, nghị lực, tinh thần “Tàn nhưng không phế” của người mù để mỗi cấp Hội ngày càng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn của chính quyền địa phương, các tổ chức, cộng đồng xã hội cùng chung tay vun đắp vì sự phát triển tổ chức Hội và hạnh phúc của người mù.
Cuộc thi cũng là dịp cán bộ, hội viên bày tỏ tình cảm của mình dành cho tổ chức Hội; Thể hiện khả năng viết, sáng tác, ứng dụng công nghệ thông tin trong mỗi bài dự thi. Từ đó, phát huy và lan tỏa khả năng của người mù cùng những giá trị tích cực trong các phong trào hoạt động Hội.
II. ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
Cuộc thi dành cho cán bộ, hội viên, học sinh, sinh viên khiếm thị trong toàn Hội.
III. NỘI DUNG: Bố cục bài dự thi có 2 phần
Phần thứ nhất: Thông tin thí sinh tham dự cuộc thi
Họ và tên: .............................................................................................................
Ngày/ tháng/ năm sinh: ........................................................................................
Đơn vị công tác/sinh hoạt: ………………………………………………………
Nếu là học sinh/sinh viên, ghi rõ: ... trường…. lớp…. …………………………
Số điện thoại liên hệ (của cá nhân/người bảo trợ nếu là học sinh): ........................
Email (của cá nhân/ người bảo trợ): .....................................................................
Phần thứ hai: Nội dung bài dự thi
A. Trả lời câu hỏi:
1. Anh (chị) hãy nêu hoàn cảnh ra đời lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Lời dạy đó trở thành phương châm hoạt động của Hội từ năm nào và trong điều kiện nào? Ý nghĩa của lời dạy đó trong hoạt động Hội và trong đời sống cán bộ, hội viên.
2. Anh (chị) hãy nêu 3 hình thức khen thưởng cao quí nhất của Đảng, Nhà nước đã trao tặng Hội Người mù Việt Nam? Những phần thưởng đó được trao tặng trong dịp nào?
3. Anh (chị) hãy kể tên 5 cuộc vận động và chương trình hành động lớn do Hội Người mù Việt Nam phát động trong tổ chức Hội mà anh (chị) biết? Những cuộc vận động, chương trình đó được phát động vào năm nào? Các cuộc vận động và chương trình hành động lớn mà toàn Hội đang thực hiện là gì?
4. Anh (chị) cho biết Điều lệ Hội Người mù Việt Nam đang thực hiện có bao nhiêu chương, bao nhiêu điều? Chương nào nêu nhiệm vụ của Hội? Đó là những nhiệm vụ gì?
5. Anh (chị) hãy kể tên Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam qua các nhiệm kỳ Đại hội?
6. Anh (chị) hãy cho biết chương trình vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Hội người mù Việt Nam được triển khai từ năm nào? Mức vay vốn hiện nay theo quy định số 32/HNM-LĐSX, ngày 17/02/2020 của TW Hội là bao nhiêu?
7. Anh (chị) hãy cho biết thời gian, địa điểm Hội Người mù Việt Nam tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa đầu tiên. Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng của Hội đi vào hoạt động từ thời gian nào? Đến nay, Trung tâm đã đào tạo bao nhiêu khóa học?
8. Tạp chí Đời Mới được bắt đầu hình thành từ năm nào và có tên gọi là gì? Anh (chị) hãy cho biết thời gian Tạp chí đời Mới trở thành tạp chí chính thức trong hệ thống báo chí quốc gia? Hiện nay, Tạp chí xuất bản với những loại hình nào? Ngoài Tạp chí Đời Mới, TW Hội còn có những kênh truyền thông chính thức nào?
9. Anh (chị) hãy cho biết Hội Người mù Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Người mù thế giới từ năm nào? Kể tên các sự kiện quốc tế lớn mà Hội tổ chức. Những sự kiện đó diễn ra vào thời gian nào?
10. Anh (chị) hãy cho biết thời gian Trung ương Hội quyết định thành lập tổ chức Nữ công trong các cấp Hội? Ban Công tác phụ nữ mù được đổi tên thành Ban Phụ nữ và trẻ em vào năm nào? Chương trình hỗ trợ phụ nữ đang được toàn Hội triển khai là gì? Nêu thời gian và chủ đề của Diễn đàn Trẻ em khiếm thị Việt Nam lần thứ nhất?
B. Tự luận
1. Chủ đề: Chọn một trong các nội dung:
- Lịch sử, truyền thống vẻ vang và những thành tựu đạt được trong chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển tổ chức Hội người mù Việt Nam.
- Chia sẻ những cảm nhận, kỷ niệm, câu chuyện, tình cảm của bản thân gắn với quá trình sinh hoạt, tham gia hoạt động Hội.
2. Thể loại: Bài viết, bút kí, tản văn, phóng sự, thơ, bài hát…
IV. HÌNH THỨC TRÌNH BÀY VÀ MỘT SỐ QUI ĐỊNH ĐỐI VỚI BÀI DỰ THI:
Thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức trình bày: Bài viết trên bản word, video clip hoặc audio để tham gia cuộc thi. Bài dự thi hợp lệ phải làm đủ các nội dung của bố cục và theo chủ đề của Cuộc thi.
- Ngôn ngữ trình bày: Tiếng Việt
- Thí sinh cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng các nội dung, đoạn trích, câu nói, tranh, hình ảnh… của người khác trong bài dự thi.
- Bài dự thi viết/đánh máy với độ dài từ 1.200 - 3.000 chữ (khuyến khích sử dụng hình ảnh minh họa), trình bày trên khổ A4.
- Bài dự thi dạng clip, audio từ thời lượng tối thiểu là 7 phút, tối đa là 12 phút, đảm bảo về chất lượng hình ảnh và âm thanh. Thí sinh có thể sử dụng các hiệu ứng, kỹ xảo về hình ảnh và âm thanh. Trường hợp có sử dụng các hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh phải ghi rõ nguồn.
- Minh họa và quay video có thể sử dụng sự hỗ trợ của người khác nhưng bài viết và thuyết trình phải do chính thí sinh thực hiện.
- Video clip được lưu bằng định dạng phổ biến mp4, Audio được lưu dưới định dạng mp3.
- Thí sinh phải đảm bảo bản quyền về ý tưởng và các bài viết, sáng tác khi tham gia cuộc thi là của riêng mình; không được sử dụng lại các bài đã tham gia trong các cuộc thi khác hoặc đã được công bố.
- Ban Tổ chức toàn quyền sử dụng các tác phẩm tham dự để phục vụ mục đích tuyên truyền, tư liệu hoạt động Hội
V. PHẠM VI, THỜI GIAN TỔ CHỨC CUỘC THI, ĐỊA CHỈ NHẬN BÀI DỰ THI
1. Quy mô và thời gian tổ chức cuộc thi
Cuộc thi“Tìm hiểu truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển Hội Người mù Việt Nam” được tổ chức đối với cá nhân được quy định tại mục II của thể lệ này, trong phạm vi tổ chức Hội người mù trên toàn quốc. Cuộc thi được tổ chức 2 vòng sơ khảo và vòng chung khảo toàn quốc.
a. Vòng sơ khảo: Hội người mù các tỉnh, thành phố và Chi hội trực thuộc TW Hội tổ chức, từ ngày 29/1 đến ngày 15/3/2024. Ban tổ chức vòng sơ khảo chấm và lựa chọn các bài có chất lượng gửi dự thi vòng chung khảo toàn quốc (Mỗi đơn vị gửi tối đa không quá 06 bài tham dự vòng chung khảo)
b. Vòng chung khảo toàn quốc:
Trung ương Hội tổ chức, từ ngày 18/3 đến ngày 15/4/2024
- Từ ngày 18/3 – 31/3/2024: Ban Giám khảo chấm vòng 1 lựa chọn các bài có chất lượng tốt vào vòng 2.
- Từ ngày 01/4 - 15/4: Ban giám khảo cuộc thi chấm điểm các bài dự thi được lựa chọn vào vòng 2. Đồng thời, các bài dự thi vòng 2 được đăng tải trên kênh Youtube, Facebook Hội Người mù Việt Nam, để khán giả bình chọn (Trung ương Hội sẽ có thông báo lịch và hướng dẫn cách bình chọn sau).
- Công bố, trao thưởng và tổng kết cuộc thi: Ban Tổ chức tổng kết, công bố và trao thưởng, dự kiến tại lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội 17/4/2024.
2. Cách thức gửi bài dự thi tham dự vòng chung khảo toàn quốc:
- Bài dự thi được lưu dưới dạng mẫu sau: Tên người dự thi – tên đơn vị (Ví dụ Trần Thị A - HNM Hà Nội)
- Bài dự thi gửi về email của Ban Tuyên văn giáo Hội Người mù Việt Nam: bantvg@gmail.com
- Chủ đề của email ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi tìm hiểu về Hội
VI. GIẢI THƯỞNG CUỘC THI
Ban tổ chức căn cứ vào kết quả các bài dự thi để trao giải theo dự kiến cơ cấu như sau:
Giải Nhất: 02 giải.
Giải Nhì: 04 giải.
Giải Ba: 06 giải.
Giải bài dự thi có nhiều người bình chọn và yêu thích nhất 01 giải
Căn cứ vào đề xuất của Ban Giám khảo, số lượng bài tham dự, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ trao các giải khuyến khích, giải chuyên đề khác nhau.
Trung ương Hội tặng Giấy chứng nhận và giải thưởng cuộc thi cho các cá nhân đạt giải.
Những bài thi đạt chất lượng có thể được đăng trên tạp chí Đời Mới, cổng thông tin điện tử Hội Người mù Việt Nam và làm tư liệu trong các hoạt động tuyên truyền của Hội./.